Đã có sự hiểu nhầm về thông tin xoá bỏ chợ đầu mối Long Biên và chợ phía Nam Hà Nội. Chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị Bộ giải thích rõ thông tin này để người dân hiểu hơn, phía đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.
Bộ Công Thương nhầm lẫn?
Ngay sau thông tin xoá bỏ chợ đầu mối Long Biên được đăng tải trên các kênh truyền thông hôm 7/7, ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội đã cho biết: đã có sự hiểu nhầm ở đây.
Ông khẳng định: "Theo quy hoạch của Hà Nội và chủ trương phát triển mạng lưới chợ của chúng tôi, không hề có kế hoạch xoá bỏ chợ Long Biên và chợ phía Nam Hà Nội, hay còn gọi là chợ Đền Lừ. Cả hai chợ này vẫn có tên trong danh mục chợ của Hà Nội".
Nông sản hàng đêm vẫn đổ về chợ Long Biên. |
Ông Khánh cho biết: "Trên thực tế, chợ Long Biên không được xếp hạng là chợ đầu mối nhưng lại có tính chất hoạt động giống như chợ đầu mối. Chúng tôi đã nêu rõ trong quy hoạch, sẽ chuyển chợ Long Biên theo mô hình là chợ dân sinh hạng 2. Như vậy, sẽ thuận tiện cho công tác quản lý. Toàn bộ hoạt động của chợ sẽ do Quận Ba Đình chịu trách nhiệm".
"Chợ Long Biên hiện nay có nhiều vấn đề như gây ách tắc xe cộ, quá tải về giao thông nên cần phải để cấp quận quản lý thì sẽ chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn nên phải là chợ hạng 2", ông Khánh giải thích.
Ông Khánh dẫn chứng chính là Quyết định 5058 ban hành năm 2012 của UBND Tp Hà Nội phê duyệt quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Hà Nội cũng đã nêu rõ sẽ tổ chức có 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp ở các huyện xung quanh Hà Nội.
Theo phân tích của ông Khánh, khi 5 chợ đầu mối này hoạt động, nhịp độ buôn bán, lưu thông hàng hoá ở chợ Long Biên sẽ được giảm tải dần dần. Tuy nhiên, quá trình giảm tải, để chợ Long Biên trở thành chợ hạng 2 sẽ phải diễn ra dần dần vì đây là khu chợ lâu đời, gắn liền với tập quán buôn bán của người dân Hà Nội nhiều năm nay (trước năm 1985).
"Nói như vậy, sẽ không đóng cửa các chợ này, ít nhất là trước năm 2020 mà chợ sẽ được cải tạo", ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Khánh còn cho biết thêm, ngay sáng 8/7, Sở Công Thương đã có văn bản gửi gấp tới Bộ Công Thương đề nghị giải thích rõ thông tin "xoá bỏ chợ Long Biên và chợ phía Nam Hà Nội".
Theo quy hoạch nào?
Không chỉ có chuyện khác biệt về xoá bỏ hay cho tồn tại hai chợ đầu mối trên, Quy hoạch về phát triển mạng lưới chợ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa ký hôm 26/6 còn có nhiều điểm không hề khớp với quy hoạch chợ của tp Hà Nội đã ban hành từ năm 2012.
Theo đó, đối với chợ đầu mối, Quy hoạch của Bộ Công Thương chỉ "cho phép" Hà Nội được công nhận giữ nguyên hiện trạng là chợ Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Hà Nội không có chợ đầu mối nào sẽ được cải tạo nâng cấp.
Đồng thời, Hà Nội chỉ được xây dựng thêm 3 chợ đầu mối nông sản ở Gia Lâm, Quốc Oai, Phú Xuyên.
Trong khi đó, theo quy hoạch của Hà Nội, Thành phố sẽ đầu tư 5 xây dựng chợ đầu mối, ngoài 3 chợ trên, còn có chợ đầu mối nông sản tại Sóc Sơn và Mê Linh.
Trong phụ lục số 2 ban kèm QĐ 6481 của Bộ Công Thương ghi rõ chợ đầu mối Long Biên phải xóa bỏ, di dời trong 5 năm tới. |
Đối với chợ hạng I, Quyết định của Bộ Công Thương cho thấy, Hà Nội được giữ nguyên hiện trạng 6 chợ là chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), chợ Bưởi (quận Tây Hồ), chợ Hà Đông (quận Hà Đông), chợ Nghệ (thị xã Sơn Tây) và chợ thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hoà).
Đồng thời, Hà Nội được nâng cấp, cải tạo 4 chợ hạng I là chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chợ Vồi (huyện Thường Tín), chợ Nành (huyện Gia Lâm) và đặc biệt, không được xây mới cũng như không xoá bỏ chợ hạng I nào.
Thế nhưng, quy hoạch của Hà Nội lại cho thấy, TP sẽ nâng cấp chợ 13 chợ thay vì là 4 chợ. Cụ thể, Hà Nội nâng cấp chợ Hà Đông, chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi, chứ không giữ nguyên hiện trạng như Bộ Công Thương nêu.
Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng sẽ xây mới 13 chợ hạng I.
Theo báo cáo đánh giá về thực trạng mạng lưới chợ, Bộ Công Thương cũng cho biết, đợt kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2010, định hướng đến 2020 cho thấy, nhiều chợ đầu mối không được hình thành được theo quy hoạch này là do không có vốn đầu tư và không hấp dẫn đầu tư, hoặc không phù hợp và địa bàn khu vực đó không có nhu cầu phát triển chợ đầu mối. Vì vậy, cần loại bỏ khỏi quy hoạch hoặc chuyển sang vị trí khác những trường hợp này.
Năm 2007, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với nhiều mục tiêu tham vọng với tổng số vốn được xác định đầu tư cho việc này lên tới hơn 15,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau vài năm thực hiện, thực tế đã đi ngược lại với mong muốn.
Chẳng hạn như chợ đầu mối Vĩnh Tuy (Bắc Quang, Hà Giang) đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng rồi bỏ không. Có những chợ đang kinh doanh tấp nập thì được đưa vào sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa…, kết quả là “vắng như chùa Bà Đanh”, như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da (Hà Nội).
Bộ Công Thương cũng thừa nhận: Nhiều chợ hạng I (chợ bán buôn bán lẻ quy mô lớn) có đủ tiêu chí về số điểm kinh doanh thì số hộ kinh doanh lại rất thấp. Ngược lại, rất nhiều chợ quá tải. Một mâu thuẫn đang tồn tại là nếu nâng cấp cải tạo chợ thành nhiều tầng thì lập tức bị khách hàng và cả tiểu thương quay lưng, vì không phù hợp với phong cách, thói quen mua bán đặc trưng của chợ.
Chưa kể đến tình trạng làm biến mất không gian kinh doanh vốn có của nhiều chợ đang rất sầm uất bằng cách kế hợp nhiều công năng, mục đích sử dung khác nhau trong một mô hình thiết kế hoàn toàn không phù hợp với tính chất buôn bán trên chợ”. Đây chính là lý do vì sao mỗi lần có dự án cải tạo chợ, thì tiểu thương đa phần là phản đối.
Tuy nhiên, nói về công tác thực hiện quy hoạch vừa ban hành, Bộ Công Thương đã yêu cầu rõ các Sở Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải triển khai, sửa đổi theo quy hoạch.
Phạm Huyền