- Việt Nam sẽ mời đoàn làm phim Bollywood và các ngôi sao nổi tiếng của Ấn Độ sang quay cảnh đẹp giới thiệu về đất nước Việt Nam. Chương trình sẽ triển khai ngay năm 2015, thay vì 2016 như đề xuất ban đầu của Tổng cục Du lịch, nhằm kéo khách Ấn Độ tới Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã tiết lộ thông tin trên tại Hội nghị hợp tác du lịch hàng không Việt Nam - Ấn Độ, do Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức sáng 29/11.
Mới đón được hơn 10.000 khách Ấn
Thống kê từ cơ quan quản lý du lịch Ấn Độ, năm 2013, chỉ có 12.300 khách Ấn đến Việt Nam, tuy tăng gấp đôi so với năm 2009, song bình quân mỗi năm chỉ đón thêm được 1.000 khách. Con số này quá nhỏ, nếu không nói là chỉ bằng số lẻ của các nước láng giềng. Chẳng hạn, Thái Lan, Singapore mỗi năm đón trên 1 triệu khách Ấn Độ, Malaysia đón 200.000 khách...
Lạc Việt là một trong số những DN Việt Nam hiếm hoi có 4 năm kinh nghiệm đưa khách Ấn vào Việt Nam, trung bình mỗi năm đón khoảng 1.000 khách.
Việt Nam nhắm vào 300 triệu khách du lịch thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ |
Ông Lê Văn Lên, Phó Giám đốc công ty kiêm Giám đốc Marketing, nhận xét, có hai dòng khách Ấn đến Việt Nam: khách thu nhập cao (đi du lịch dạng hội thảo hội nghị - khách MICE) ở khách sạn 5 sao, mua sắm nhiều nhưng lại khó tính; khách bình dân, nhưng cũng ở khách sạn 3 sao trở lên, hầu như không mua sắm gì.
Ông Lên cho hay, khả năng chi trả của khách Ấn rất tốt. Ông kể đã từng chứng kiến có đoàn khách Ấn mua cả chục cái tivi màn hình rộng mang về nước, trong khi Việt Nam không phải là điểm đến nổi tiếng về bán đồ điện tử cho du khách nước ngoài.
Lượng khách Ấn đi du lịch nước ngoài đang tăng mạnh, dự kiến sẽ lên 50 triệu lượt vào năm 2020 so với 15 triệu khách hiện nay. Khi đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khách Ấn chi tiêu tới 13,3 tỷ USD/năm. Con số này dự kiến tăng lên 91 triệu USD vào năm 2030, đưa khách Ấn Độ trở thành những người có chi tiêu nhiều nhất, sau Trung Quốc. |
Giá vé đắt đỏ, hàng không hờ hững
Tại hội nghị, nhiều công ty lữ hành Ấn Độ, sau khi có chuyến khảo sát một tuần tại Việt Nam, đã đưa ra 4 hạn chế khiến khách du lịch giữa hai nước chưa nhiều.
Thứ nhất, đi lại khó khăn, không thuận tiện. Trước đây, khi chưa có đường bay thẳng, khách phải bay vòng 14-15 tiếng mới đến Việt Nam. Nay Vietnam Airlines phối hợp Jet Airways mở đường bay thẳng từ Ấn Độ tới TP.HCM từ 4/11, song vẫn phải transit qua Bangkok.
Nếu khách muốn ra Hà Nội, lại phải thêm 1 chặng nữa nên chi phí đắt đỏ. Ông Lê Văn Lên tính toán giá vé bay vòng từ Ấn Độ đến Hà Nội vào khoảng 800 USD, đắt chẳng kém đi châu Âu. Mới đây, VietJetAir đã có chuyến bay từ Hà Nội tới vùng đất Phật Bodh Gaya - thuộc bang Bihar - Ấn Độ, song vẫn chưa chính thức khai thác.
Thậm chí, ngay tại hội nghị này cũng vắng bóng đại diện cả ba hãng hàng không, phần nào khiến các hãng lữ hành hẫng hụt. Bà Vân Anh, đại diện cho Hà nội Redtours, nói rằng vì thế mà các công ty du lịch không biết kế hoạch khai thác, lịch bay, giá vé của các hãng ra sao để mà xây dựng tour.
Tối 26/11 Vietnam Airlines quảng bá hút khách ở Ấn Độ nhưng ngày 29/11, khi các DN lữ hành nước này đến Việt Nam và tổ chức hội nghị hợp tác thì lại vắng bóng các hãng hàng không, trong đó có VNA (ảnh TTXVN) |
Trong khi đó, bay thuê chuyến (charter) thì đắt. Bản thân công ty làm dịch vụ này cũng gặp khó. Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietnam TravelMART, cho hay, thời gian cấp phép một chuyến bay của Ấn Độ quá lâu, mất từ 7-10 ngày trong khi các nước chỉ 2-3 ngày. Chưa kể, chi phí cất hạ cánh một số sân bay quá cao, như Bodh Gaya cao hơn mức 3.000 USD thông thường rất nhiều...
Thứ hai, xin visa khó khăn, phí cao. Ấn Độ gần đây đã quyết định nới lỏng visa cho khách du lịch, Việt Nam cũng đề xuất miễn giảm visa cho thị trường này nhưng đến nay vẫn chưa có bước chuyển gì.
Thứ ba, thiếu thông tin về nhau. Do ít quảng bá, xúc tiến nên du khách Ấn quá biết rất ít về Việt Nam.
Thứ tư, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ khách Ấn... Đại diện các hãng du lịch Ấn Độ phàn nàn, cả Hạ Long không có một nhà hàng nào bán đồ ăn Ấn. Ngoại trừ Hà Nội, TP.HCM có vài nhà hàng, các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam như Hạ Long, Nha Trang, Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An... đều thiếu điểm bán món ăn Ấn Độ cũng như các sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ dòng khách khó tính này. Chưa kể, lữ hành kêu vừa đến đã được cảnh báo về nạn móc túi...
Giải thích thêm với các công ty du lịch, bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, cho hay, về mức độ an toàn, bà ca ngợi không nơi nào trên thế giới an toàn như ở Việt Nam. Việc nhắc cẩn thận kẻo bị móc túi là chung cho tất cả khách quốc tế đến đây. Về visa, bà cho rằng Việt Nam nên miễn giảm phí visa và áp dụng e-visa. Ấn Độ đã triển khai e-visa với hơn 40 quốc gia, chỉ mất 14 ngày khách không phải đến đại sứ quán hay lãnh sự quán để xin.
Theo bà Preeti Saran, khách Ấn ăn chay nhiều, khó tính nhưng dần cũng nên trải nghiệm các món ăn, ở những điểm đến khác nhau. Bà khen đồ ăn ở Việt Nam ngon nhất thế giới, từ ngày sang đây bà hầu như chỉ ăn đồ Việt. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên tổ chức quảng bá ẩm thực tại Ấn Độ để khách Ấn làm quen và hiểu hơn về Việt Nam.
Đây là thời điểm hội tụ các yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch hai nước - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đúc kết. Ông Nguyễn Văn Tuấn cam kết các rào cản trên sẽ được gấp rút tháo gỡ. Ngay tháng 12 tới, Việt Nam tiếp tục đón 1 đoàn famtrip của Ấn và đưa một đoàn lữ hành trong nước sang Ấn Độ khảo sát. Năm 2015, cơ quan này sẽ mời đoàn làm phim Bollywood và các ngôi sao nổi tiếng Ấn Độ sang Việt Nam quay phim, trình diễn ở vịnh Hạ Long và các điểm du lịch nổi tiếng để qua đó, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ở đất nước khai sinh ra Phật giáo.
Ngọc Hà