- Trong giấc mơ của mình, tôi luôn ước mong được đến thăm châu Âu cổ kính, khám phá xứ sở cờ hoa hay chí ít cũng một lần đứng giữa vùng đất thiêng Tây Tạng. Tôi chưa từng mơ về Sri Lanka bởi thế mà tôi chẳng biết tí thông tin gì về đất nước này ngoại trừ thương hiệu trà Dilmah nổi tiếng thế giới. Vậy mà chuyến công tác Sri Lanka vào cuối năm ngoái, tôi đã bị Sri Lanka chinh phục hoàn toàn.

Thưởng trà và sống chậm

Cao nguyên Kandy không chỉ được biết đến là cố đô cuối cùng của Sri Lanka với nhiều di sản văn hóa Phật giáo mà còn bởi khí hậu trong lành, mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đường lên Kandy uốn lượn qua các đồi trà xanh mướt một màu và trài dài thấp thoáng.

Kandy nổi tiếng là nơi sản xuất ra thương hiệu trà Dilmah lừng danh thế giới. Ở Sri Lanka, người ta không chỉ uống trà để giải khát hay theo thói quen mà đã trở thành văn hóa. Bạn đi bất cứ đâu, nhà dân hay hàng quán cũng đều được mời một ly trà thơm phức.

Không quen uống nhiều trà nhưng tôi khoái mỗi buổi sáng se lạnh, nhấp chén trà sữa thơm lừng rồi khoác chiếc ba lô nhẹ tênh lang thang khắp thành phố. Trà sữa Sri Lanka ngọt vừa phải với hương trà tươi nguyên không cưỡng nổi. Đến tận bây giờ, thức uống đặc trưng của người Sri Lanka cũng vẫn là những ly trà sữa ngon nhất tôi đã từng dùng.

{keywords}

Những phụ nữ hái trà thuê

Nhịp sống ở Sri Lanka khá chậm từ việc lái xe, sinh hoạt thường ngày và ngay cả cách buôn bán họ cũng không vồn vã. Nhưng cái chậm của người Sri Lanka không phải chậm về thao tác hay hoạt động mà bởi tính cách ung dung, tự tại không hối hả chạy theo nhịp đời.

Những ngày ở đó, người Sri Lanka đã cho tôi cảm giác an toàn và bình yên bằng chính sự chậm rãi và thật thà của họ. Tôi nhớ những ngày ở thị trấn Kathaluwa, thuộc huyện Galle, nơi nổi tiếng với truyền thống câu cá bằng cà kheo của những người ngư dân. Phải mất hai ngày ngồi im thin thít quan sát hàng giờ liền và lân la làm quen thì Athas mới chỉ tôi cách câu cá trên những chiếc cà kheo lắc lẻo.

{keywords}

Câu cá ở Kathaluwa

Công việc không thật sự quá khó nhưng đòi hỏi tính kiên nhẫn cao bởi có khi phải mất vài giờ liền mới thu được chiến lợi phẩm. Athas bảo đây là truyền thống lâu đời của làng và không còn ai nhớ được có từ khi nào, chỉ biết rằng người dân Kathaluwa thật sự cơ cực với cuộc sống bấp bênh.

Đất nước của những di sản

Nằm ở Nam Á, Sri Lanka mang trong mình nét huyền bí của phương Đông cùng nền văn hóa đặc sắc không lẫn vào đâu được. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết Sri Lanka sở hữu đến 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận dù chỉ là một quốc đảo nhỏ bé nằm bên bờ Ấn Độ Dương.

Khi biết tôi chuẩn bị đến Sri Lanka, anh bạn bảo nếu không thể đi hết được các di sản ở đây thì nhất định phải dành thời gian cho Đền thờ động Dambulla bởi đây không chỉ là nơi thờ tự mà còn là nơi ghi dấu quá trình phát triển lịch sử của Sri Lanka.Dambulla là ngôi đền nằm trong hang động lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất Sri Lanka.

{keywords}

 Bên ngoài Dambulla


{keywords}

Bên trong Dambulla

Tôi gần như bị choáng ngợp hoàn toàn khi anh chàng hướng dẫn viên bảo Dambulla được các nhà sư Phật giáo phát hiện và khai phá vào thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên. Đứng trước Dambulla, tôi có cảm giác mình chạm được vào quá khứ huy hoàng của cả một dân tộc bởi trải qua ngần ấy thời gian mà mọi thứ được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Điểm hấp dẫn chính được trải ra trong 5 hang động, có chứa các bức tượng và tranh ảnh liên quan đến Đức Phật và cuộc sống của Ngài trong đó nổi bật nhất là những bức tượng Phật mạ vàng cao đến hơn 15m với đủ các tư thế và các bức họa phủ kín vách đá trong một khu hang động rộng đến 1.951 mét vuông. Toàn thể khu vực này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Nơi để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất Sri Lanka là khu pháo đài cổ Sigiriya với ngọn núi đá Sư Tử bởi đây là bằng chứng duy nhất của nền văn minh Tích Lan. Giữa một khu vực bằng phẳng rộng lớn Sigiriya hiện lên như một công trình kiến trúc hùng vĩ mà vua Ca Diếp đã cho xây dựng ròng rã trong 8 năm trị vì.

{keywords}

Núi đá Sư tử ở pháo đài Sigiriya

Sigiriya bao gồm các pháo đài vững chắc, cung điện hoàng gia cùng những công trình rải rác khắp nơi như hồ nước và một chuỗi các đường hầm, cầu thang bộ bằng đá granite, thạch cao và cả khu vườn thượng uyển. Trên tầng cao nhất của Sigiriya có một hồ nước được đục từ đá tảng trông giống như một bể bơi trên nóc tòa nhà hiện đại khiến tôi kinh ngạc vô cùng.

Dẫu rằng ngày nay Sigiriya không còn là một công trình kiến trúc nguyên vẹn với vẻ nguy nga và lộng lẫy ban đầu nhưng những vết tích quý giá còn lại cũng đủ để ta thấy sức mạnh và khả năng sáng tạo phi thường của người Sri Lanka xưa. Đặc biệt, nhìn từ xa, Sigiriya giống hệt như một con sư tử khổng lồ đang quỳ phục, trên lưng là cả cung điện của vương triều.

Quốc Duy