- Thông tin chợ Long Biên (Hà Nội) sắp đóng cửa đã xôn xao từ chiều qua nhưng đối với anh Hải cũng như hàng trăm lao động bốc vác khác, nỗi lo trước mắt là làm sao gánh được nhiều hàng để có tiền sinh sống.

Nỗi lo ở chợ không bao giờ “ngủ”

Có mặt tại chợ đêm nông sản Long Biên vào lúc 1 giờ sáng, sinh hoạt ở chợ vẫn diễn ra bình thường như chưa hề biết tới quyết định phải xóa bỏ trong 5 năm tới. Xe hàng ra vào, người buôn kẻ bán diễn ra tấp nập. Tiếng chào mời, mặc cả huyên náo cùng với còi xe khuấy động cả khu chợ chẳng bao giờ “ngủ”. Ở góc chợ, một tốp người chen lấn chờ việc trước một xe tải lớn sắp dỡ hàng.

Anh Hải (quê Thái Bình) được người bà con giới thiệu, đầu năm 2000 đã bỏ quê lên đây mưu sinh. Anh thuê trọ gần đó, đêm tới kéo xe ra chợ.

Chợ đầu mối Long Biên tập trung mấy trăm lao động nông thôn từ nhiều vùng quê khác nhau bán sức kiếm sống như anh Hải. Đi và thức cùng đêm Hà Nội, thâm nhập những chợ đầu mối với công việc của những người hành nghề “cửu vạn” mới thấu hiểu phần nào sự vất vả của họ.

{keywords}

{keywords}

Người lao động ở chợ Long Biên làm đủ nghề, từ bốc xếp hàng, kéo xe, gánh, vác,... để có tiền.

Trong lúc chờ có người gọi, anh Hải cho hay, mọi sinh hoạt ở đây cũng như gia đình ở quê đều dựa phần lớn vào số tiền mà anh kiếm được nhờ làm công việc chở hàng thuê ở chợ. Mỗi tháng đóng cho BQL chợ Long Biên hơn 200.000 đồng chi phí hoạt động rồi tự tìm đầu mối “ăn hàng”. Tính bình quân, mỗi đêm kéo xe xa cả chục cây số anh kiếm được khoảng 100.000 đồng.

Thông tin chợ sắp đóng cửa đã được bà con xôn xao từ chiều qua, nhưng đối với anh, nỗi lo trước mắt là làm sao gánh được nhiều hàng để có tiền sinh sống. “Nghe bà con kháo nhau về việc sẽ đóng cửa chợ, lo thì cũng lo nhưng chẳng biết làm sao, đành phải kiếm cách khác thôi”, anh chia sẻ.

Bà Tâm, người bán nước gần đó, góp chuyện, mấy năm gần đây, người dân nông thôn để ra chợ kiếm sống ngày càng nhiều. Họ làm đủ cả từ bốc xếp hàng, kéo xe, ai có điều kiện thì thuê xe, còn không thì gánh, vác, đủ kiểu làm sao để có tiền.

Bà Tâm biết anh Hải đã lâu nhưng cũng chỉ nghe kể lại rằng hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn. Cả hai vợ chồng rủ nhau lên chợ làm nghề này, chồng kéo, vợ đẩy. Một buổi làm việc của cửu vạn bắt đầu từ xẩm tối cho đến sáng hôm sau, chưa kể với chống lại chuyện “ma mới bắt nạt ma cũ”, bảo kê, thậm chí đánh nhau để có được hàng.

Chợ đóng cửa, bấu víu vào đâu?

Lân la làm quen, tôi bắt chuyện với anh Tám, 27 tuổi, làm nghề gần 10 năm nay. Đêm nào anh cũng có mặt ở chợ từ 1 giờ sáng để thồ rau quả thuê, hết việc là 4-5 giờ sáng. Chiếc xe kéo mua lại với giá 4 triệu đồng đã mòn bánh, hoen rỉ, nhưng lại là một tài sản lớn có giá trị đối với anh vì nó là công cụ duy nhất giúp anh kiếm được tiền nuôi cả nhà.

Anh Tám cho hay: “Công việc nặng nhọc thế mà mỗi chuyến cũng chỉ vài chục nghìn. Tám thùng thanh long vừa chở ra tận ngoài cổng chợ cũng chỉ được 30.000 đồng vậy mà phải luồn lách đủ kiểu vì chợ đông”.

{keywords}

{keywords}

Đàn ông mưu sinh ở chợ đêm Long Biên đã vất vả, phụ nữ làm nghề này cũng không ít, gần nửa số người kéo xe ở chợ là phụ nữ.

Theo anh Tám, nghề kéo xe tính chuyến ăn tiền, kéo càng nặng thì được trả càng nhiều tiền, sau mỗi đêm chủ hàng sẽ thanh toán ngay. Tuy nhiên, đã có lần anh phải đền cho chủ hàng 500.000 đồng vì làm đổ.

Từ chỗ xe tải trả hàng ra bãi tập kết chỉ chừng 500 m nhưng đường sá ngoằn ngoèo, lởm chởm, nhiều chỗ sình lầy, bẩn thỉu vô cùng,... Càng đi sâu vào trong chợ, cái mùi hôi thối của cống và mùi rau củ quả lâu ngày khiến cho những ai lần đầu tiên tới chợ phải rùng mình. Nhưng nó lại là một mùi quen thuộc với họ, không khẩu trang, không dụng cụ bảo hộ, những người cửu vạn như anh Hải, hay anh Tám vẫn ngày đêm làm việc.

Dẫu vất vả, nhưng hàng ngày họ còn kiếm được đồng ra đồng vào. Nếu chợ Long Biên không còn, chưa biết những thân phận này sẽ trôi dạt vào đâu? “Mình thì còn tý sức trẻ, vứt đâu cũng sống được, chứ còn vợ con ở quê trông chờ để có miếng ăn, cái mặc, lúc đó kiếm đâu ra?”, anh Tám xa xăm.

Đàn ông đã vất vả vậy, phụ nữ làm nghề này không ít, gần nửa số người kéo xe ở chợ là phụ nữ, có người đang mang bầu vẫn ra chợ đẩy xe hàng đêm. Đa số các chị đều có hoàn cảnh khó khăn, không có nghề phụ, không vốn liếng kinh doanh nên đành cắn răng bán sức lao động với cái giá rẻ mạt. Ngồi với chị, tôi thấy chị cứ thỉnh thoảng lại đấm lung, chị bị thoái hoá cột sống nhưng vẫn không dám bỏ làm ngày nào vì “bỏ việc ngày nào là mất tiền ngày ấy”.

Lau mồ hôi trên trán, chị Nhung, một người chuyên gánh hàng ở chợ buồn rầu nói: “Không phải đêm nào cũng đắt hàng, nhiều ngày mưa gió, hàng họ ế ẩm, cả đêm không có ai thuê.”

Mới đầu làm chị có đau tay đau lưng nhưng giờ bàn tay gân guốc, chai cứng sau ngót chục năm hành nghề. Mỗi người phụ nữ làm cái nghề này đều giắt theo mình một lọ dầu gió hay mấy lá cao như một vật “bảo hộ” phòng những lúc ê ẩm, đau nhức.

Khổ nhất là lúc gánh gặp phải chỗ trơn gãy chân gãy tay như chơi, hay tắc đường nếu mà không luồn lách thì chỉ được vài chuyến không đủ sống. Chưa kể phải đền hàng cho chủ nếu làm rơi hỏng. Chính vì thế mọi ngõ ngách của chợ, chị đều thông thạo.

Phải đợi cho tới gần 7h sáng, khi hàng hoá đã được phân phối đến hầu hết cho tiểu thương đi đến các chợ nhỏ lẻ thì những nữ cửu vạn mới bắt đầu giãn công việc để nghỉ ngơi.

Những dịp rằm, mùng 1 là hoa quả về chợ nhiều, nếu cố hết sức cả đêm thì có thể kiếm được 400.000-500.000 đồng, ngày thường thì chỉ được 150.000-200.000 đồng. “Chợ mà đóng cửa thì chẳng biết bấu víu vào đâu, nếu không chấp nhận làm những công việc nặng nhọc này, cũng chỉ còn biết... về quê làm ruộng!”, chị buồn rầu.

D.Anh