- Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, thể hiện một cách chơi sòng phẳng với thị trường khi quyết định tăng tỷ giá thêm 1%. Room điều hành 2% cho cả năm đã hết, nếu tỷ giá tiếp tục chịu áp lực tăng, liệu Thống đốc có giữ được cam kết?

NHNN tăng, thị trường giảm

Một nghịch lý, khi tỷ giá chưa điều chỉnh, USD tăng kịch trần và căng thẳng muốn phá trần. Nhưng khi nới thêm 1%, tỷ giá trên thị trường lập tức giảm. Điều đó cho thấy bản chất của cơn sốt tỷ giá và ‘cách chơi’ ở ‘cửa trên’ của NHNN trong trong tỷ giá.

Theo ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank, vào đầu giờ sáng 7/5, sau khi có quyết định điều chỉnh của NHNN, tỷ giá khoảng 21.700- 21.715 VND/USD. Vào cuối giờ trưa đã giảm xuống còn 21.670 VND/USD (mua vào); đến đầu giờ chiều chỉ ở mức 21.670 – 21.680 VND/USD. Tỷ giá đã sớm quay trở lại trạng thái giao dịch bình thường như trước thời điểm điều chỉnh.

“Việc điều chỉnh tỉ giá giúp cho tính thanh khoản tốt hơn và khơi thông tâm lý, giải tỏa kỳ vọng của thị trường”.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngay khi NHNN công bố điều chỉnh, thị trường đã có diễn biến tích cực về mặt thanh khoản. Tỷ giá đầu giờ sáng có tăng nhẹ nhưng đến đầu giờ chiều đã giảm xuống 21.670 – 21.680 VND/USD, ngang với mức tỉ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố.

“Tâm lý thị trường được giải tỏa và cung ngoại tệ đã tăng rõ rệt, thanh khoản của cả thị trường liên ngân hàng và thị trường giao dịch của các ngân hàng với khách hàng đều tăng. Hiện tại, trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường mua bán với khách hàng, chúng tôi đều mua ròng”, ông Hà nói.

{keywords}

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, thể hiện một cách chơi sòng phẳng với thị trường khi quyết định tăng tỷ giá thêm 1%.

Ông Hà Phân tích, diễn biến tăng tỷ giá vừa rồi chủ yếu do yếu tố tâm lý. Một khi tâm lý được giải tỏa thì người mua và người bán sẽ sẵn sàng trong việc mua bán, cung cầu và thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn rất nhiều. Với mức điều chỉnh này, tính thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn, cả tỷ giá và thị trường ngoại tệ sẽ ổn định trong thời gian dài.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổng giá trị giao dịch từ sáng đến 2h chiều 7/5 vào khoảng 700 triệu USD. Đây là mức giao dịch rất bình thường của thị trường trong thời gian vừa qua.

Hết room rồi, tăng nữa không?

Đánh giá về động thái của NHNN, ông Thọ cho rằng, với mức tỉ giá như hiện nay và cách thức điều hành tỉ giá nói riêng và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cho thấy sự minh bạch và công khai hóa chính sách ngày càng tốt hơn.

{keywords}

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, động thái nới tỷ giá 1% thể hiện tính chủ động của NHNN. Khi đáp ứng phần nào tâm lý kỳ vọng của thị trường. Nó cũng khá phù hợp về mặt thời điểm khi quan hệ cung – cầu ổn định. Trong khi đó, 4 tháng vừa qua, lạm phát khá thấp, nên áp lực lên vấn đề lạm phát không quá lớn. Quyết định điều điều chỉnh bây giờ tạo cho doanh nghiệp thế chủ động lập kế hoạch kinh doanh từ nay đến cuối năm, đặc biệt là 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo ông Lực, sau quyết định này, NHNN sẽ gặp một số thách thức. Room đã điều chỉnh 2% theo định hướng ban đầu, từ nay đến cuối năm nếu thị trường có biến động mạnh sẽ cần phải xem xét khả năng có điều chỉnh khác hay không?. Trong khi đó, điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm khó khăn hơn nhiều. Yếu tố bên ngoài diễn biến không thuận lợi về giá dầu và tỷ giá USD.

“Room điều chỉnh đã hết, tuy nhiên, chúng ta có chính sách điều chỉnh linh hoạt, dẫn dắt thị trường, nếu như thị trường có biến động bất lợi đòi hỏi những điều chỉnh khác cần phải có tính toán và đưa ra thông điệp cụ thể với thị trường’, ông Lực nói.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, 2015, cam kết 2% là mong muốn để nỗ lực cao nhất. Tuy nhiên, ông Ánh lưu ý, diễn biến đã có rất nhiều đổi khác trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế. Bản chất của tỷ giá hối đoái là linh hoạt và phù hợp với thị trường, bởi vậy, cam kết 2% của NHNN không hẳn cứng nhắc, Trong đó có chính sách về tỷ giá hối đoái, không nhất thiết phải khăng khăng bám giữ vào đó cũng như các yếu tố về điều kiện thị trường mà có thể chủ động thay đổi.

Hiện nay, đã hết room 2% nhưng điều đó không có nghĩa từ nay đến cuối năm, tỷ giá chỉ thay đổi theo chiều hướng tăng mà có thể có cả hướng điều chỉnh giảm. Hơn nữa, việc đưa ra cam kết đó nhằm ổn định thị trường và các năm trước đã thực hiện được, kể cả năm nay điều chỉnh hơn nữa thì trước hết là đáp ứng những diễn biến không lường trước được của thị trường trong và ngoài nước.Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào cơ quan quản lý đánh giá áp lực tỉ giá hối đoái và tìm ra được những nguyên nhân cơ bản về thực tế kinh tế tài chính trong và ngoài nước hay tâm lý kỳ vọng mới quyết định điều chỉnh hay không điều chỉnh và điều chỉnh bao nhiêu.

Diễn biến tỷ giá hối đoái cũng như quan điểm điều hành của chúng ta có một thay đổi cơ bản bắt đầu từ năm 2012. Sau khi phá giá rất mạnh vào đầu 2011 thì suốt năm 2012, chúng ta không điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Đến năm 2013-2014, mỗi năm chỉ điều chỉnh tỷ giá 1 lần vào giữa năm và có đưa ra 1 cam kết tỷ giá không tăng quá 2-3% trong mỗi năm. Trong thực tế, chúng ta cũng đã không điều chỉnh tỷ giá hối đoái hết mức cam kết đó.

Cam kết trong 2012-2014 đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô trong đó có việc ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, góp phần kiềm chế lạm phát. Trong thời gian đó, thặng dư cán cân thương mại theo đó, cán cân thanh toán được cải thiện và do đó dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục.

Lê Hà