- Việc ổn định tỷ giá được cơ quan quản lý cho là giúp duy trì lòng tin vào VND, tạo sự chủ động cho các DN trong sản xuất, kinh doanh và giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, chiều ngược lại vẫn có những ý kiến cho rằng cần nới lỏng và tránh cứng nhắc trong điều hành.

Ổn định tỷ giá

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2015, yêu cầu NHNN theo dõi sát thị trường để điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) theo hướng ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, nhưng đặc biệt phải luôn tính tới sự ổn định vĩ mô, khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Về phía cơ quan điều hành, sau khi nới tỷ giá hết room 2% của cả năm, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng vẫn cho biết, 2015, NHNN định hướng điều hành tỷ giá trong phạm vi biên độ không quá 2% cho cả năm.

Lãnh đạo NHNN phân tích NHNN đã và đang điều hành CSTT, tỷ giá theo hướng: kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát để tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đồng Việt Nam; phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và các công cụ CSTT để luôn duy trì và nâng cao lợi ích nắm giữ đồng Việt Nam; điều tiết lượng vốn khả dụng toàn hệ thống theo hướng không để quá dư thừa gây áp lực tỷ giá nhưng duy trì ở mức hợp lý để hỗ trợ nguồn vốn cho hệ thống mở rộng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

{keywords}

Việc ổn định tỷ giá được cơ quan quản lý cho là giúp duy trì lòng tin vào VND, tạo sự chủ động cho các DN trong sản xuất, kinh doanh và giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Quan điểm ‘tránh giật cục’ tỷ giá này của NHNNN đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, việc ổn định tỷ giá trong ngắn hạn sẽ giúp duy trì lòng tin vào VNĐ. Việc điều chỉnh tỷ giá chính thức 1% gần đây (hôm 7/5) và quyết tâm của NHNN duy trì tỷ giá chính thức ở mức hiện tại cần được nhìn nhận trong bối cảnh NHNN nỗ lực giảm lãi suất chính sách để giảm chi phí vốn cho DN.

“Tỷ giá ổn định chính là cái neo danh nghĩa rất có giá trị giúp tăng cường lòng tin vào VNĐ. Việc điều chỉnh tỷ giá ở mức nhỏ theo từng bước được tính toán kỹ của NHNN đã giúp giữ tính cạnh tranh của VNĐ”, ông Sanjay Kalra chia sẻ.

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa khẳng định, kinh tế Việt Nam năm 2015 đang theo chiều hướng tích cực, tăng trưởng hồi phục, ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì với lạm phát thấp, tỷ giá ổn định ở mức hợp lý, dự trữ ngoại hối tiếp tục cải thiện, niềm tin vào nền kinh tế được tăng cường.

Theo bà Victoria, việc tăng biên độ tỷ giá của NHNN trong thời gian vừa qua là hoàn toàn hợp lý và cũng đã phản ánh những áp lực của thị trường. Trong trung và dài hạn, WB cho rằng cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu quản lý tỷ giá theo hướng thị trường.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình với chủ trương giữ sự ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ của NHNN. Theo chuyên gia này, từ nay đến cuối năm, NHNN cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có các biện pháp ứng phó cần thiết.

Cứng nhắc hay ổn định

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam số tháng 6/2015, Khối nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) cũng đưa ra nhận định cho rằng sẽ không có thêm điều chỉnh tỷ giá năm nay.

HSBC đánh giá cao động thái phá giá tiền đồng hôm 7/5 của NHNN, cho rằng đó là biện kịp thời và đã giúp hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng theo NH này, sản xuất đang ở mức cao, chỉ số PMI xuất tháng 5 tiếp tục tăng lên và đạt mức 54,8 điểm - mức tăng mạnh nhất trong lịch sử, trong bối cảnh các nước trong khu vực châu Á đều có chỉ số PMI sụt giảm. Xuất khẩu ngoài dầu mỏ tăng mạnh, tín dụng trong nước tăng khá… là những tín hiệu tốt của nền kinh tế. Do vậy, sẽ không có thêm điều chỉnh tỷ giá năm nay.

{keywords}

Tuy nhiên, cần nới lỏng và tránh cứng nhắc trong điều hành tỷ giá.

Trước đó, một đại diện của NH này cũng đưa ra nhận định cho rằng, những lo ngại về việc mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức. Nhiều hàng hóa xuất khẩu như điện tử, dệt may và giày dép vẫn đang hồi phục và sẽ còn được hỗ trợ khi Việt Nam gia nhập vào các hiệp định tự do thương mại với khu vực châu Âu và châu Á.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì cho rằng, NHNN đã chủ động tăng tỷ giá, tạo cho DN thế chủ động lập kế hoạch kinh doanh từ nay đến cuối năm, đặc biệt là 6 tháng cuối năm. Và giờ NHNN có nhiều thuận lợi để giữ ổn định tỷ giá.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh khẳng định, các cam kết trong năm 2012-2014 đã góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô trong đó có việc ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, góp phần kiềm chế lạm phát. Việc ổn định tỷ giá 2015 rất cần thiết.

Còn theo ông John Chong, Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng (MBKE), việc ổn định tỷ giá trong thời gian qua mang lại sự sự yên tâm cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Và kể cả sau 2 lần điều chỉnh tỷ giá, VND vẫn là một trong những đồng tiền giữ giá tốt nhất trong khu vực trong hơn 2 năm qua.

Ông Nguyễn Đức Độ, P. Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính của Học viện Tài chính chia sẻ một thông tin khá thú vị cho rằng, việc điều chỉnh hay không điều chỉnh tỷ giá, tương đương với phá giá hay không phá giá không phải lúc nào cũng tăng xuất khẩu và giúp tăng GDP.

Theo đó, cầu hàng hóa của Việt Nam co giãn rất thấp. Tăng trưởng của Việt Nam nhờ nhiều vào thế giới. Nhưng nếu tăng tỷ giá, DN rất dễ bỏ thị trường trong nước và tham gia thị trường xuất khẩu. Khi VND giảm giá, xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc lại ít hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, nguồn lực DN nội có hạn, tăng xuất khẩu vào thị trường này thì giảm thị trường kia.

TS Lê Quốc Phương, phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, điều mà NHNN quan tâm nhất khi điều chỉnh tỷ giá là xuất khẩu và nợ nước ngoài. Hiện tại nợ nước ngoài rất lớn. Việc giữ gánh nặng nợ quốc gia và toàn bộ nền kinh tế không tăng lên là một nhiệm vụ rất quan trọng. Việc giữ ổn định tỷ giá còn giúp giảm áp lực lên lạm phát, kỳ vọng và thực tế; tạo điều kiện cho DN ổn định, lên được kế hoạch sản xuất, không bị xáo trộn.

TS. Phương chia sẻ sự cần thiết có sự ổn định nhưng cũng cần có sự linh hoạt để đảm bảo ổn định kinh tế, tránh những cú sốc có thể xảy ra.

Lê Hà