Cuộc chiến giá dầu khiến một số doanh nghiệp Mỹ nếm mùi trái đắng đầu tiên, trong khi các nước OPEC đang cắn răng chịu đựng những thiệt hại to lớn, còn Nga và không ít các nước nhỏ khác chứng kiến kinh tế suy sụp.

Dầu đá phiến- cú phá sản đầu tiên

Theo Hãng tin Reuters, tuần qua, một công ty khai thác dầu mỏ đá phiến và khí đốt của Mỹ - WBH Energy - đã nộp đơn phá sản và có thể trở thành doanh nghiệp dầu mỏ đầu tiên của Mỹ rơi vào tình trạng này từ khi giá dầu sụt giảm 60% cách đây 6 tháng.

WBH Energy có quy mô khá nhỏ, trụ sở tại Texas, đã buộc phải niêm yết tài sản và món nợ trị giá chục triệu USD trong đơn xin bảo hộ phá sản tại Tòa án Phá sản bang miền Tây Texas vào Chủ Nhật tuần trước. Đây được xem là bước đường cùng đối với một doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dầu khí đá phiến.

Với các công ty lớn, khả năng chịu đựng tốt hơn. Tuy nhiên, WBH Energy phá sản đã dấy lên mối lo ngại về việc các hãng khác, nếu không rời bỏ cuộc chơi cũng phải chịu lỗ nặng do giá dầu sụt giảm trên toàn thế giới.

{keywords}

Để rót vào khai thác dầu khí đá phiến, các công ty của Mỹ đã vay hơn 200 tỷ USD từ nhà băng và trái phiếu trên các thị trường tài chính như Wall Street và London.

Theo Wall Street Journal, nợ của các DN này tăng lên thêm hơn 55% kể từ năm 2010 nhưng doanh thu tăng rất chậm. Một điều chắc chắn là, doanh thu sẽ còn giảm trong năm 2014 và có thể cả 2015, khi giá dầu đã xuống mức thấp 6 năm qua, dưới 50 USD/thùng.

Hàng trăm tỷ USD của các DN Mỹ đang bị chôn chân trong các khoản đầu tư có tương lai khá mờ mịt khi một số nước chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) âm thầm bắt tay nhau và dường như muốn dầu giảm giá càng nhanh càng tốt, “xuống 20 USD/thùng cũng không giảm sản lượng” nhằm kìm hãm ngành khai thác dầu khí đá phiến Mỹ và giữ thị phần trên thị trường thế giới.

Cuộc chiến dầu khí đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Theo hãng tin RT, nhiều DN khai thác dầu khí đá phiến Bắc Mỹ cần phải bán dầu trong khoảng từ 60-100 USD/thùng để hòa vốn. Để tránh phá sản, việc sáp nhập đã được đề cập tới như trường hợp hai ông lớn Baker Hughes và Halliburton. Các kế hoạch đầu tư vào dầu khí đá phiến cũng được điều chỉnh lại theo hướng giảm mạnh.

Tất nhiên, cuộc chiến này kìm hãm sự phát triển về công nghệ khai thác dầu khí đá phiến và sự cạnh tranh trong lĩnh vực dầu khí nói chung. Nhiều nền kinh tế rơi vào tình cảnh lao đao. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều nhiều chính trị gia lo ngại bởi với họ, sự phức tạp của thế giới ngày nay còn có nhiều điều đáng sợ hơn. 

Nhiều quốc gia kiệt quệ

Trong khi đó, tại các quốc gia khác, kể cả một số nước thuộc OPEC, Nga cũng kiệt quệ vì giá dầu giảm.

Theo ước tính của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu giảm xuống mức thấp như hiện nay sẽ khiến 12 nước thành viên OPEC thiệt hại khoảng 257 tỷ USD thu ngân sách trong năm 2015.

{keywords}

Với 4 nước Trung Đông chủ chốt của OPEC (Arab Saudi, Iran, Iraq, Kuwait), dự trữ ngoại hối lên tới gần nghìn tỷ USD có thể giúp họ chống lại cơn bão giá dầu giảm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều quốc gia khác cũng thuộc tổ chức này cũng lao đao như Lybia (vốn lún sâu vào chiến sự), hay Venezuela (chìm trong khủng khoảng kinh tế)...

Hãng tin Bloomberg nhận định, khả năng phá sản của Venezuela đã lên mức cao nhất thế giới, 93%, khi mà trái phiếu nước này xuống mức thấp nhất 16 năm qua. Với tình hình này, Venezuela có thể vỡ nợ trong vòng 5 năm tới. Người dân Venezuela điêu đứng và vẫn chịu cảnh xếp hàng nhận trợ cấp từ nhiều tháng nay.

Nga, trong khi đó, chứng kiến đồng rúp giảm giá không phanh, mất 45% trong năm 2014 do giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực dầu mỏ liên tục lao dốc. Nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái mạnh trong năm 2015 với dòng vốn vẫn liên tục chảy ra khỏi đất nước này.

Có thể thấy, trong cuộc chiến giá dầu lần này, Mỹ đã đứt tay, Saudi Arabia xót ruột nhìn dòng tiền chảy về co lại chỉ bằng phần nửa so với trước.

Song, vấn đề đó dường như chưa ảnh hưởng tới quyết định của Saudi Arabia. Trong suốt một tháng rưỡi qua, đại diện Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab (UAE) và Kuwait đều luôn nhấn mạnh OPEC sẽ không giảm sản lượng. Saudi Arabia thậm chí còn cho biết nếu các nước cắt giảm, Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng khai thác.

Trong tuần đầu năm mới 2015, sản lượng dầu thô của Mỹ thậm chí còn tăng thêm tăng 49.000 thùng/ngày kể từ khi OPEC phát động cuộc chiến trong cuộc họp ở Vienna ngày 27/11 lên tới 9,13 triệu thùng/ngày (cao hơn 1 triệu thùng/ngày so cách đó một năm).

Trong cuộc chiến này, Saudi Arabia dường như đang tới gần được mục đích của mình là kìm hãm sức mạnh dầu khí đá phiến của Mỹ để giữ thị phần, đồng thời giữ được vai trò lãnh đạo tại Trung Đông trong cuộc đối đầu với Iran, Syria.

Với Mỹ, giá dầu giảm như một món quà đầy ý nghĩa đối với chính quyền Tổng thống Obama. Các đối thủ của Mỹ từ Iran, Syria, tới Nga và Venezuela đều “quay cuồng” trong “bão” giá dầu.

Có thể thấy, mặc dù khá mâu thuẫn với Saudi Arabia về dầu khí đá phiến và thị phần dầu thô trên thế giới... nhưng Mỹ có vẻ như đang chấp nhận những mất mát nhất định - là sự tụt lùi của một ngành công nghiệp đầy triển vọng - để đổi lấy lợi thế trên các bàn đàm phán.

Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng tiềm ẩn các nguy cơ khác như sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc - đối thủ chính của Mỹ trong tương lai; sự rạn nứt trong nội bộ OPEC; sự chia rẽ trong khối EU về vấn đề Nga sau những đối đầu Đông - Tây... Những cái bắt tay của Venezuale với Trung Quốc, những tiếng kêu gọi của các thành viên OPEC giảm sản lượng và những lời kêu than mệt mỏi, thiệt thòi của một vài ông lớn EU trong cuộc đối đầu Nga - Mỹ... cho thấy, cuộc chiến dầu khí đã lên tới hồi gay cấn.

Văn Minh