Khủng hoảng tài chính đang là một mối lo lớn của người dân Hy Lạp, đặc biệt là giới trẻ Hy Lạp đang ồ ạt "trốn" sang nước ngoài bởi khủng hoảng nợ. Vậy, tương lai của họ sẽ ra sao trước mối hiểm họa lớn này?

Từ khi cuộc khủng hoảng ập đến Hy Lạp, tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này đã cao đỉnh điểm. Mọi công việc ở đây đã trở nên rất khó khăn vì hầu hết các doanh nghiệp, công ty đã đóng cửa. Do đó, người dân, đặc biệt là giới trẻ Hy Lạp đã "ồ ạt" trốn sang nước ngoài để tìm một công việc, một cuộc sống tốt hơn.

Dani Iordake, một thanh niên Hy Lạp 21 tuổi, đã buộc phải bỏ học đại học để đi kiếm tiền cùng mẹ và nuôi gia đình.

{keywords}

Ảnh: The Straits Times

"Tôi không nhìn thấy một tương lai ở Hy Lạp. Hy Lạp là một đất nước đẹp nhưng tôi không thể tưởng tượng những ngày tháng sống ở đây sẽ ra sao và tôi phải đấu tranh với nó thế nào", Dani Iordake thở dài cho biết.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Hy Lạp đã đạt gần 50% sau khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ Hy Lạp và chủ nợ thất bại.

Hơn 200.000 người Hy Lạp đã phải rời bỏ đất nước kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2010. Nhiều doanh nghiệp buộc phải rời sang nước khác do thiếu nhân công và tiền lương.

"Anh trai tôi sống ở Tây Ban Nha, người bạn thân nhất của tôi ở Đức. Tôi có rất nhiều bạn bè ở Anh, Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ, Pháp và thậm chí cả ở Ba Lan”, Iordake cho biết thêm.

Ban đầu, Iordake chỉ dự định sống ở Na Uy 2 hoặc 3 năm. Tuy nhiên, bây giờ anh đã quyết định sống ở đây lâu hơn, mặc dù anh rất nhớ đất nước Hy Lạp, nhớ mặt trời ở Hy Lạp và nhớ cả thức ăn của Hy Lạp.

Thủ tướng Alexis Tsipras và Đảng cánh tà Syriza của ông đã cam kết sẽ giúp đất nước vượt qua những thời khắc khó khăn này. Tuy nhiên, trái ngược lại với cam kết này, chính phủ Hy Lạp lại đưa ra lệnh áp đặt kiểm soát vốn và đóng cửa ngân hàng.

Đôi bạn Marilena và Josie ngồi trên một chiếc ghế ở góc đường và bàn về tương lai của mỗi người.

Là một chuyên gia trị liệu massage, Josie, 22 tuổi, không thể tìm được một việc làm toàn thời gian và cô đã phải làm tất cả những công việc từ trông trẻ…để kiếm sống.

"Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, tôi đã kiếm được 1.300 euro. Giờ đây, tôi kiếm không bằng một nửa chỗ đó”, Josie nói.

Bạn trai của Josie hiện đang sống ở Hà Lan và cô đang có ý định chuyển qua đó sống với anh ấy.

Marilena, 33 tuổi, có thể sẽ sang Đức sống cùng anh trai. Cô cho biết anh trai cô đang làm trong quân đội và kiếm được 2.000 euro/tháng.

Quyết định rời khỏi quê hương không phải là một quyết định dễ dàng. Tuy nhiên, đó là một sự lựa chọn, lựa chọn vì một tương lai tốt hơn.

Giannis Grigoriou, một kỹ sư dân sự đang thất nghiệp, đang có kế hoạch di cư đến Ả Rập vì anh nghĩ anh sẽ may mắn tìm được việc làm ở đó.

“Giới trẻ Hy Lạp thi nhau di cư, đó không phải là một hiện tượng mới, nhưng nó đã tăng lên đáng kể trong thời khủng hoảng”, Lois Labrianidis, giáo sư địa lý kinh tế tại Đại học Thessaloniki nhận định.

Ông Labrianidis hy vọng chính phủ nước này sẽ có thể đàm phán lại với các chủ nợ, vì ông cho rằng nếu Hy Lạp không phải trả thêm nhiều tiền cho chủ nợ, thì Hy Lạp sẽ có nhiều tiền để cải tiến nền kinh tế.

"Những ngày này là rất quan trọng đối với Hy Lạp, đặc biệt là đối với giới trẻ”, ông nói.

(Theo The Straits Times/ Một thế giới)