Alumin Tân Rai đang được giá, giúp TKV thu về tới 160 triệu USD. Alumin Nhân Cơ sẽ sớm hoàn thành trong năm 2015.

Chiều 9/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm dự án Alumin Nhân Cơ, Đăk Nông thuộc Tổ hợp bôxit Tây Nguyên. Thủ tướng bày tỏ niềm tin vào triển vọng phát triển một ngành công nghiệp nhôm bền vững và an toàn ở Tây Nguyên.

Thu 160 triệu USD từ boxit

Sau hơn 1 năm vận hành thương mại, sản phẩm alumina sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho. Sản lượng alumina xuất khẩu trong năm 2014 đã đạt 490 ngàn tấn, đem lại nguồn thu ngoại tệ xấp xỉ 160 triệu USD.

Trước thông tin này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: "Rõ ràng ở Tân Rai, hiệu quả kinh tế đã thấy rất tốt. Thủ tướng đánh giá, việc xuất khẩu alumin trên thực tế dự án đã diễn ra đúng như các phương án trong dự toán. Giá alumin xuất khẩu còn cao hơn mức dự báo trước đây.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Alumin Nhân Cơ

Theo báo cáo của TKV, giá bình quân xuất khẩu alumin cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của dự án trước đây là là 325 USD/tấn. Còn hiện nay, giá đã tăng lên mức 350-360 USD/tấn so với mức 300-310 tấn/USD hồi đầu năm.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: "Dự án Tân Rai cho thấy, vấn đề hồ bùn đỏ là an toàn”.

Thủ tướng nói: "Chúng ta đã áp dụng công nghệ để sản xuất từ bùn đỏ ra sắt. Chúng ta đã làm được ở phòng thí nghiệm tốt rồi, nhưng còn một giai đoạn nữa để đưa ra sản xuất đại trà, sẽ giao cho doanh nghiệp làm".

Dự án sinh sau là tổ hợp alumin Nhân Cơ- Đắc Nông có nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ đã đạt tới 80%.

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV cho biết, dự kiến quý IV năm nay, nhà máy này mới hoàn thành. Ở dự náy này, TKV đã học hỏi được công nghệ ở dự án Tân Rai, do đó, đã "nội địa hoá" hầu hết việc thực hiện gói thầu nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Theo Chủ tịch Tỉnh Đắk Nông, ông Lê Diễn cho biết, vấn đề còn lại ở dự án này giờ chỉ còn là ở việc thực hiện khu công nghiệp Nhân Cơ và thiếu vốn.

Dự án này được Thủ tướng chấp thuận thực hiện vốn ngân sách hơn 1.793 tỷ đồng nhưng hiện, mới được cấp một nửa. Cùng đó là việc phải đồng bộ tiến độ giữa nhà máy Nhân Cơ với nhà máy chế biến alumin của công ty Trần Hồng Quân - nhà đầu tư tư nhân duy nhất có mặt ở tổ hợp này.

Công nghiệp nhôm hàng đầu thế giới ở Tây Nguyên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, Tây Nguyên có trữ lượng quặng bauxite ước khoảng 11 tỷ tấn, thuộc hàng lớn nhất trên thế giới. Mục tiêu chung của Chính phủ là phải phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá Tây Nguyên.

Ông nói: "Từ quặng bauxit, chúng ta làm ra alumin. Hiện nay là để xuất khẩu nhưng mục tiêu lớn nhất là để phục vụ cho chế biến nhôm, đáp ứng nhu cầu trong nước".

"Chúng ta kỳ vọng sẽ phát triển Tây Nguyên thành vùng công nghiệp nhôm trọng điểm, lớn trên toàn thế giới. Với trữ lượng hiện nay, ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam có thể phát triển 50-70 năm", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chủ trương của Chính phủ là khai thác bền vững và hiệu quả, trước hết là hiệu quả về kinh tế, sau nữa là phải đảm bảo về an toàn môi trường, có hiệu quả về văn hoá, xã hội".

{keywords}

Trở lại về hai dự án trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã xác định làm nhà máy Alumin Tân Rai, Lâm Đồng trước để thí điểm để rút kinh nghiệm. Sau này, khi phát hiện trữ lượng lớn quặng bauxite ở Nhân Cơ, trùng với thời điểm tách 2 tỉnh nên Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị để triển khai thêm dự án Nhân Cơ.

Thủ tướng cho biết thêm, hiện đã có hàng chục doanh nghiệp đã đăng ký sẽ đầu tư sản xuất chế biến sử dụng nguyên liệu nhôm Tây Nguyên. Ví dụ, có doanh nghiệp đã dự kiến sẽ mua nhôm lỏng ở đây, để sản xuất vành ô tô, xuất khẩu đi toàn thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh, "Các tín hiệu tích cực trên cho thấy triển vọng khai thác bauxite, sản xuất alumin và nhôm rất khả thi. Nhưng dù vậy, chúng ta cũng không vì thế mà chủ quan”.

Vì thế, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các đơn vị tiếp tục triển khai dự án với: ”chất lượng, tiến độ nhanh hơn và đảm bảo an toàn”.

Phạm Huyền