Sau khi một đường dây buôn lậu rất lớn bị phanh phui tại Móng Cái, bí thư Tỉnh ủy lẫn chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đều yêu cầu chuyển công tác hàng loạt cán bộ để chờ làm rõ nghi vấn có hay không việc bảo kê cho buôn lậu.
Tại cuộc họp phòng chống lãng phí, tham nhũng của tỉnh Quảng Ninh vừa qua, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng đề nghị: Trong lúc chờ kết luận của cơ quan điều tra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cần đình chỉ hoặc chuyển công tác toàn bộ lãnh đạo Đồn Biên phòng số 5 (Đồn Biên phòng Hải Hòa, TP Móng Cái). Lãnh đạo tỉnh yêu cầu TP Móng Cái điều chuyển, đình chỉ lãnh đạo chính quyền cơ sở (phường Hải Hòa) - địa bàn để xảy ra vụ buôn lậu quy mô lớn hồi đầu tháng 11 này.
100 tấn hàng lọt lưới trong đêm
Rạng sáng 2-11, lực lượng chức năng của Bộ Công an phối hợp với các đơn vị tại tỉnh Quảng Ninh bất ngờ kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại khu vực Bến tàu cạnh Đồn Biên phòng 500-A50 thuộc Đồn Biên phòng Hải Hòa. Tại đây, lực lượng chức năng bắt giữ hàng chục thuyền nhỏ chở hàng lậu; chủ yếu là các loại linh kiện điện tử cũ, đồ gia dụng, vải vóc, sữa trẻ em... từ Trung Quốc đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Cùng với việc khám xét khẩn cấp các điểm tập kết hàng hóa khác, công an đã tạm giữ 16 ô tô chất đầy hàng hóa, 1 xe Lexus 470, 5 thuyền sắt và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động buôn lậu cùng 120 tấn hàng hóa ước tính trị giá hơn 30 tỉ đồng.
Kiểm kê hàng nhập lậu thu giữ tại Đội kiểm soát Hải quan số 1 - Cục Hải quan Quảng Ninh (ảnh TTXVN) |
Số hàng lậu nói trên của một nhóm đầu nậu do vợ chồng Lương Quang Thắng (tức Thắng “cành”, 36 tuổi, ngụ TP Móng Cái) và Lê Thị Thu cầm đầu.
Núp bóng là giám đốc công ty tư nhân mang tên Thắng Thu, Thắng “cành” đã điều hành hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới trong thời gian dài. Thắng sắm đến 10 ô tô tải, 10 thuyền máy nhưng chỉ đứng tên đăng ký 2 chiếc mỗi loại. Để thuận lợi cho việc buôn lậu, Thắng còn ký cả hợp đồng thuê lại khoảng 1 km đường ở khu vực Bến tàu để đám đàn em ra vào và vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Đường dây buôn lậu của “ông trùm” chia thành nhiều công đoạn, mỗi công đoạn giao cho một số đối tượng đảm nhận. Công đoạn đầu tiên do vợ chồng Nguyễn Thanh Phương - Trần Thị Tuyến phụ trách, trực tiếp hoặc điều động các đò (thường xuyên từ 10-12 chiếc) trên sông Ka Long sang Trung Quốc nhận hàng do các đầu nậu đặt trước và chở hàng về tập kết tại Bến tàu.
Đêm đêm, nhóm cửu vạn trên bờ sẽ nhanh chóng vận chuyển hàng từ đò lên các ô tô tải (đeo BKS giả nhưng cố định) đỗ áp sát ngay các mạn thuyền. Sau đó, các xe chở đầy ắp hàng lậu sẽ chạy về các kho hàng của Thắng ở khu vực chợ ASEAN; kho hàng cây dừa ở khu 4, phường Hải Hòa. Tại chợ, dù có barie chắn nhưng các xe hàng lậu của Thắng vẫn chạy vào như… không có người kiểm soát. Sau đó, hàng lậu lại được bốc xếp lên các xe tải, tập kết tại bãi đỗ container thuộc Công ty TM Móng Cái, rồi vận chuyển đi sâu vào nội địa cho các chủ hàng tại các tỉnh, thành (chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng) và các tỉnh phía Nam.
Làm ngơ cho đầu nậu tung hoành?
Trong quá trình triệt phá đường dây buôn lậu này, lực lượng công an đã tạm giữ 40 đối tượng để điều tra. Trong đó, 3 lái đò, 4 tài xế ô tô, 2 người áp tải hàng và 1 quản lý kho bị tạm giữ về hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Một kho hàng lậu của đường dây do Thắng “cành” cầm đầu tại khu vực chợ ASEAN (Quảng Ninh) |
Đến ngày 5-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã tạm đình chỉ 6 cán bộ tại Đồn Biên phòng Hải Hòa do trong ca trực để xảy ra buôn lậu với số lượng lớn. Các cán bộ này sẽ phải làm giải trình về trách nhiệm của mình khi để hàng chục tấn hàng đi đò qua sông mà không hay biết. Hiện phía công an đang làm rõ nhiều nội dung liên quan đến việc có hay không chuyện “bao biên” buôn lậu và gian lận thương mại trong một thời gian dài diễn ra tại khu vực Bến tàu này.
Ban chuyên án cũng đặt câu hỏi liệu có sự bảo kê của cơ quan chức năng để bọn buôn lậu hoành hành tại vùng biên Móng Cái. Việc để hàng lậu lọt sâu vào trong nội địa không thể không có trách nhiệm của lực lượng biên phòng - đơn vị chủ công trong công tác phòng, chống buôn lậu ở vùng biên.
Cách đây không lâu, vào tháng 5-2013, Bộ Công an đã triệt phá đường dây buôn lậu ô tô siêu sang do “ông trùm” đường biên Hà Tuấn Dũng (tức Dũng “mặt sắt”, 40 tuổi, ngụ TP Móng Cái) cầm đầu.
Tham gia nhiều hoạt động trong thế giới ngầm nhưng Dũng “mặt sắt” kiếm tiền nhiều nhất từ việc tạm nhập tái xuất siêu xe. Sau vụ đột kích, Bộ Công an và lực lượng đặc nhiệm phòng chống ma túy - Bộ Tư lệnh biên phòng, hàng trăm siêu xe nhập lậu đã bị khui ra ánh sáng. Công an đã phát hiện và thu giữ trên 50 ô tô hạng sang như Maybach 62S, Ferrari, Maserati, Porsche Cayenne, BMW 750...
Điều đáng nói là trong quá trình điều tra, lực lượng công an đã phát hiện có sự móc nối với một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Cơ quan điều tra đã làm rõ 2 cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Khu Kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh là Triệu Hoài Anh và Bùi Quang Anh đã đứng ra tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái phép của Dũng “mặt sắt” và đồng bọn.
Chỉ đạo xử nghiêm các đối tượng bảo kê buôn lậu Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) - vừa yêu cầu Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, triệt phá các đường dây buôn lậu; làm rõ các đối tượng bao che, bảo kê, tiếp tay để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. |
(Theo NLĐ)