- Nhiều người dân Hà Nội đang phải khốn khổ sống trong cảnh mất điện thường xuyên vào nửa đêm, trong cái nóng kỷ lục kéo dài trong 44 năm qua.

Có tiền ra nhà nghỉ, hết tiền thức đêm

Suốt 2 tuần nay, những người dân sống ở khu Phú Diễn, Hà Nội đang sống dở chết dở với điện đóm phập phù.

Chị Hân Lê, nhà số 75/46, Phú Diễn bức xúc nói: "Khu này không hiểu sao rất hay mất điện, gió bão mất, nắng nóng quá cũng mất. Tuần rồi, có đêm mất một lần, có đêm mất tới 4 lần. Trong nhà ai cũng mệt mỏi, phát ốm vì không ngủ nổi".

Theo chị kể, nhiều gia đình bạn bè chị cũng đang khốn khổ vì mất điện bất thình lình, có nhà bị mất đúng vào giờ cao điểm nấu nướng và sinh hoạt gia đình từ 18h-21h tối.

Sống ở khu Nhật Tân, anh Quang Ngọc cũng cho biết, khu nhà anh cũng trong cảnh điện đóm thất thường, có nơi mất, nơi không. Trong đó, có những hôm có khu mất từ tối cho chập choạng sáng mới có điện trở lại.

"Ở khu Định Công, gia đình cậu em vừa rồi cũng phờ phạc thức trắng đêm vì điện mất từ 1h đến 6 giờ sáng. Ở Đông Ngạc, cách đây vài hôm, nhà ông anh phải lũ lượt đưa 3 con nhỏ đi thuê nhà nghỉ lúc nửa đêm để "trú nóng" vì điện cúp", anh Ngọc giãi bày.

Chị Hằng Thu ở khu Phương Liệt than thở: "Mấy ngày nay, cứ tầm 10h30 tối là cả nhà lại thấp thỏm "chờ" điện mất. Mặc dù khi được thông báo sự cố, nhân viên ngành điện đến khắc phục sớm nhưng cứ mất điện liên tục kiểu này, làm đảo lộn sinh hoạt, không chỉ trẻ em, đến người lớn cũng thấy điên đảo".

Đủ điện nhưng quá tải

Trả lời báo chí, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, "qua cân đối cung cầu điện thì mùa nắng nóng này, không có nguy cơ thiếu điện dẫn tới phải cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng".

Theo ông Tuấn Anh, hiện tượng mất điện ở Hà Nội có thể có nhiều nguyên nhân như lý do kỹ thuật hoặc do công tác điều độ điện, phân phối điện.

{keywords}

So với cùng kỳ năm ngoái, hệ thống điện miền Bắc ngày nắng nóng nhất có công suất tiêu thụ điện cao hơn tới 26%.

Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, nguồn điện cả nước hiện nay đủ để đảm bảo điện cho hệ thống. Tổng công suất đặt cả nước hiện là 35.500 MW, trong đó tổng công suất khả dụng ở mức 29.500-30.000MW".

Qua ghi nhận điều độ, ngày nắng nóng nhất ở Hà Nội là 28/5, công suất huy động lên cao nhất trên 25.193MW, lượng dự phòng còn 4.000 MW.

Do nắng nóng hiện nay có tính chất kỷ lục nên tiêu dùng điện tháng 5 tăng mạnh, tới 13,56% so với cùng kỳ 2014. So với tháng 4, trung bình ngày sản lượng điện tăng cao hơn 8%.

Ở Miền Bắc ngày nắng nóng, sản lượng bình quân ngày tăng 17%, riêng Hà Nội tăng tới 28% so với tháng 4. So với cùng kỳ năm ngoái, hệ thống điện miền Bắc ngày nắng nóng nhất có công suất tiêu thụ điện cao hơn tới 26%.

Ông Phúc đánh giá, một số nơi ở Hà Nội mất điện là do quá tải cục bộ. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu nếu nắng nóng trên 36 độ thì dừng các công tác sửa chữa lại.

Tổng Công ty điện lực Hà Nội khẳng định, để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, đơn vị đã hoãn toàn bộ các lịch cắt điện cao, trung, hạ thế theo kế hoạch để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây và thiết bị điện từ ngày 26/5/2015 đến hết ngày 15/7.

Tuy nhiên, Tổng công ty thừa nhận, sẽ không tránh khỏi các trường hợp xảy ra sự cố đột xuất, các hiện tượng thường đe dọa đến sự vận hành an toàn trên lưới điện, các hạng mục bắt buộc phải cắt điện để thi công các công trình cấp bách phục vụ chống quá tải hè 2015.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có công văn yêu cầu các Tổng công ty điện lực thực hiện ngay việc bố trí tăng cường lực lượng ứng trực khi nhiệt độ ngoài trời trên 35 độ C để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra, giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng.

Năm 2011, cũng đúng vào thời điểm 2 tuần đầu tháng 6, Hà Nội cũng rơi bị mất điện đồng loạt nhiều nơi vì quá tải cục bộ. Đó là năm nhiệt độ ngoài trời ban ngày lên tới 43 độ C. Năm nay, nhiệt độ miền Bắc được dự báo phổ biến lên tới 35-37 độ, nhiều khu vực lên tới 38-39 độ C, là đợt nắng nóng kỷ lục nhất trong 44 năm trở lại đây.

Phạm Huyền