- Các chuyên gia kinh tế đều lo ngại trước kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc muốn mở rộng phạm vi sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) tại Việt Nam. Đây có thể là kiến nghị có nhiều bất lợi cho Việt Nam.

Chỉ là nghiệp vụ ngoại tệ?

Tuần đầu tiên của năm 2015, thị trường tài chính đã xôn xao trước kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc: thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay: "Kiến nghị như thế là hoàn toàn thuần tuý về nghiệp vụ giao dịch thanh toán trong ngân hàng".

Ông Tuấn giải thích: "Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc không kiến nghị giao dịch trực tiếp trong tiêu dùng bằng đồng NDT như tiền Việt Nam, hay là thay thế hoàn toàn bằng đồng USD như nhiều người lo ngại. Thực chất, chúng tôi hiểu là họ chỉ muốn nới rộng quyền của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc so với hiện nay, thay vì phải thông qua đồng USD, Hiệp hội này muốn Ngân hàng trên được phép hoán đổi trực tiếp giữa đồng Nhân dân tệ và đồng Việt Nam, giống như Ngân hàng BIDV đang được phép làm".

{keywords}

"Sau hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp tháng 4/2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được giao nhiệm vụ hàng tháng, tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp để gửi lên Thủ tướng. Trong việc này, VCCI chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp và Thủ tướng chứ không đưa ra quan điểm riêng", ông nói thêm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ: "Kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là thuộc thẩm quyền quyết định của Ngân hàng Nhà nước, dựa trên cơ sở Pháp lệnh ngoại hối và Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý thanh toán ngoại tệ qua biên giới. Không có gì đáng ngạc nhiên vì các doanh nghiệp đều muốn có kiến nghị thuận lợi nhất cho hoạt động của mình".

Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc cũng đưa ra lý lẽ: nhu cầu lớn, cuối năm 2013, ước tính giá trị thanh toán bằng đồng nhân dân tệ qua biên mậu đã vào khoảng 15 tỷ USD. Nếu giao dịch sâu vào nội địa bằng đồng nhân dân tệ thì chỉ là sự thay thế đồng tiền, không ảnh hưởng gì nhập siêu hay xuất siêu.

Bất lợi lâu dài

Dù thừa nhận tính hợp pháp trên, song hầu hết các chuyên gia kinh tế đều không đồng tình đề nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc.

LS Trương Thanh Đức phân tích: "Ở đây có vấn đề nhạy cảm. Đồng USD hiện nay là đồng tiền quốc tế, có tính khách quan. Sự lên giá hay xuống giá của đồng USD phản ánh sức khoẻ của cả nền kinh tế thế giới. Nhưng ngược lại, với NDT hiện việc định giá đồng tiền chưa chuẩn do chưa phải là đồng thanh toán quốc tế, chưa được đưa vào dự trữ. Nếu chúng ta chấp thuận sử dụng quy đổi trực tiếp đồng Nhân dân tệ như vậy thì phải dựa vào đó, cũng sẽ rất phập phù, nhất là tỷ lệ phần trăm quy đổi giữa hai đồng tiền. Khi đó sẽ lệ thuộc".

"Trong việc hợp tác kinh tế, rõ ràng, nếu ngân hàng nào thấy rằng sử dụng thanh toán bằng NDT, có thể kiểm soát rủi ro được thì họ đã có thể làm, nhưng khi cảm thấy chưa có lợi thì họ không làm. Xét về khía cạnh ngân hàng, chúng ta chỉ giới hạn việc này đối với ngân hàng nước ngoài, còn với ngân hàng trong nước thì khác. Chúng ta vẫn cho phép mở L/C bằng bất kỳ đồng tiền nào cũng được, nhưng vấn đề là khách hàng có muốn dùng đồng tiền đó hay không thôi", ông Đức nói.

TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rằng, Trung Quốc đã mở rộng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ với một số quốc gia, những nước này thấy có lợi ích thì họ làm. Nhưng đối với Việt Nam thì khác".

"Chúng ta đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Hàng hoá Trung Quốc tràn vào Việt Nam không kiểm soát được chặt chẽ. Nếu chúng ta công nhận việc thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ lúc này là rất bất lợi. Nền kinh tế của ta mới đang phục hồi, sức cạnh tranh và khả năng quản lý của ta đối với hàng Trung Quốc còn khó khăn", TS Kiêm đánh giá.

Ông cũng lưu ý rằng, trong chính sách đối ngoại, Trung Quốc đã thể hiện rõ tham vọng muốn thể hiện tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế bằng việc mở rộng đồng Nhân dân tệ. Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị chỉ giao dịch như vậy tại một ngân hàng của họ, nhưng khi ngân hàng này làm được thì ngân hàng kia cũng sẽ làm được. Đồng tiền có thể chui vào bất cứ chỗ nào.

"Khi thanh toán đồng nhân dân tệ, họ cung cấp bằng ngân hàng Trung ương của họ, họ cho vay Nhân dân tệ như thế nào... Những việc này sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Đây mới là đề xuất từ phía họ nhưng theo ý tôi, nếu mở ra là ta chưa có lợi, ta sẽ thua thiệt nhiều", TS Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2014, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc tới 28,888 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 14,788 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2013. Ngược lại, Việt Nam nhập hàng hoá từ Trung Quốc tới 43,676 tỷ USD, chiếm hơn 29,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 18,2%.

Phạm Huyền