Ngày nay, khách hàng chỉ cần có thẻ tín dụng, biết chút ít về Internet là có thể trực tiếp mua vé máy bay qua mạng một cách dễ dàng mà không cần đến cầu nối là các đại lý. Công nghệ càng phát triển, các hãng hàng không giá rẻ tham gia thị trường càng nhiều thì việc làm ăn của đại lý càng khó.

Khách giảm, hoa hồng cũng giảm

Giám đốc một công ty là tổng đại lý, đại lý cấp một của mấy hãng hàng không trong nước và quốc tế, cho biết hiện nay, lợi nhuận trên đầu vé bán ra giảm khoảng một nửa. Ông kể chuyện ở thời điểm hơn 10 năm trước, khi thị trường hàng không trong nước vẫn là sân chơi của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (sự tham gia của hàng không quốc tế chưa nhiều; hàng không giá rẻ chỉ mới mon men gia nhập thị trường), sau một thời gian bán vé máy bay, có doanh thu đáng kể và bằng một số mối quan hệ, công ty nộp hồ sơ, ký quỹ khoảng 200 triệu đồng để tham gia đấu thầu và sau đó được chọn là đại lý cấp một của Vietnam Airlines. “Làm đại lý cấp một là sống khỏe, vì lúc đó ai cũng cần mua vé của mình rồi phân phối lại. Mức hoa hồng lúc đó cũng rất tốt”, ông nói.

Lúc đó, mức hoa hồng dành cho đại lý cấp một là từ 5-10% trên mỗi vé, tức càng bán vé đường dài, đại lý càng có nhiều tiền. Còn hiện nay, phần lớn các hãng hàng không không còn chi hoa hồng mà cho phép đại lý cộng phí dịch vụ vào giá vé. Với hàng không trong nước, mức phí này thường là 50.000-100.000 đồng/vé đi trong nước, khoảng 150.000 đồng/vé đi một số nước lân cận, tính quá cao sẽ bị phạt.

Hãng nước ngoài hiện cũng chỉ ưu đãi cho đại lý 3-5% trên giá vé thay vì có thể lên đến 8% như trước đây, hiếm hoi lắm mới có đại lý nhận được mức 8% - là chế độ thưởng dành cho những nơi có doanh số rất lớn.

Thực tế, không phải khi nào đại lý cấp một cũng lấy được trọn vẹn phí này mà còn phải chia lại, có khi là 50% hoặc hơn cho đại lý bên dưới.

Lợi nhuận tính trên vé bán giảm là nguyên nhân đầu tiên mà doanh nghiệp kể khó. Nguyên nhân tiếp theo là tác động từ thói quen tiêu dùng. Ngày nay, thay vì mua vé qua đại lý, nhiều người thích mua trực tuyến. Việc bán vé hiện nay không chỉ là sự cạnh tranh giữa các đại lý với nhau mà còn cạnh tranh trực tiếp với các hãng hàng không, đặc biệt là hàng không giá rẻ, đang cố gắng thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến với nhiều chương trình khuyến mãi.

{keywords}

Khách hàng chỉ cần có thẻ tín dụng, biết chút ít về Internet là có thể trực tiếp mua vé máy bay qua mạng một cách dễ dàng mà không cần đến cầu nối là các đại lý như trước đây.

Ông Lê Phạm Huy Trường, Phó giám đốc phòng Dịch vụ hàng không của Fiditour, cho biết khách hàng đặt vé máy bay qua mạng có độ tuổi tương đối trẻ, 20 đến trên 30 tuổi, họ am hiểu các công cụ mua bán trực tuyến, có thẻ ngân hàng để chi trả nhanh nên không cần đến đại lý mua để phải trả thêm phí. “Thực trạng này khiến các đại lý bị giảm khách, đặc biệt, khách lẻ giảm mạnh”, ông nói.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Yến, Giám đốc văn phòng miền Nam của Vietnam Airlines, hiện số đại lý chính thức của hãng đã giảm một ít. Hãng đang đẩy mạnh bán vé trực tuyến, doanh số tuy vẫn thấp hơn nhiều so với bán qua đại lý nhưng tốc độ tăng trưởng rất tốt.

Đầu năm nay, MasterCard công bố khảo sát thường niên về mua sắm, cho thấy mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tỷ lệ người Việt mua sắm trực tuyến có mức tăng cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với kênh mua sắm này, người Việt chi tiền nhiều nhất để mua dịch vụ hàng không, các sản phẩm điện tử gia dụng và du lịch.

Năm ngoái, Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink cũng có báo cáo cho biết trong năm 2013, doanh số mua vé máy bay được thanh toán phi tiền mặt (phần lớn bằng thẻ ngân hàng) tuy chỉ chiếm 15% trong tổng số tiền được trả để mua vé máy bay tại thị trường hàng không Việt Nam, nhưng đã tăng trưởng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Gần 90% ngân hàng cho phép chủ thẻ của mình mua vé máy bay qua mạng. Smartlink là đơn vị đang quản lý cổng thanh toán thực hiện 70% doanh số thanh toán phi tiền mặt của hành khách mua vé máy bay của các hãng hàng không tại Việt Nam.

Đại lý “nương theo gió”

Nhiều doanh nhân cho rằng điều kiện kinh doanh mới tác động nhiều nhất đến hệ thống đại lý cấp hai, là nơi phải đầu tư một khoản tiền kha khá để thuê mặt bằng, nhân viên, ký quỹ chừng vài chục triệu đồng làm tin với đại lý cấp một. Những đại lý này không được quyền xuất vé mà phải lấy vé từ đại lý cấp một để được chia lại hoa hồng, và lượng khách chính của họ là khách lẻ hiện có xu hướng thích tự mua vé. Một số đại lý lớn và hãng hàng không cho biết hệ thống đại lý cấp hai biến động liên tục, mở ra nhiều nhưng biến mất cũng nhiều.

Một doanh nghiệp nói rằng trước đây chỉ cần làm đại lý nhỏ cho một hãng, có vài mối quen cùng một ít khách lẻ cũng đã kiếm được hơn chục triệu đồng để sống. Nay kiếm vài triệu đồng cũng khó. Để kéo khách, nhất là khách từ các khu công nghiệp, một số đại lý chỉ nhận đặt cọc rồi tự ứng tiền trả trước tiền vé, chờ đến ngày công nhân lãnh lương, thưởng mới nhận đủ số còn lại dù biết cách này có thể gặp rủi ro khi khách đổi ý bỏ vé. “Tôi thu gọn bộ máy. Thời này mà thuê cho đủ nhân viên, thuê mặt bằng tốt là không sống nổi. Mỗi nhân viên phải làm nhiều việc. Vé hãng nào, loại nào chúng tôi cũng bán, cũng giao tận nơi, điện thoại chờ đặt vé không bao giờ tắt”, ông nói.

Những đại lý lớn cũng phải xoay xở nhiều bề mới trụ được. Họ cũng có một số thủ thuật để kiếm lời thêm, như mua vé ghế loại thấp nhưng bán với giá của ghế tốt hơn, vì ngoài hạng thương gia, khách hàng khó có thể phân biệt được nhiều loại ghế trên máy bay. Tuy nhiên, cách chung vẫn là nâng cấp dịch vụ, chăm chút hơn đến trang web bán hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn, chấp nhận giao từng chiếc vé dù tiền lời chỉ vài chục ngàn đồng để tăng doanh số, tham gia “săn” vé giá rẻ để tìm nguồn vé tốt cho khách... Trong đó, quan trọng hơn hết là tìm nguồn khách bù lại lượng khách lẻ đã mất. “Chúng tôi đẩy mạnh khách công ty, khách ký hợp đồng cả năm, nhưng phải có quan hệ tốt thì mới duy trì được mảng khách này”, ông Trường của Fiditour nói.

Cũng theo ông Trường, các đại lý vẫn còn một ít lợi thế. Chẳng hạn khi muốn mua vé khuyến mãi, vé giá rẻ, khách phải có dự kiến ngày khởi hành rất xa, nếu tự mua trực tuyến thì phải online liên tục và khi đã đặt vé thì phải trả tiền ngay vì vé không thể chờ lâu. Đại lý thì có thể giữ vé được lâu hơn, có khi là một ngày với việc mua trực tuyến và từ 2-4 ngày với mua thường nên vẫn đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng.

Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Lạc Hồng Voyages, cho biết lợi nhuận từ bán vé hiện giảm khoảng 50-60% so với trước nhưng việc trở thành đại lý lớn cho nhiều hãng hàng không đã giúp công ty rất nhiều trong việc tìm vé tốt cho các đoàn du lịch. “Mỗi khi có chương trình lớn hay vào mùa cao điểm, đại lý sẽ có tiếng nói tốt hơn với các hãng hàng không và tạo ra giá tour tốt để cạnh tranh. Khi việc bán vé ít thuận lợi hơn thì chúng tôi lấy mảng tour bù lại”, ông nói.

Ông Lộc cho rằng trong nhiều năm nữa, khách hàng vẫn cần đến các dịch vụ của đại lý vé máy bay. Tuy nhiên, cũng như xu hướng mua bán trực tuyến, chắc rằng thị trường sẽ có những xu hướng tiêu dùng mới và doanh nghiệp phải thích ứng nhanh mới có thể “nương theo gió” mà phát triển. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chuyển mình và mới đây cũng đã có doanh nghiệp lập hẳn trang web chuyên “săn” vé giá rẻ cho khách. Tất cả nhằm đón đầu nhu cầu mới của khách hàng.

(Theo TBKTSG)