- "Năm nay, lạm phát sẽ dưới 3% và tăng trưởng kinh tế sẽ hơn 5,9%. Tương lai 5 năm tới, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng bình quân 6,5%", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Giảm nợ xấu, kiểm soát lạm phát dưới 5%

Chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên sáng 2/12, 2/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam sẽ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn.

Ông cho hay, năm nay, lạm phát của Việt Nam sẽ dưới 3% nhưng năm 2015, Chính phủ sẽ chủ động kiểm soát lạm phát dưới 5%. Tỷ giá, lãi suất sẽ ổn định để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Bội chi sẽ giảm từ mức 5,3% năm 2014 xuống 5% năm 2015. Nợ công đảm bảo an toàn, không vượt trần cho phép. Chính phủ sẽ xử lý hiệu quả hơn nợ công, bảo đảm trả nợ đúng hạn. Nợ xấu sẽ giảm xuống 3%.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam dự kiến đạt tăng trưởng GDP sẽ trên 5,9% năm nay và năm 2015, sẽ đạt 6,2%. Đây là chỉ số mà Chính phủ cho rằng là khả thi. Kế hoạch 5 năm từ 2015-2020, Chính phủ đã đặt mục tiêu sẽ tăng GDP ở mức bình quân 6,5%/năm, Thủ tướng cho biết.

{keywords}

Thủ tướng Chính phủ cho biết năm 2015 Việt Nam sẽ chủ động kiểm soát lạm phát dưới 5% (ảnh chinhphu).

Đặc biệt, Thủ tướng cam kết, Việt Nam có bước đi thích hợp để giảm mạnh tỷ lệ vốn Nhà nước trong DNNN sau cổ phần hoá. Kế hoạch đề ra cho hai năm 2014-2015, Việt Nam sẽ quyết liệt cổ phần hoá 432 DNNN, tập đoàn, tổng công ty. Qua đó, Việt Nam sẽ nâng cao năng lực quản trị của DN, bình đẳng trong kinh tế thị trường, trước hết là trong phân bổ nguồn lực. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đặt trọng tâm khuyến khích phát triển mạnh DN tư nhân.

Chia sẻ tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, ông Bùi Quang Vinh, cũn cho biết những chỉ tiêu kinh tế tích cực trên là điều gần như chắc chắn hoàn thành. Sự phục hồi của DN đã được cải thiện.

Trong 3 tháng gần đây, tốc độ DN khó khăn đã giảm dần, DN thành lập mới đã tăng trở lại, sức tiêu dùng của dân chúng bắt đầu tăng lên, đây là biểu hiện hết sức tốt đẹp.

Ông Vinh tin rằng năm 2014 sẽ hết sức tốt đẹp với Việt Nam, đây sẽ là tiền đề cho Việt Nam phát triển mạnh hơn.

Cần tận dụng thời cơ từ hội nhập

Nhìn về tương lai, Thủ tướng cho biết, năm 2015, Việt Nam chủ động tích cực hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế. Đây sẽ là năm đánh dấu mốc quan trọng cho việc Việt Nam có thể kết thúc hoặc đạt thoả thuận với hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương, như FTA với EU, với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan châu Âu.... và đặc biệt là TPP.

{keywords}

Thủ tướng chia sẻ, vài ngày tới đây, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa hai bên. Với hiệp định TPP, có sự tham gia của 11 quốc gia với sự góp mặt Hoa Kỳ, Nhật, Canada, Tổng thống Hoa Kỳ đã nói tại cuộc thảo luận với Myamar sẽ dành cho Việt Nam sự linh hoạt cần thiết để phù hợp với trình độ còn thấp của Việt Nam, đảm bảo hỗ trợ Việt Nam tham gia hiệu quả TPP.

Bà Wendy Werner, Giám đốc Chương trình thương mại và cạnh tranh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới cũng chia sẻ, tín nhiệm của Việt Nam đã tăng lên, chứng tỏ sự thành công của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.

"Với các hiệp định thương mại tự do chuẩn bị giam gia, thị trường trong nước sẽ mở ra nhiều hơn, mang lại cả lợi ích và thách thức. Hiệp định sẽ mang lại những dòng vốn đầu tư mới, giúp Việt Nam hướng đến thu nhập cao và hi vọng sẽ tìm được hướng để giúp Việt Nam phát triển", bà Wendy Werner nói.

Bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch của Diễn đàn VBF, kiến nghị, một trong 6 vấn đề cốt lõi mà cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và mong muốn cải thiện chính là việc hỗ trợ các DN tận dụng được lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ ký kết. Chính phủ cần có sự chuẩn bị tốt, tích cực, chủ động trong các cam kết gia nhập các hiệp định này.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ: "Nghiêm túc nhìn nhận Việt Nam còn rất nhiều khó khăn hạn chế nên cần phải làm nhiều hơn nữa, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững".

"Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, coi đây là điểm đột phá. Chính phủ sẽ tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh", Thủ tướng nói.

Đây là lần thứ ba Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để lắng nghe ý kiến, tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, cho rằng, “sự quyết liệt và sức nóng từ Thủ tướng sẽ có sức lan tỏa đến cả bộ máy công quyền. Việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính ngày càng phổ biến cùng với tinh thần trách nhiệm cao của công chức như một yêu cầu bắt buộc sẽ giúp tạo ra một động lực mới cho hoạt động cải cách hướng về người dân và doanh nghiệp", ông Lộc nhấn mạnh.

Phạm Huyền