“Không một quốc gia nào phát triển lại chỉ chú trọng dựa vào nguồn vốn bên ngoài. Khu vực tư nhân trong nước phải đủ mạnh để phát triển song song với FDI’, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam khuyến cáo.

Khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm 2014, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn đưa ra dự báo tăng trưởng năm nay chỉ 5,6%, thấp hơn cả con số 5,8% mà Chính phủ dự báo.

Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam công bố ngày 3/12, WB đánh giá kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Kèm theo đó, con số mà tổ chức này dự tính cho Việt Nam năm 2014 là GDP ở mức 5,6%, tăng thêm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2013 cũng như hơn mức dự báo trước công bố hồi tháng 9.

{keywords}
DN trong nước vẫn còn khó khăn.

WB cũng đưa ra cái nhìn đầy lạc quan khi đánh giá triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam là tích cực, GDP sẽ tăng nhưng tăng khiêm tốn, ổn định vĩ mô tiếp tục được củng cố.

Cụ thể, năm 2015, tổ chức này vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,6% nhưng nâng mức lạm phát lên 5%.

Lý giải cho dự báo trên, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho biết đó là nhờ thành công của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt, là sự hồi phục hoạt động của ngành sản xuất, xuất khẩu của khu vực FDI. Khu vực kinh tế tư nhân có tiềm năng sức bật tố. Cải cách DNNN cũng đã bắt đầu lấy được đà tiến tới.

Chính điều kiện vĩ mô tích cực này đã giúp cho Việt Nam cải thiện được vị trí trong bảng xếp hạng về tín nhiệm, giúp Chính phủ phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế vừa qua.

Tuy nhiên, WB cho rằng, mức tăng trưởng hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng bởi cầu nội địa của Việt Nam thấp. Ngoài ra, nợ công vẫn là mối nguy cơ đáng lo ngại mặc dù, rủi ro nợ vẫn còn thấp so với mức chuẩn của thế giới. Tín dụng đã tăng khá dần, nhưng vẫn là thấp hơn kỳ vọng.

Đặc biệt là cải cách DNNN vẫn chậm tiến độ đề ra. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam có tiến bộ đáng kể so với năm 2013 khi năm nay đã có 74 DNNN đã cổ phần hoá. Nhưng con số này vẫn thấp hơn mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ đặt ra bình quân năm nay là 200 DN. Điều này cũng có nghĩa mục tiêu cổ phần hoá DNNN là chưa đạt.

Vị này khuyến nghị, Chính phủ cần có chương trình rà soát, đánh giá hiệu quả DNNN, đẩy mạnh việc công bố thông tin, minh bạch trách nhiệm giải trình để nâng cao hiệu của cổ phần hoá. Cách tốt nhất tái cơ cấu DNNN là giúp họ đối mặt cạnh tranh nhiều hơn, qua đó tạo áp lực cải cách thay đổi.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bổ sung: "Vấn đề không hẳn là con số bao nhiều DN đã CPH mà là CPH như thế nào mới là quan trọng, để cải thiện được thị trường chứng khoán và nâng cao hiệu quả của DN".

Theo bà, để thu hút được nguồn vốn tư nhân trong các cuộc cổ phần hoá DNNN này thì Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi để DN tham gia được thị trường. Như hiện nay thì sẽ không thể có sự cải thiện chất lượng DN như mong đơi.

Bà nhận định, nếu như những bất cập trong khu vực DNNN và ngân hàng được giải quyết thì tiềm năng kinh tế của Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Bởi, đây chính là những điểm cản trở hiệu quả và năng suất của nền kinh tế hiện nay.

Phía sau những tín hiệu tích cực của sự phục hồi, hạn chế của Việt Nam hiên nay còn nằm chính ở sự tương phản giữa hoạt động của FDI và DN trong nước. Khu vực FDI vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng, phát triển mạnh mẽ trong khi ngược lại, khu vực doanh nghiệp trong nước lại vẫn phải vật lộn với nhiều khó khăn. Điều đó thể hiện qua những con số doanh nghiệp đóng cửa vẫn đang gia tăng.

Trong trung hạn, sự chậm trễ trong cải cách DNNN và ngân hàng chính là rủi ro lớn sẽ có tác động xấu tới tình hình tài chính vĩ mô. Rủi ro lớn thứ hai chính là cơ cấu kinh tế vẫn đang dựa vào mở rộng xuất khẩu mạnh ra bên ngoài và như vậy, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu như kinh tế toàn cầu diễn biến bất lợi trở lại.

Bà Kwakwa nhấn mạnh: "Không một quốc gia nào phát triển lại chỉ chú trọng dựa vào nguồn vốn bên ngoài. Khu vực tư nhân trong nước phải đủ mạnh để phát triển song song với FDI. Cùng đó, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh, đó là mấu chốt để đưa nền kinh tế Việt Nam tới quỹ đạo tăng trưởng mới".

Phạm Huyền