- Mùa khuyến mãi cuối năm thường đông khách, thu hút hàng nghìn lượt người tới mua sắm mỗi ngày, thế nhưng các trung tâm thương mại tại Việt Nam lại đìu hiu, vắng khách mặc dù đã treo biển “sale 50%”.
Đến trung tâm mua sắm, chỉ siêu thị đông khách
Cuối năm là dịp để nhiều cửa hàng và trung tâm thương mại xả hàng thông qua các chương trình khuyến mãi, ưu đãi giảm giá, đồng thời nhằm kích cầu thị trường. Mua hàng trong khoảng thời gian từ Giáng sinh đến cuối năm, người tiêu dùng không chỉ được giảm giá trực tiếp lên sản phẩm mà còn được hưởng giảm giá, tặng quà kép từ các trung tâm thương mại (TTTM).
Chẳng hạn, tại một TTTM lớn, các cửa hàng thời trang khuyến mãi lớn mua 1 tặng 1 hay giảm giá đến 90%. Lotte đưa ra chương trình khuyến mãi dành cho mùa mua sắm cao điểm vào cuối năm, áp dụng trên hơn 300 gian hàng. Trong khi đó, tại The Garden hay hệ thống Parkson, nhiều mặt hàng, nhãn hiệu giảm mạnh từ 20-50%. Sau khi quy hoạch lại, Tràng Tiền Plaza chuẩn bị mở cửa trở lại với nhiều thương hiệu thời trang hướng tới khách tầm trung, có ưu đãi giảm giá.
Các trung tâm mua sắm đua nhau khuyến mãi |
Khảo sát cho thấy, mặc dù đã giảm nhưng giá các sản phẩm hàng hiệu vẫn tương đối cao, chỉ phù hợp với người có thu nhập tốt. Còn lại, các mặt hàng giảm giá chỉ thưa thớt vài sản phẩm hoặc đã lỗi mốt. Khách đi chơi, tham quan là chính, còn người mua thực rất ít. Tại những TTTM lớn có mở siêu thị thì đây là nơi hiếm hoi đông khách, còn các khu vực bán hàng trung và cao cấp thì thưa vắng.
Là một trong những tín đồ hàng hiệu, chị Mai Thu Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tại một số nơi, sản phẩm được quảng cáo giảm giá “sốc” nhưng vẫn rất đắt so với mặt bằng chung. Có gian hàng treo biển giảm giá 50% nhưng thực tế, phần lớn chỉ giảm 10-30%. Nếu không để ý kỹ, khách hàng sẽ khó phân biệt giá khuyến mãi đang áp dụng cho loại sản phẩm nào.
Theo chị Thu Ngân (nhân viên văn phòng, quận Đống Đa), mặc dù mùa sale off nhưng giá giảm không nhiều. Chương trình giảm giá Ngày thứ sáu đen vừa qua, chị có tới một số trung tâm nhưng không mua được sản phẩm nào ưng ý. “Giá hàng hiệu tại Việt Nam thường cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore,... nên muốn có hàng hiệu giá tốt mình toàn nhờ người nhà mua ở nước ngoài”, chị cho biết.
Tổng giám đốc một hệ thống bán lẻ thừa nhận, sức mua đang rất yếu, nếu không tính doanh số từ các điểm bán mới mở thì doanh thu gần như không tăng. Bài toán duy nhất để kích cầu tiêu dùng là phải khuyến mãi giảm giá, bất chấp nhiều mặt hàng phải bán với giá vốn.
Chưa kể, chỉ một thời gian ngắn, các TTTM bung ra như nấm sau mưa, tiến một bước khá xa so với năng lực của xã hội khiến thị trường bị "bội thực". Sản phẩm trong các TTTM còn vướng "rào cản" thuế trung gian bằng gần 50% giá trị nên giá sản phẩm bị đội lên quá cao.
Vui chơi tận hưởng là chỉnh
Từ năm 2013 đến nay, tình trạng “chợ chiều” tại các TTTM ngày càng thê thảm. Tại TTTM Parkson trên đường Thái Hà, chỉ lác đác vài khách hàng mặc dù vào thời điểm cuối tuần, trái hẳn với không khí đông đúng ở một siêu thị gần đó. Tương tự, khu mua sắm hàng hiệu của tổ hợp Lotte Center cũng bắt đầu thưa vắng khách mặc dù sự tiếp đón của đội ngũ nhân viên tại đây vẫn giữ được nét lịch thiệp như ngày khai trương.
Khách hàng chủ yếu đi xem hàng |
Hàng Da Galleria, sau một thời gian đóng cửa để tái cơ cấu, nhưng cũng không cải thiện được thực trạng. Một nhân viên bán hàng chợ Hàng Da chia sẻ: “Tình trạng ế ẩm vẫn xảy ra thường xuyên, có ngày chẳng có khách nào đến thăm cửa hàng”. Ban quản lý chợ đang thu hút các chủ cửa hàng bằng cách miễn tiền thuê cửa hàng, chỉ phải đóng tiền dịch vụ. Chính sách thu hút là vậy nhưng hiện nay tại TTTM Hàng Da vẫn còn rất nhiều gian hàng trống.
“Với mức thu nhập của dân Việt ở thời điểm hiện tại, chỉ có một bộ phận nhỏ giới nhà giàu mới dám bước chân vào Lotte hay Tràng Tiền Plaza để vui chơi, tận hưởng và tiêu tiền. Phần còn lại, họ sẽ chọn các trung tâm thương mại khác vừa có đủ tiện ích và giá cả lại phải chăng hơn”, một khách hàng cho hay.
Trong khi đó, một số TTTM khác có lượng khách ra vào thường xuyên tương đối đông do có thêm rạp chiếu phim, siêu thị. Thường xuyên đi tới các TTTM nhưng Nguyễn Thu Trang (SV ĐH KH XHNV Hà Nội) chưa bao giờ mua sắm. Chị cho hay: “Bạn bè mình thường vào các trung tâm mua sắm để chơi hay chụp ảnh, có tiêu dùng may ra chỉ ăn uống linh tinh hoặc đi siêu thị, chứ bảo mua quần áo thời trang thì không dám”.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197 nghìn tỷ đồng; tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tăng 13% so với năm 2013, vượt 1% so kế hoạch của ngành đề ra.
Đánh giá của nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tiêu cực lên các dự án. Nhiều TTTM đang trải qua thời kỳ khó khăn với lượng khách mua sắm ít ỏi. Dưới áp lực về doanh thu và chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, một số khách thuê quyết định trả lại mặt bằng.
D.Anh