- Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục có những tuyên bố cứng rắn về chủ trương duy trì lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga.

Duy trì áp lực

Gần như đồng loạt, các lãnh đạo của 7 cường quốc hàng đầu trên thế giới (G7) tại cuộc họp thượng đình 2 ngày tại miền Nam nước Đức đã thống nhất duy trì thậm chí có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế nước Nga.

Tuyên bố chung G7 bao gồm các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Ý, Nhật Bản và Đức cho biết, lệnh trừng phạt Nga sẽ được áp dụng đến khi nào Tổng thống Nga Vladimir Putin và phe ly khai tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hòa bình Minsk.

Tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có một bài phát biểu cứng rắn như thái độ mà nữ nguyên thủ này đã thẳng thắn bày tỏ gần đây và cho rằng, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga hiện nay sẽ vẫn được giữ nguyên cho đến khi Nga hợp tác trong việc thực thi thỏa thuận Minsk 2.

“Các nhà lãnh đạo G7 đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn chống lại Nga nếu tình hình Ukraine leo thang. Bất kỳ động thái nới lỏng trừng phạt nào sẽ phụ thuộc vào hành vi của Nga ở Ukraine”, bà Merkel phát biểu tại hội nghị.

Người đồng cấp bên kia bán cầu, Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong khi đó, cũng đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ chưa từng có tại hội nghị thượng đỉnh G7, xoáy trực tiếp vào Tổng thống Nga Vladimir Putin.

{keywords}

Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục có những tuyên bố cứng rắn về chủ trương duy trì lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga.

Ông Obama cho rằng, Tổng thống Putin “tiếp tục phá hỏng nền kinh tế của đất nước mình và để Nga bị cô lập”. Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo sẵn sàng thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu Nga tiếp tục cái mà ông mô tả là "hành vi hung hăng" ở Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thậm chí còn cho biết, mọi thảo luận sắp tới nếu có thì sẽ chỉ tập trung vào việc tăng cường các biện pháp trực phạt nếu Nga không thay đổi chính sách đối ngoại. Ông Donald hy vọng các biện pháp trừng phạt nặng hơn sẽ được thực hiện vào tháng 7.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng EU có thể sẽ kéo dài lệnh trừng phạt Nga tới cuối năm nay bất chấp những tổn thương mà chúng có thể gây ra cho toàn khối.

Vẫn còn sự khác biệt

Trước hội nghị, bà Merkel cho biết, các thành viên G7 hiện vẫn chưa có ý định đưa Nga quay trở lại nhóm sau khi nước này đã bị 7 thành viên trong G8 khai trừ và tẩy chay hồi năm ngoái nhằm phản đối lập trường của Moscow trong vấn đề Ukraine. Năm 2014, các nhà lãnh đạo G7 tổ chức hội nghị thượng đỉnh mà không có sự tham dự của Tổng thống Putin.

Mặc dù các nước đồng thuận với việc duy trì các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc cô lập không cho Nga tham gia các diễn đàn mang tầm quốc tế như G7 có thể là một sai lầm. 

Ngay Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trước khi diễn ra hội nghị cũng cho rằng, G7 nên đón nhận sự quay lại của Nga trong dài hạn. Ông Steinmeier cho rằng, thế giới không thể có lợi ích gì khi duy trì một phiên bản G7 dài hạn và Nga cần được xem như một đối tác xây dựng trong một số cuộc xung đột. 

{keywords}

Dù các nước đồng thuận với việc duy trì các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc cô lập không cho Nga tham gia các diễn đàn mang tầm quốc tế như G7 có thể là một sai lầm.

Trả lời trên tờ Rheinische Post (Đức), cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho rằng, việc các nhà lãnh đạo G7 không mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự hội nghị thượng đỉnh lần này là một sai lầm.Theo cựu thủ tướng này, Nga có thể tìm một đối tác khác thay thế châu Âu, nhưng điều ngược lại thì không thể.

Trước đó, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế miền Đông nước Đức, ông Eckhard Cordes, đã chỉ trích quyết định loại bỏ Nga khỏi hội nghị G7 bởi G8 có thể đóng góp vào việc giải quyết khủng hoảng và thúc đẩy Moscow chuyển sang hành động mang tính xây dựng trong cuộc xung đột Ukraine.

Trong nội bộ EU, theo hãng tin TASS, một số nước đã từng ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Nga, bao gồm: Áo, Hungary, Ý, Cyprus, Slovakia, Pháp và Czech.

Còn tại G7, đại diện Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, sự tham gia của Nga vào G7 là cần thiết để giải quyết các cuộc xung đột quốc tế lớn, trong đó có việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, giải quyết các vấn đề của chương trình hạt nhân Iran và tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Abe cho biết, Hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 2016, sẽ được tổ chức tại Nhật Bản và các nhà lãnh đạo nhóm G7 sẽ kiên quyết thúc đẩy để ông Putin tham gia một cách xây dựng.

Bên cạnh đó, một số nhà lãnh đạo G7 có ý định tiếp tục đối thoại với Nga. Đó là chia sẻ của Tổng thống Pháp Francois Hollande. Theo đó, nếu Nga không được mời tham dự, điều đó cũng có nghĩa là không còn cần thiết để tiếp tục đối thoại với Nga.

Về phía Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố không ai loại Nga khỏi nhóm G8, bởi nhóm G8 chỉ đơn thuần là nơi tập hợp lãnh đạo các nước lớn để thảo luận những vấn đề cùng quan tâm. Còn về những chỉ trích của lãnh đạo các nước lớn, đại diện Điện Kremlin cho rằng những đe dọa này không có gì mới, đồng thời nhận định giữa các thành viên G7 đang có quan điểm khác biệt.

Sau hơn 1 năm phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt lên Nga, nền kinh tế nước này đã trải qua rất nhiều cơn sốc, từ lạm phát tăng vọt, đồng rúp lao dốc, dòng tiền ngoại tháo chạy, ngân sách hao mòn… Tuy nhiên, các nước châu Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong khi Mỹ chịu tác động ngược từ giá dầu giảm. Trung Quốc trong khi đó trỗi dậy mạnh mẽ và bắt tay với Nga trong các dự án năng lượng khổng lồ.

Trong khi các thành viên G7 cảnh báo sắc lạnh đối với Nga thì Trung Quốc cũng đã lên tiếng bênh vực đồng mình chiến lược của mình.

Văn Minh