- Ông lớn của ngành xăng dầu Việt Nam chỉ lãi 300 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch trước cổ đông. Vận đen đến vì dầu thô lao dốc kỷ lục, nhưng lỗ khủng lại là do cơ chế của Nghị định 83, chính sách mới vừa có hiệu lực 2 tháng.

Lãi chỉ còn 15% kế hoạch trước cổ đông

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết ngành công thương mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết, giá dầu giảm đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp và cơ chế kinh doanh xăng dầu theo thị trường của Nghị định 83, mới có hiệu lực được 1/11/2014.

Năm 2014, Petrolimex chỉ lãi hợp nhất trước thuế khoảng 300 tỷ đồng, giảm tới 85% so với số lãi năm 2013, tương ứng giảm tới 1.721 tỷ đồng.

Đáng ngại hơn cho một công ty đã thực hiện IPO như Petrolimex là kết quả không đạt chỉ tiêu báo cáo trước Đại hội đồng cổ đông.

Tổng giám đốc Petrolimex Trần Văn Thịnh chia sẻ: Đầu năm, chúng tôi đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông mục tiêu đạt lãi hợp nhất trước thuế khoảng 2.000 tỷ, trong đó, hơn 1.000 tỷ là lãi xăng dầu. Nhưng năm nay, số lãi thu về chỉ bằng 15% kế hoạch đặt ra".

"Với diễn biến giá dầu 3 tháng cuối năm, việc thua lỗ đã cuốn tất cả thành quả của 9 tháng đầu năm. Hoạt động kinh doanh xăng dầu cả năm lỗ nặng, chúng tôi phải bù lợi nhuận từ ngành khác vào mới có con số lãi 300 tỷ", ông Bùi Ngọc Bảo cho hay.

{keywords}

Không chỉ Petrolimex, nhiều doanh nghiệp xăng dầu khác cũng khốn đốn với khoản lỗ khủng cuối năm do giá xăng dầu giảm.

Năm 2013, Petrolimex đã lãi xăng dầu tới hơn 1.232 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2014, số lãi này là 406 tỷ đồng. Nhưng với tình hình trên, các chuyên gia trong ngành này ước rằng, lỗ xăng dầu của Petrolimex chỉ trong 3 tháng cuối năm lên tới 1.500-1.700 tỷ đồng. May mắn là lĩnh vực hoá dầu, vận tải của tập đoàn này thường có kết quả kinh doanh khá, bù đắp lại được.

Không chỉ Petrolimex, các doanh nghiệp xăng dầu khác cũng đang khốn đốn với khoản lỗ khủng cuối năm. SaigonPetro dự kiến con số lỗ sẽ "ăn" hết khoản lãi 100 tỷ đồng 9 tháng đầu năm mang lại. Trong khi đó, PVOil, đơn vị có thêm hoạt động xuất nhập khẩu dầu thô đã lỗ từ tháng 8 và ước, cả năm 2014, kết quả sẽ rất xấu.

Vận đen từ cơ chế và dầu thô

Nguyên nhân khách quan của mọi sự thua lỗ trên là giá dầu lao dốc.

Tính đến 30/12/2014, giá dầu thô giao dịch trên thị trường Mỹ đã giảm tới 45% so với thời kỳ tháng 6-7. Mức giá mới nhất được ghi nhận tại phiên giao dịch ngày 29/12/2014, dầu thô ngọt nhẹ đã chỉ còn 53,61 USD/thùng và dầu Brent cũng chỉ ở mức 57,88 USD/thùng. Dầu thô có thể còn giảm sâu hơn nữa bởi OPEC không giảm sản lượng khai thác. Chưa kể, bước sang đầu năm mới, giá dầu còn giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức kỷ lục kể từ hồi tháng 4/2009.

Song, nguyên nhân quan trọng hơn được Petrolimex nhấn mạnh là do cơ chế mới của Nghị định 83.

Tập đoàn này phân tích, Nghị định 83 ra đời và có hiệu lực thi hành đúng vào giai đoạn giá xăng dầu thế giới giảm liên tục, kéo dài. Đây là cơ hội thuận lợi để cơ quan Nhà nước điều hành giá theo đúng một chiều duy nhất là giảm giá. Cả năm qua, đã có 12 lần giảm giá xăng liên tiêp với tổng giảm 7.760 đồng/lít, 13 lần giảm giá dầu diezen với tổng mức giảm là 5.830 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng dầu hiện nay thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Trên thực tế, năm 2015, chưa biết giá xăng còn giảm đến mức nào.

Tuy nhiên, công thức tính giá cơ sở theo Nghị định 83 chỉ lấy theo bình quân 15 ngày cuối liền kề trước ngày công bố giá cơ sở, trong các thương nhân đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày theo quy định. Điều này đã dẫn tới, giá bán giảm theo giá bình quân 15 ngày cuối bao giờ cũng thấp hơn giá vốn, do doanh nghiệp phải xuất bán từ tồn kho 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ với giá cao hơn.

Ông Bảo nói thêm, các doanh nghiệp đầu mối phát sinh lỗ còn bởi tình trạng các đại lý chỉ mua hàng cầm chừng, nhằm hạn chế rủi ro mất vốn trong xu thế giá giảm, giảm áp lực dự trữ, tồn kho. Vì vậy, trách nhiệm dự trữ lưu thông đủ đáp ứng nhu cầu cho khách hàng dồn hết về các đầu mối. Các doanh nghiệp đầu mối phải gánh toàn bộ tích luỹ lỗ từ hàng tồn kho do giảm giá, còn các tổng đại lý, đại lý lại dự trữ lưu thông thấp nên có thể gây bất ổn thị trường bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, trong tuần qua, đã có hàng chục cây xăng đóng cửa, báo hết hạn, không bán đã xảy ra tại các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa...

Ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ: "Nghị định cũ 84 hay Nghị định mới 83 về cơ chế xăng dầu vẫn chưa có những quy định cụ thể về ứng phó với sự thay đổi đột ngột của giá dầu. Ví như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hiện mới chỉ chú trọng ngăn ngừa tác động của chiều tăng của giá dầu mà bỏ ngỏ hoàn toàn những tác động của chiều giảm".

Do đó, Petrolimex kiến nghị liên bộ Công Thương, Tài chính cần sửa đổi quy định về sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu trong Nghị định 83. Quỹ này cần tính đến trường hợp nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành diễn ra trong thời gian dài, giúp doanh nghiệp tránh khỏi nguy cơ kinh doanh không mất vốn.

Trước mắt, tập đoàn này đề nghị liên bộ cho phép các doanh nghiệp đầu mối được thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định và nguồn được bù đắp là từ Quỹ bình ổn giá.

Phạm Huyền