- Những ngày qua, thông tin Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được trao quyền đàm phán nhanh là tín hiệu cho thấy TPP sẽ sớm được ký kết trong năm nay. Hiệp định thương mại thế hệ mới này sẽ đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sang một trang lịch sử mới, nhiều thách thức hơn và cơ hội cũng rộng lớn hơn.

LTS: Để chọn một điển hình hội nhập kinh tế của Việt Nam thì chắc chắn quan hệ giao thương Việt - Mỹ là một câu chuyện thành công.

20 năm từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ gần như con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước là: Bùng nổ về quy mô và gia tăng tốc độ mạnh mẽ.

Từ bình thường hóa quan hệ, tới Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO và sắp tới có thể là TPP, mỗi bước tiến hội nhập chính là một nấc thang mới trong quan hệ kinh tế hai nước.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “20 năm giao thương Việt - Mỹ: Bùng nổ quy mô, gia tăng tốc độ” để góp cái nhìn tổng thể về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ cũng như một góc nhìn về hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Đòi hỏi và nhượng bộ

20 năm sau kể từ khi ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA), Việt Nam và Mỹ lại gặp nhau trong đàm phán đa phương TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương). Mỹ vẫn là người đứng đầu, chủ xướng ra điều kiện ở vị thế quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Việt Nam vẫn là đối tác thương mại khiêm tốn nhất trong các thành viên.

Một cuộc đấu trí cũng căng thẳng không kém 20 năm trước, chạm đến từng ngõ ngách của đời sống kinh tế mà ở đó, có những đòi hỏi gắt gao và sự nhượng bộ không hề dễ dàng.

Dệt may và da giày là 2 câu chuyện đáng nói đến nhất.

Ngay từ đầu, dệt may đã được yêu cầu phải đàm phán riêng. Hoa Kỳ đã khởi xướng quy tắc xuất xứ từ sợi. Để được hưởng ưu đãi thuế quan, các mặt hàng phải sử dụng nguyên liệu trong các nước thành viên TPP. Khi đó, dệt may xuất khẩu của ta vẫn còn đang phụ thuộc nguyên vật liệu 60-70% bên ngoài - chủ yếu nhập từ Trung Quốc - nước không tham gia TPP. Đó quả là một lời thách đố cho Việt Nam.

{keywords}

Việt Nam là nước xuất khẩu da giày và dệt may vào Hoa Kỳ lớn thứ 2 sau Trung Quốc và lớn nhất trong các nước thành viên TPP.

Nhưng rồi sau 5 năm đàm phán, thách thức này đã dần dần được hoá giải. Cập nhật mới đây của VCCI cho hay, các nước mà thực chất là Hoa Kỳ, đã chấp nhận sẽ có một danh mục "nguồn cung thiếu hụt" như một ngoại lệ không phải áp dụng quy tắc này. Đây hẳn là một cơ hội lớn để dệt may Việt Nam có thêm thời gian nâng cao tỷ lệ nội địa hoá của mình. Có thể hiểu, chủ xướng Hoa Kỳ đã nhượng bộ.

Ngược lại, Hoa Kỳ - nước nhập khẩu - sẽ được áp dụng một cơ chế biện pháp tự vệ chặt chẽ hơn để ngăn ngừa nguy cơ hàng dệt may ồ ạt nhập vào.

Với da giày, trong khi Việt Nam muốn giảm thuế, thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này thì Hoa Kỳ coi đây là mặt hàng nhạy cảm, kiên quyết bảo hộ.

Tháng 3 mới đây, một nhóm nghị sĩ ở Mỹ đã gửi thư tới cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ để yêu cầu các cam kết trong TPP không được làm thiệt hại tới các nhà sản xuất giày dép trong nước. Nhóm này đề nghị không xoá bỏ thuế, hoặc giữ lộ trình cắt giảm thuế kéo dài 12 năm. Hiệp hội các nhà sản xuất giày dép cao su, nhựa nước này đang đề xuất giữ nguyên thuế ở 24 dòng hàng, trong đó có giày thể thao, giầy bốt lao động, leo núi.

Cho tới thời điểm này, việc Hoa Kỳ có chấp thuận giảm thuế mặt hàng giày dép Việt Nam hay không vẫn chưa được tiết lộ.

Cùng đó, áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi, cộng đồng doanh nghiệp nước này đòi hỏi tỷ lệ nội khối rất cao. Chẳng hạn như, trong một chiếc giày xuất sang Mỹ, phần mũ giày, nghĩa là tất cả các bộ phận của giày ngoài đế giầy được đòi hỏi đạt 100% hàm lượng giá trị nội khối mới được hưởng ưu đãi thuế quan TPP. Phần còn lại, đế giày phải đạt 55% hàm lượng nội khối. Đây rõ là là một yêu cầu bất khả thi đối với da giày Việt Nam hiện nay.

Việt Nam là nước xuất khẩu da giày và dệt may vào Hoa Kỳ lớn thứ 2 sau Trung Quốc và lớn nhất trong các nước thành viên TPP. Bởi lẽ thế, để Việt Nam đạt được lợi ích cho các ngành hàng gia tăng vào thị trường Hoa Kỳ lên tới hàng tỷ USD sẽ không đơn giản.

Rút ngắn khoảng cách với đoàn tàu kinh tế thế giới

Ngay từ đầu, TPP là một thoả thuận đàm phán mật. Chia sẻ với VietnNmNet, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO - VCCI, cũng nhìn nhận, có rất nhiều ý kiến bày tỏ e ngại về cuộc chơi dường như không cân sức này.

{keywords}

 TPP là một động lực, một sức ép quý giá cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình phát triển.

Song, bà Trang phân tích: "Việt Nam tham gia TPP là tất yếu. Khi ta tham gia WTO, cuộc chơi của thế giới đã bắt đầu một đẳng cấp mới. Trong đó, Hoa Kỳ cũng ký nhiều FTA với các nước đối thủ của Việt Nam. Bởi thế, chỉ có tham gia TPP, Việt Nam mới có được lợi thế cạnh tranh".

Giám đốc Trung tâm WTO bình luận: "Giống như có một chuyến tàu đang chạy rất nhanh, nếu ta không đuổi theo, không lên tàu thì ta sẽ bị bỏ xa mãi mãi. Còn ngay bây giờ, ta chạy theo tàu, có thể chạy chậm hơn nhưng dù sao, điều đó cũng sẽ giúp ta rút ngắn được khoảng cách để sớm lên con tàu chung đó".

Trở lại câu chuyện của dệt may và da giày, Bộ Công Thương cho biết, ngay thời điểm này, đón đầu cơ hội trong TPP, đã có những doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào khâu dệt nhuộm của ngành dệt may ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đề nghị mở rộng đơn hàng cho giày dép có mức độ sản xuất phức tạp, chất lượng từ trung bình đến khá.

TPP có thể sẽ không mang lại ngay sự tăng trưởng đột biến nào đó trong kinh tế, nhưng đó chính là một cú hích quyết liệt thúc đẩy kinh tế Việt Nam đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh một cách bứt phá.

Tâm thế của Việt Nam trong TPP đã khác hẳn 20 năm trước. Đó là tâm thế của một quốc gia có 30 năm đổi mới và đang kiên trì cải cách nền kinh tế theo thể chế kinh tế thị trường hiện đại. Trong bối cảnh đâu đó có lợi ích nhóm, có nhiều rào cản tư duy phát triển thì TPP lại là một động lực, một sức ép quý giá cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình này.

Nếu như coi BTA là viên gạch đầu tiên xây lên cây cầu quan hệ thương mại song phương Việt - Mỹ thì thông qua đàm phán hiệp định đa phương TPP, trong thế kỷ mới, cây cầu này tiếp tục được xây đắp trở nên vững chắc hơn bao giờ hết.

Phạm Huyền