TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ, trọng tâm của cải cách kinh tế năm 2014 chính là thay đổi DNNN. Nếu làm được, sức tăng trưởng kinh tế ở mức 7- 7,5% như giai đoạn trước sẽ quay trở lại.

Áp lực hành chính và áp lực thị trường

Kinh tế năm 2013 được Chính phủ đánh giá có khởi sắc. Cảm nhận riêng của cá nhân ông thế nào về thành quả đó?

Năm 2013 nổi bật với tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn năm ngoái. Tỷ giá tiếp tục ổn định, cán cân thương mại được cải thiện. Đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào tốt, xuất khẩu tăng trưởng tốt…

Với những chỉ số đó, cho thấy nền kinh tế đã tiến bộ, nhưng nếu nhìn xa hơn theo chiều dài thì nền kinh tế lại vẫn trì trệ.

Ở tầng trên vĩ mô, nền kinh tế có chiều hướng tốt, nhưng nhìn sâu hơn tầng vi mô thì vẫn chưa có thay đổi lớn. DN vẫn khó khăn, giải thể nhiều, sản xuất đình trệ. Nhất là, cải cách DNNN vẫn chưa có một kết quả thực sự căn bản và bền vững.

{keywords}

Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Vậy theo ông, cần khắc phục từ đâu?

Kinh tế trì trệ là là vì ta chưa có áp lực của thị trường. Tình trạng vừa qua, không cổ phần hóa, không cải cách hay cổ phần hóa, cải cách cũng như nhau, không mất gì cả thì thường người ta sẽ không làm gì.

Giờ đặt ra tình huống buộc các DN phải cân nhắc, hành động hay không, được mất cái gì thì các DN phải làm ngay. Tạo ra sức ép, động lực để buộc phải cải cách. Ví dụ, DN nào thua lỗ, không trả được nợ thì giám đốc “bay” khỏi ghế. Còn ông nào làm tốt, thì thưởng lớn.

Hay đánh giá về bảo toàn và phát triển vốn của DN, không phải cứ tăng vốn thêm một đồng là gọi bảo toàn vốn, mà còn phải tính đầy đủ giá của vốn, tính cả chi phí cơ hội của vốn. Trên thị trường, DN đạt 15% tỷ suất lợi nhuận/vốn, nhưng đối với chủ sở hửu, cân nhắc xem, nếu làm khác, khả năng lợi nhuận còn tốt hơn. Khi yêu cầu tính cả chi phí cơ hội thì DN sẽ phải tính toán khác.

Áp lực thị trường không được thì phải dùng đến áp lực hành chính. Cùng với các cải cách, áp lực hành chính tạo ra xung điện, nền kinh tế được kích hoạt lên, sẽ thoát khỏi sự trì trệ.

Thúc ép cải cách DNNN, lợi cho tăng trưởng

Bước sang năm 2014, ông thấy có những tín hiệu tích cực như thế nào?

Đó là tuyên bố mới đây của Thủ tướng về cổ phần hóa DNNN.

Thủ tướng đã nói, nếu DN nào không cổ phần hóa thì sẽ bãi miễn, cách chức ông Chủ tịch HĐQT, hay ông Tổng giám đốc. Cùng đó, Bộ Tài chính và Chính phủ cũng đã có chủ trương, sẽ thoái vốn triệt để theo giá thị trường.

Đó chính là đổi mới tư duy.

Nhưng vấn đề là làm thế nào để hiện thực hóa lời nói của Thủ tướng?

Hãy để xã hội giám sát việc này.

Mục tiêu tới 2016 còn 500 DNNN. Hiện giờ, ta còn hơn 1.000 DNNN thì nghĩa là, năm 2014 phải cổ phần hóa được 250 DN và năm 2015 cũng cổ phần hóa từng ấy DN nữa.

Các quy định cổ phần hóa cơ bản đã có rồi. Giờ, tiến thêm một bước nữa, các bộ, Chính phủ, các địa phương và cả SCIC phải làm một danh sách các DNNN này, nêu rõ DNnào đến thời gian nào phải xong cổ phần hóa, mức độ cổ phần hóa đến đâu,danh mục DN phải thoái vốn và cụ thể thoái lĩnh vực nào.

Thủ tướng đã nói, không cổ phần hóa, sẽ cách chức. Áp lực không phải là áp lực chung chung, mà là áp lực đẩy vào từng cá nhân cụ thể, từng ông giám đốc, chủ tịch HĐTV, từng ông bộ trưởng, vụ trưởng cụ thể. Lúc này, DN không thể không hành động. Vì họ biết, không hành động thì hệ quả cụ thể là thế nào?

Trong xã hội, có rất nhiều người có khả năng, nhảy vào để quản lý những DN nếu cơ chế thay đổi thông thoáng như vậy.

{keywords}
Thúc đẩy cải cách để phục hồi tăng trưởng.

Chính phủ đã chủ trương cho phép thoái vốn dưới mệnh giá, ông đánh giá thế nào về cơ hội mang lại từ quyết sách này?

Nếu cổ phần hóa và thoái vốn triệt để theo cơ chế giá thị trường như vậy thì sẽ là một biến động rất lớn. Chắc chắn, việc này sẽ làm sôi động thị trường vi mô, tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Muốn khuyến trương thị trường trong nước để DN phát triển lên thì không phải là tăng cầu mà làm sao, tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Ta làm việc này bằng chính những thay đổi thể chế, chính sách, thay đổi động lực, từ đó, tạo ra sự phân bố lại nguồn lực.

Thị trường như một nhà ảo thuật, cứ để nó vận hành thì sẽ tạo ra biết bao nhiêu cơ hội mà mình không biết được. Thị trường mà mở ra, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội, có bán, có mua, nền kinh tế vi mô sẽ rất sôi động. Nguồn lực sẽ được sử dụng, tài năng được phát huy, sáng kiến sẽ được khuyến khích thúc đẩy. Từ đó tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô chắc chắn trên nền tảng vi mô sôi động. Chúng ta ổn định bền vững bởi nội sinh của chính ta mà không phải do lực kéo nào đó, lực đẩy nào đó từ bên ngoài.

Nếu làm được như thế, xã hội, người dân sẽ tin tưởng rằng, chúng ta bắt đầu tái cơ cấu, thực sự đang cải cách theo đúng như Quyết định của Thủ tướng phê duyệt về đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Ông dự cảm thế nào về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2014?

Năm 2014, kinh tế thế giới có đánh giá tích cực hơn, cơ hội từ bên ngoài cho xuất khẩu là tốt, nhưng cầu trong nước rõ ràng vẫn yếu. Quan trọng là, cơ hội từ bên ngoài đó dành cho ai ở Việt Nam? Điều này phụ thuộc vào cải thiện môi trường kinh doanh và tầng vi mô ở Việt Nam.

Đầu tư công sẽ tăng nhưng chủ yếu sẽ dành cho các địa chỉ cụ thể đã có. Nhưng ở đây, một số ngành, nhóm DN sẽ được hưởng lợi. Từ đó, ta có thể hi vọng cải thiện được thêm về vi mô.

Đặc biệt, với riêng tái cơ cấu DNNN, nếu được làm một cách mạnh mẽ, quyết liệt, cổ phần hóa và thoái vốn như đã nói, tôi cho rằng, chắc chắn sẽ đem lại một nền tảng kinh tế tiến bộ cho năm 2014 và cho cả giai đoạn năm 2015- 2016. Khi đó, những năm tới, không chỉ nền kinh tế có thể đạt tăng trưởng GDP 6, 6-5% mà GDP ở mức 7- 7,5% sẽ quay trở lại rất nhanh.

Phạm Huyền (thực hiện)