- 20 năm trước, nếu có hàng Việt bán ở nước Mỹ thì đó là điều cấm kỵ. Nhưng giờ, người Mỹ mặc áo, đi giày made in Vietnam, ăn cá basa và uống cà phê Việt. Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã khởi đầu cho sự đổi thay kỳ diệu đó.

LTS: Để chọn một điển hình hội nhập kinh tế của Việt Nam thì chắc chắn quan hệ giao thương Việt - Mỹ là một câu chuyện thành công. 

20 năm từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ gần như con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước là: Bùng nổ về quy mô và gia tăng tốc độ mạnh mẽ.

Từ bình thường hóa quan hệ, tới Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO và sắp tới có thể là TPP, mỗi bước tiến hội nhập chính là một nấc thang mới trong quan hệ kinh tế hai nước. 

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “20 năm giao thương Việt - Mỹ: Bùng nổ quy mô, gia tăng tốc độ” để góp cái nhìn tổng thể về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ cũng như một góc nhìn về hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Choáng với ngôn ngữ kiểu Mỹ

"Tôi thực sự bị choáng. Nó quá mới mẻ, hàng loạt khái niệm chưa được tiếp cận, làm quen", ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA, nhớ lại ngày đầu tiên khi đọc dự thảo BTA do phía Mỹ soạn thảo. Đó là tháng 4/1997.

Ông kể: "Bản dự thảo thiết kế trên những nguyên tắc WTO mà ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ mới nghe chữ WTO, chưa biết nội dung của nó là gì".

Trong đó, Hoa Kỳ đưa ra quy chế "Đối xử quốc gia", "Đối xử bình đẳng",... "Thế nhưng, từ điển tiếng Việt ngày đó còn chưa có những từ này", ông Lương cho biết.

{keywords}
Dệt may là mặt hàng tăng trưởng ấn tượng nhất sau BTA.

Theo lời của ông Lương, Hoa Kỳ yêu cầu gỡ bỏ hết mọi rào cản thương mại theo quy định của WTO, thực thi một nền thương mại tự do. Thậm chí, Hoa Kỳ còn đòi Việt Nam giảm thuế xuất nhập khẩu. Đây quả là điều vô cùng khó khăn cho Việt Nam, bởi khi đó, ở Hoa Kỳ, thuế xuất nhập khẩu chỉ chiếm chưa đầy 2% nguồn thu ngân sách. Nhưng ở Việt Nam, đây là nguồn thu chủ yếu, chiếm gần 20% ngân sách. Khi đó, ở Hoa Kỳ đã có thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản trong khi ở Việt Nam, chưa có sắc thuế nào ngoài thuế xuất nhập khẩu.

Đối với lĩnh vực dịch vụ, trong khi Hoa Kỳ đã phát triển rất mạnh mẽ, có luật lệ hoàn chỉnh đề điều tiết thì ở Việt Nam, dịch vụ chỉ coi như khâu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, như ngân hàng, vận tải. Việt Nam chưa có bất kỳ một luật nào điều tiết hoạt động này.

Về đầu tư, những nội dung mà Hoa Kỳ đưa ra đàm phán lai hoàn toàn khác với các hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với hàng chục quốc gia trước đó.

Và trên hết, dù đã gia nhập ASEAN và bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn nào về hội nhập trong suốt 5 năm đàm phán BTA. Mãi 1 năm sau khi BTA được ký kết, Bộ Chính trị mới có Nghị quyết 07 về hội nhập kinh tế.

Ông Lương chia sẻ: "Cuộc đàm phán đã diễn ra trầy trật, kéo dài, "lên bờ xuống ruộng". Chấp nhận những cam kết như thế này nghĩa là phá vỡ gần như toàn bộ khung pháp lý hiện hành. Đó là điều chưa có trong một cuộc đàm phán quốc tế".

Trong khi đó, những điều thiết yếu nhất như thông tin về nền kinh tế Mỹ, về tầm ảnh hưởng của Mỹ như thế nào trong nền kinh tế thế giới đối với ông Lương và thành viên đoàn đàm phán lại rất ít ỏi.

"Nhưng rồi, trên cơ sở nhận diện được xu thế của thời đại, những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế thế giới và nhu cầu bình thường hoá đầy đủ quan hệ với Hoa Kỳ, xã hội Việt Nam đã nhận ra rằng, hệ thống pháp lý Việt Nam thời điểm đó đang cản trở sự phát triển, đang làm bế tắc mọi ý tưởng đổi mới, không thể vận hành được nền kinh tế thị trường. Muốn hội nhập, muốn phát triển, Việt Nam phải cải tạo hệ thống luật pháp", ông Lương đánh giá.

Kết quả là ngay sau khi BTA được ký kết và có hiệu lực từ tháng 12/2001, Việt Nam đã có cuộc tổng rà soát, sửa đổi toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật để phù hợp với BTA. Hệ thống luật lệ của Việt Nam đã giảm hẳn những quy định lý thuyết, áp đặt chung chung mà thay vào đó là những quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi hơn cho một nền kinh tế thị trường.

Ông Lương đã gọi đó là "những gam màu rất Mỹ" trong thể chế kinh tế Việt Nam.

Bùng nổ và tăng tốc

Nhìn lại những bước phát triển ấn tượng về thương mại và đầu tư giữa hai nước mới thấy, giá trị ảnh hưởng của BTA trong 15 năm qua là rất lớn.

Nếu năm 2001, khi BTA chưa có hiệu lực, thương mại hai chiều Việt - Mỹ chỉ là 1,51 tỷ USD thì năm 2002, ngay sau khi BTA có hiệu lực, thương mại hai chiều hai nước đã tăng đột biến lên 2,89 tỷ USD, bằng 1,85 lần. Đến nay, năm 2014, con số này là gần 35 tỷ USD, gấp 23 lần 15 năm trước.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, quan hệ thương mại với Mỹ càng bùng nổ.

{keywords}
Thủy sản đã có những bài học hội nhập giá trị trên chính thị trường Mỹ.

Việt Nam đã tăng xuất khẩu sang Mỹ lên 36 lần, từ 800 triệu USD vào năm 2000 lên gần 29 tỷ USD năm 2014.

Sự tăng tốc ngoạn mục đó đã giúp cho Việt Nam vượt qua Thái Lan, Malaysia, Indonesia để trở thành quán quân về xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ trong ASEAN. Hàng hoá của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn khu vực này sang Mỹ.

Đặc biêt, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ cũng chuyển biến tích cực. Năm 2001, 78% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là hàng sơ chế, chủ yếu là tôm và dầu khí thì chỉ 2 năm sau khi BTA có hiệu lực, 2003, các mặt hàng chế tác như dệt may, điện tử, đồ gỗ, giày da,... đã chiếm 72% và hiện nay, là 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.

Mỹ từ thị trường nhỏ nhất đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

GS Nguyễn Mại, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác về đầu tư, chia sẻ, nhờ có BTA, cánh cửa xuất khẩu sang Mỹ đã trở nên rộng mở. Bởi sau đó, Mỹ đã áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường và Quy chế tối huệ quốc MFN, giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống chỉ còn 3-4%.

Nói về quan hệ đầu tư, phải nói rằng, các doanh nghiệp Mỹ đã tích cực đón đầu cơ hội do BTA mang lại từ rất sớm.

GS Mại cho biết, trong 5 năm hai nước còn đang đàm phán BTA thì tại Việt Nam, đã có hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ tìm đến như Pepsico, Coca-Cola, Cargil, 3M, P&G, Kimberly-Clark,... Họ đã đến Việt Nam xây dựng nhà máy để tranh thủ lợi thế nhân công giá rẻ.

Những ngày này ở năm 2015, nhiều công ty cũng đã và đang kỷ niệm 20 năm đến Việt Nam kinh doanh.

Tuy nhiên, trước năm 2007, dòng vốn đầu tư Mỹ hầu như chỉ tập trung ở các ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, gỗ, nội thất. Phải sau khi Việt Nam vào WTO, sau 2007, vốn Mỹ mới bắt đầu có bước chuyển biến sang lĩnh vực khoa học công nghệ cao, mà người mở đầu chính là Tập đoàn Intel.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại nhìn nhận, việc thu hút đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn chưa như mong đợi. Tổng vốn đầu tư của Mỹ chỉ đứng thứ 7, với hơn 11 tỷ USD. Ngay cả việc nhập khẩu hàng hoá, là thiết bị, máy móc của Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa nhiều trong khi, đây là xứ sở công nghệ cao.

Phạm Huyền