Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ ngăn chặn ‘vòi bạch tuộc’ của các đại gia trong hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế hiện tượng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm và đầu tư đa ngành.

Chặn cửa sở hữu chéo, lợi ích nhóm

Thông tư 36/TT-NHNN “Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động TCTD, chi nhánh NH nước ngoài” mới ban hành đã khiến nhiều người lo ngại về việc có thể siết dòng vốn vào TTCK, gây ra giảm giá cổ phiếu và làm chậm quá trình CPH.

Tuy nhiên, ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách An toàn hoạt động ngân hàng thuộc Thanh tra giám sát ngân hàng đã nhấn mạnh: chính sách mới là bước ngoặt trong việc kiểm soát dòng tiền và sự an toàn hệ thống NH. Thông tư mới sẽ thay thế cho một loạt các thông tư, quyết định khác như 13, 19, 22… Quyết định 03 quy định tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán 20% cũng hết hiệu lực.

{keywords}
Hoạt động cho vay sân sau sẽ bị ngăn chặn.

Điểm nổi bật của TT 36 là tổng mức dư nợ cấp tín dụng của các NH đối với tất cả khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp.

“5% là cấp tín dụng đầu tư trên cổ phiếu. Nó hoàn toàn khác với 20% cho đầu tư CK trước đây. Bởi CK gồm rất nhiều loại: cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá, các quyền chọn, tín phiếu… Trong khi nếu xét riêng tỷ lệ cho đầu tư cổ phiếu nhiều năm nay chỉ xoay quanh 4%”, ông Huyền Anh phân tích.

Thậm chí, quy điịnh mới cũng hạn chế cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được quá 15% vốn tự có. Trong đó đã cụ thể hóa khách hàng nào là “người liên quan” cụ thể đến cả vợ, con của khách hàng… rồi đến cả các công ty con, công ty liên kết của con cái khách hàng đó….

“Mục đích là để hạn chế sở hữu chéo, đầu tư không lành mạnh, dẫn tới thâu tóm, chi phối lẫn nhau và cho vay “sân sau” vốn làm méo mó bản chất tín dụng và dẫn tới chất lượng tín dụng bị suy giảm. Dòng vốn không đi vào nền kinh tế mà nó tập trung ở một số kênh, lĩnh vực, mang tính chất lợi ích nhóm”, ông Huyền Anh chia sẻ.

Một điểm cũng đáng chú ý là các NH chỉ được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Hơn thế, NH không được cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu bảo đảm bằng chính cổ phiếu cho vay đó, mua bằng nguồn vốn cho vay đó. Không được cấp tín dụng mua cổ phiếu của chính mình. Hoặc là cổ phiếu đem thế chấp cho các khoản vay của NH. Mục đích là hạn chế sở hữu chéo và nâng cao chất lượng.

Với tất cả những quy định cứng đó, chính sách mới đã cho thấy mục đích kiểm soát dòng vốn tín dụng của NH. Cơ chế mới này không chỉ có ý nghĩa thời sự mà cofnlaf một bước chuẩn bị lâu dài, định hình cho quá trình hậu tái cơ cấu.

Cú huýnh cho chứng khoán và BĐS

“TT 36 hoàn toàn không siết vốn vào TTCK. Lâu nay thị trường chưa bao giờ dùng hết hạn mức cấp tín dụng cho cổ phiếu. Thống kê cho thấy, trong nhiều năm vừa qua tổng mức cấp tín dụng của hệ thống NH cho đầu tư kinh doanh cổ phiếu chỉ dao động quanh ngưỡng 4%”, ông Huyền Anh chia sẻ.

Theo đại diện NHNN này, không những không hạn chế mà TT 36 còn thúc đẩy TTCK khi cả về nguồn lực và kiểm soát chất lượng.

Trung bình giao dịch cổ phiếu trên TTCK trên dưới 3.000 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, NH vốn pháp định hầu hết trên 3.000 tỷ đồng, sơ bộ có 150.000 tỷ. Nhiều NH có quy lớn tới 30-40 nghìn tỷ đồng nên không bao giờ dùng hết 5% cho vay dầu tư cổ phiếu.

{keywords}
Chứng khoán được hưởng lợi lâu dài.

TT 36 cũng quy định rất rõ, đối với tất cả hợp đồng tín dụng mà được thực hiện trước ngày này, vẫn tiếp tục thực hiện cho tới khi hết hợp đồng, theo nguyên tắc không hồi tố. Như vậy tất cả các khoản cho vay chứng khoán, cho vay cổ phiếu… có thời hạn, không hề bị ảnh hưởng.

Không những thế còn có sự gối đầu kế tiếp, có sự lớn mạnh về năng lực tài chính nhờ vào quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đang diễn ra mạnh mẽ. Với mức 5%, trong tương lai, dòng vốn khả dụng cho lĩnh vực này còn lớn hơn nhiều.

Một điểm được ông Huyền Anh nhấn mạnh là: Hệ cho vay kinh doanh cổ phiếu trước đây quy định ở Quyết định 03 là 250%, thì theo Thông tư 36 giảm còn 150%.

Như vậy, chính sách mới là khuyến khích TTCK, BĐS, định hướng hoạt động NH đi vào ngành nghề lĩnh vực mà Nhà nước cần quan tâm và ưu tiên phát triển. Chính vì thế mà việc giảm từ 250% xuống 150% có tác dụng thúc đẩy, hỗ trợ cho thị trường này phát triển. Từ đó tạo cho các NH mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chứng khoán, cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán và BĐS.

Còn những lo ngại về khả năng làm chậm quá trình cổ phần hóa, ông Huyền Anh cho biết: trong TT 36 quy định, NH không được cho vay để mua cổ phiếu của chính NH mình, “trừ trường hợp cho vay đối với người lao động để mua cổ phần phát hành lần đầu đối với DNNN khi CPH”.

“Đây là cơ chế chính sách mà chúng ta lâu nay vẫn làm để phục vụ cho quá trình CPH các DNNN. Nó không hề hạn chế, không hề tác động xấu mà thậm chí còn thúc đẩy CPH.

Mạnh Hà