- Gần đây, liên tiếp những vụ tàu du lịch bị chìm, bị cháy gây bất an cho du khách và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu du lịch của Việt Nam.
Tàu du lịch liên tiếp gặp nạn
Mới đây, vào khoảng 20h ngày 3/2, tàu du lịch QN - 2566 của Công ty TNHH Hạ Long Biển Ngọc bất ngờ bốc cháy khi đang neo đậu tại khu vực Nhà Lát (Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh). Khi xảy ra cháy, toàn bộ 16 người khách nước ngoài (đa quốc tịch), 1 hướng dẫn viên, 1 nhân viên phục vụ, thuỷ thủ đoàn 7 người trên tàu cùng hành lý đã được sơ tán. Tuy nhiên, uớc tính, thiệt hại về tài sản của vụ tai nạn tàu du lịch này là khoảng 2 tỷ đồng.
Vào năm 2014, có rất nhiều vụ tàu du lịch bị cháy, bị chìm.
Sáng 29/8/2014, chiếc tàu du lịch Phong Hải, mang số QN- 3012 đã bị sóng dữ đánh chìm trên vịnh Hạ Long. Rất may, vào thời điểm tàu QN-3012 bị sóng đánh chìm không có hành khách nào trên tàu.
Trước đó, vào chiều ngày 28/8/2014, tàu du lịch Tùng Trang mang số hiệu QN 2477 đã bị chìm trên Vịnh Hạ Long do gặp giông lốc bất ngờ. Rất may, toàn bộ số người trên tàu gồm 12 khách nước ngoài, 1 hướng dẫn viên và 7 thuyền viên đã được Ban quản lý Vịnh Hạ Long và các tàu du lịch khác cứu vớt.
Cũng trong chiều ngày 28/8/2014, tàu Bình Minh mang số hiệu QN 2287 đang neo đậu tại bến cảng tàu du lịch Bãi Cháy bị sóng lớn đánh chìm (trên tàu có 4 thuyền viên). Rất ma,y không có thiệt hại về người.
Tàu QN 2566 bốc cháy trên vịnh Hạ Long |
Trong hai ngày 28 và 29/8/2014, sóng to, gió lớn cũng đã làm 3 tàu du lịch QN 7777, QN 3266, QN 8188 chở 78 người gặp khó khăn khi đưa khách lên bờ tại khu vực gần cầu cảng. Do đó, lực lượng chức năng đã phải sử dụng tàu có trọng tải lớn chuyển tải tất cả khách lên bờ an toàn.
Khoảng 0h10' ngày 20/7/2014, tàu du lịch Thảo Vân 2 mang số hiệu ĐNa 0484 của bà Lê Thị Kim Nhương (trú đường Trần Phú, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bị chìm trên sông Hàn, đoạn phía bắc cầu sông Hàn.
Sáng 10/4/2014, tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long mang số hiệu QN3736 (có 18 giường theo đăng ký) của Công ty TNHH Cửu Long đã bất ngờ bị cháy tại khu vực gần hòn Trống Mái (Vịnh Hạ Long). Vào thời điểm cháy tàu du lịch, trên tàu QN3736 có 17 khách du lịch, trong đó có 15 người nước ngoài. Rất may mắn, tất cả đều thoát nạn dù phải chịu một phen hú vía.
Tàu du lịch mang số hiệu QN 4894 bị cháy. |
Trước đó, vào khoảng 10h30' ngày 18/2/2014, trong khi đang lưu thông trên vùng biển cách đảo Ti-tốp, vịnh Hạ Long khoảng 1 km về phía đông nam, tàu du lịch Bái Tử Long (loại tàu lưu trú - ngủ đêm) mang số hiệu QN-4894 của Công ty TNHH Hưng Nguyên bất ngờ bốc cháy khi đang tiến hành chạy thử. Rất may, tại thời điểm tàu cháy không có hành khách nào. Trên tàu lúc đó chỉ có 8 người, gồm 6 nhân viên nhà tàu và 2 thợ ảnh. Khi xảy ra vụ cháy có một tàu du lịch gần đó ứng cứu nên tất cả mọi người thoát nạn.
Năm 2011, vụ chìm tàu du lịch ở Hạ Long khiến 12 người, trong đó có 10 người nước ngoài, chết khiến mọi người bàng hoàng. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 3h sáng 17/2/2011, khi chiếc tàu du lịch chở 21 du khách quốc tế đang hoạt động ở khu vực đảo Ti Tốp (vịnh Hạ Long). Lực lượng chức năng cứu sống được 9 người, số còn lại đã tử nạn.
Tàu chìm, chỉ trơ lại cột buồm nổi trên mặt nước. |
Gây ảnh hưởng xấu thương hiệu du lịch
Những vụ cháy, chìm tàu du lịch trong thời gian gần đây đã gây bất an cho du khách và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu du lịch của Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn cho tàu du lịch, trong đó nhiều nhất là do chập điện, nổ bình gas, do tố lốc...
Cơ quan Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh đã xác định được nguyên nhân cháy tàu du lịch QN-2566 của Công ty TNHH Hạ Long Biển Ngọc do chập điện. Chiếc tàu du lịch chở đoàn khách trên được đóng hoàn toàn bằng gỗ. Tàu mới được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động thì xảy ra sự cố.
Nguyên nhân tai nạn của tàu Bái Tử Long được xác định là do nhân viên tàu Bái Tử Long đun nước để pha trà thì bình gas bị xì gây cháy.
Chiếc tàu bị nạn vào sáng 17/2/2011 khiến 12 người thiệt mạng là của Công ty TNHH Trường Hải có nguyên nhân là do vỏ đáy tàu bị bung khiến nước tràn vào.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, hầu hết nguyên nhân gây cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long là do chập điện, số ít là do nổ bình gas.
Khu vực tàu QN 2477 bị chìm trên vịnh Hạ Long |
Có một thực tế là, đội tàu du lịch nghỉ đêm vỏ gỗ trên Vịnh Hạ Long được hình thành, phát triển mang tính tự phát. Việc thiết kế cũng như lựa chọn các trang thiết bị, đặc biệt là về hệ thống điện, máy móc đều do các chủ tàu tự lựa chọn theo hướng tiết kiệm tiền đầu tư.
Theo một chủ tàu du lịch có tiếng ở vịnh Hạ Long, đường dây điện ở các tàu vỏ gỗ cũ chủ yếu là các dây điện dân dụng, không phải là dây điện chuyên dụng cho việc lắp đặt trên tàu du lịch.
Cũng do tự phát nên tàu du lịch vỏ gỗ thiếu đi các thiết bị cảnh báo an toàn, hệ thống báo cháy tự động... Nhiều chủ tàu mặc dù mới đây có hoán cải, nâng cấp tàu vỏ gỗ của mình lên, nhưng lại xem nhẹ việc thay thế đường dây điện chuyên dụng nên độ rủi ro về chập cháy điện vẫn cao.
Do đó, theo nhiều chủ tàu, nếu cứ để tình trạng trên mà không có sự quản lý chặt chẽ hơn thì nhữngg tai nạn đáng tiếc với tàu du lịch như cháy nổ, chìm tàu... vẫn có nguy cơ xảy ra. Điều này sẽ gây hoang mang, lo sợ với khách du lịch và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu du lịch của Việt Nam.
Hạnh Nguyên (tổng hợp)