- Hơn 11 tỷ USD vốn Mỹ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong 20 năm qua là con số khiêm tốn nhưng đó là dòng vốn rất "chất". Phải chăng vì thế, những cuộc thương thảo với các tỷ phú Mỹ vào Việt Nam luôn đầy kịch tính?

LTS: Để chọn một điển hình hội nhập kinh tế của Việt Nam thì chắc chắn quan hệ giao thương Việt - Mỹ là một câu chuyện thành công.

20 năm từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ gần như con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước là: Bùng nổ về quy mô và gia tăng tốc độ mạnh mẽ.

Từ bình thường hóa quan hệ, tới Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO và sắp tới có thể là TPP, mỗi bước tiến hội nhập chính là một nấc thang mới trong quan hệ kinh tế hai nước.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “20 năm giao thương Việt - Mỹ: Bùng nổ quy mô, gia tăng tốc độ” để góp cái nhìn tổng thể về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ cũng như một góc nhìn về hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Ngoại lệ đặc biệt

Sau 7 năm ở Việt Nam, cuối 2014, tập đoàn Intel tuyên bố sẽ biến Việt Nam thành một cứ điểm sản xuất chip cho toàn cầu, với sản lượng dự kiến cung ứng 80% thị trường. Ngay sau đó, Intel đã chuyển nhà máy từ Costa Rica và mới đây là từ Malaysia về Việt Nam.

Năm 2006, Intel vào Việt Nam với vốn ban đầu chỉ 300 triệu USD, nhưng 10 tháng sau, đã quyết định tăng lên thành 1,2 tỷ USD. Đó là số vốn khổng lồ so với các dự án FDI khác ở thời điểm đó.

Ít ai biết rằng, Intel là một ngoại lệ đặc biệt trong gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

GS Nguyễn Mại, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác Nhà nước về đầu tư, kể: "Intel đưa ra 29 điểm yêu cầu Chính phủ Việt Nam đáp ứng. Thế nhưng trong đó, chỉ có 6-7 điểm là phù hợp với luật lệ của Việt Nam bấy giờ, có 3-4 điểm hoàn toàn trái với pháp luật Việt Nam. Còn lại, một số nội dung của Intel đưa ra phía Việt Nam sẽ phải cân nhắc”.

{keywords}

Tập đoàn Intel tuyên bố sẽ biến Việt Nam thành một cứ điểm sản xuất chip cho toàn cầu.

"Đáng lưu ý nhất là, Intel đòi Việt Nam hỗ trợ tới... 90 triệu USD thì mới vào Việt Nam", ông Mại nhớ lại.

Thời điểm đó, GS Nguyễn Mại là Tổ trưởng tổ đặc nhiệm chuyên trách dự án của Intel, do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo với mục tiêu duy nhất là mời bằng được Intel vào Việt Nam.

"Nếu để Intel đi làm việc với các bộ, thì đến Bộ Tài chính, họ ngán về thuế, đến Bộ Tài nguyên và môi trường, họ sẽ ngán về vấn đề môi trường, và đến hải quan, rõ ràng, thủ tục lúc đó rất phiền hà. Tổ đặc nhiệm làm việc thẳng với Intel để tránh khỏi mọi hạn chế trên", ông giải thích.

Cũng phải nói thêm rằng, năm 2004- 2006, Việt Nam khát vốn đầu tư, tăng trưởng nóng nhưng chưa có một nhà đầu tư lớn nào của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao. Intel càng trở nên nổi bật và quan trọng. Cơ hội không thể vuột mất khi hãng này tuyên bố vào năm 2004, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam là 4 nước đang được Tập đoàn cân nhắc mở nhà máy trong vòng 18 tháng tới.

GS Mại bật mí: "Cuối cùng, sau nhiều lần đàm phán thương thảo, Intel đã chọn Việt Nam, bằng lòng với 3-4 điểm không thể đáp ứng. Song, quan trọng nhất, Intel đã được hỗ trợ tài chính 50 triệu USD. Đổi lại, hãng đã tăng vốn lên 1,2 tỷ USD, sử dụng 3.200 kỹ sư tại Việt Nam...".

"Đây là chuyện vô tiền khoáng hậu trong việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam từ trước tới nay. Mặc dù, với nhiều quốc gia, việc Chính phủ hỗ trợ tài chính để mời các tập đoàn lớn vào là bình thường", GS Mại nhấn mạnh.

Chất vốn Mỹ

Phải nói rằng, các tập đoàn lớn hàng đầu của Mỹ có sức ảnh hưởng rất lớn. Các nhà đầu tư của Mỹ luôn được định hình là giàu tiềm lực tài chính, trình độ cao, đẳng cấp nhất thế giới. Và khi Mỹ đã chọn ai đó thì cũng tín hiệu xanh cho các nhà đầu tư quốc gia khác có thể tin tưởng bỏ vốn vào. Cũng bởi thế, không chỉ Intel, nhiều tỷ phú Mỹ tới Việt Nam thường tỏ ra khó tính với vị thế "chiếu trên".

{keywords}

Microsofl đã có kế hoạch tăng vốn chóng mặt ở Việt Nam

Năm 2014, sau khi mua lại Nokia, Microsolt đã quyết định chuyển hẳn 39 dây chuyền sản xuất điện thoại smartphone từ Trung Quốc, Hungary và Mexico về Việt Nam. Đúng giai đoạn này, Thông tư 20 của Bộ KHCN chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 20/9/2014 với yêu cầu, chỉ được nhập dây chuyền cũ có thời hạn 5 năm trở lại và còn mới 80%.

Nhưng cuối cùng, chính vì Microsoft, trước giờ G, Thông tư 20 đã bị hoãn và cho đến nay, Bộ KHCN vẫn còn đang gặp nhiều ý kiến phản đối dự thảo sửa đổi Thông tư này.

Bù lại, Microsoft đã có kế hoạch tăng vốn chóng mặt ở Việt Nam, từ 150 triệu USD lên 300 triệu USD năm 2014, và sẽ tiếp tục tăng lên 1,5 tỷ USD năm 2016. Nhà sản xuất phần mềm lâu đời nhất thế giới này đã công bố chủ trương biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

Một tỷ phú khác của Mỹ cũng gây nhiều ấn tượng đình đám là trùm sòng bài LasVegas Sand. Năm 2012, tập đoàn này đã đến Việt Nam để tìm hiểu đầu tư casino. Trong lúc, tiêu chí phải đầu tư 4 tỷ USD để được cấp phép dự án casino còn đang gây tranh cãi thì trùm sòng bài Mỹ tuyên bố, 4, hay 6 tỷ USD không thành vấn đề mà quan trọng, Việt Nam có đáp ứng được điều kiện của họ không. Ban đầu, Tập đoàn này cũng đưa ra tới 9 điểm, nhưng rồi thương thảo qua nhiều năm, chỉ còn lại 2 điểm là hành lang pháp lý và vấn đề cho người Việt vào chơi.

Cho đến nay, LasVegas Sand vẫn chưa thể rót vốn vào Việt Nam vì tỷ phú này muốn xây casino ở TP.HCM thay vì vào Vân Đồn hay Phú Quốc như Việt Nam mong muốn. Song, đó vẫn là cái tên nổi bật trong làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

GS Nguyễn Mại chia sẻ, các DN Mỹ làm ăn nghiêm túc dựa trên tính tuân thủ pháp luật tối cao. Bởi vậy, Việt Nam sẽ phải cải cách rất nhiều, khắc phục những hạn chế lớn như vi phạm sở hữu trí tuệ, minh bạch chính sách pháp luật, chống tham nhũng thì mới tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước này yên tâm vào đầu tư.

Đó có lẽ cũng là lý do khiến sau Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA) năm 2001, vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam không bùng nổ như xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Tuy nhiên, nếu cộng cả vốn gián tiếp đầu tư qua nước thứ ba thì vốn Mỹ thực sự sẽ lớn hơn nhiều con số 11 tỷ USD.

Tính đến tháng 3/2015, vốn FDI của Mỹ đạt hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 735 dự án còn hiệu lực. Quy mô vốn bình quân khoảng 15 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức bình quân chung 14,5 triệu USD/dự án.

25 trong Top 500 công ty hàng đầu của Mỹ có mặt ở Việt Nam gồm Intel, Chevron, Starwood Hotels & Resorts, Citigroup & American Group, New York & Company, Alfonso DeMatteis, Dickerson Knight Group, AIA...

Trước năm 2001 (trước BTA), nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ đã đến Việt Nam như Pepsico, Coca-Cola, Cargil, 3M, P&G, Kimberly-Clark..., xây dưng nhà máy tranh thủ ưu thế nhân công giá rẻ. Gần đây, các công ty nhượng quyền thương mại của Mỹ đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam: KFC, Subway, Burger King, Coffee Bean & Tea Leaf, Pizza Hut, Pizza Domino.

Phạm Huyền