Tại Anh và Mỹ, phòng an toàn là một thị trường ngách đang trên đà tăng trưởng trước những lo ngại của giới tài phiệt, giới doanh nghiệp và những người nổi tiếng về nạn trộm cướp, khủng bố, bắt cóc...

Nhu cầu phòng an toàn tăng vọt sau vụ khủng bố ngày 11-9

Tại Mỹ, cách đây vài thập niên, chỉ những ngôi sao giải trí hạng A mới quan tâm đến việc thiết kế phòng an toàn trong nhà của họ. Mục đích chính là nhằm bảo vệ bản thân trong trường hợp nhà của họ bị những fan cuồng đột nhập.

Ngày nay, phòng an toàn trở nên phổ biến đối với giới nhà giàu vì họ muốn đề phòng các bất ổn dân sự tiềm tàng có thể khiến tỷ lệ tội ác tăng vọt, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

Theo báo New York Times (Mỹ), nhu cầu của giới siêu giàu Mỹ về loại phòng an toàn có khả năng chống đạn với chiều ngang 2,4 mét, chiều sâu 3,6 mét đang tăng cao.

{keywords}

Một phòng an toàn tiện nghi (theo thiết kế của công ty Gaffco Ballistics) được trang bị mặt nạ chống hơi độc, bình chữa cháy, điện thoại cố định, màn hình theo dõi hình ảnh từ camera, hộp y tế... - Ảnh: Gaffco.com

Ông Tom Gaffney, Chủ tịch công ty Gaffco Ballistics (chuyên xây lắp phòng an toàn ở thành phố New York) nói: "Ngày nay, thế giới đang trở thành một nơi đáng sợ, đặc biệt là đối với những người có của cải".

Ông cho biết sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, công ty ông nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Trước đó, công ty ông chỉ xây lắp 25 phòng an toàn mỗi năm nhưng chỉ trong vòng 12 tháng sau vụ khủng bố 11-9, số đơn đặt hàng tăng vọt lên 200.

Mỗi căn phòng an toàn do công ty Gaffco Ballistics lắp đặt có giá từ 150.000 USD (khoảng 3,3 tỷ đồng) đến 600.000 USD (khoảng 13 tỷ đồng) tùy theo mức độ kiên cố và tối tân.

Tom Gaffney nói: "Nếu bạn bỏ ra 30 triệu USD để xây nhà thì chi khoảng 200.000 USD cho một phòng an toàn không phải là số tiền quá lớn".

Giới siêu giàu Anh chi khủng để xây phòng an toàn

Trong khi đó, tại Anh, Công ty xây lắp phòng an toàn The Panic Room cũng chứng kiến nhu cầu của khách hàng tăng vọt, đặc biệt là giới siêu giàu ở London.

Ông Paul Weldon, chủ công ty The Panic Room cho biết khi càng giàu có, con người càng lo ngại về an toàn bản thân.

Ông nói: "Họ lo ngại rằng một vụ trộm biến thành điều gì đó tồi tệ hơn. Chẳng hạn khi tên trộm đang lục lọi tìm tiền của nhưng bị những người trong nhà phát hiện, y có thể đâm hay bắn những người trong nhà hoặc bắt cóc trẻ nhỏ làm con tin. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi khuyên mọi người vào hãy vào phòng an toàn rồi liên lạc với cảnh sát để kêu cứu. Phải giữ an toàn cho mọi người trong nhà và cứ để mặc những kẻ xâm nhập lục lọi căn nhà".

{keywords}

Phòng an toàn mẫu của công ty The Panic Room được trưng bày tại một cuộc triển lãm chống khủng bố ở London - Ảnh: thepanicroomcompany.com

Paul Weldon cho rằng điều quan trọng nhất của một căn phòng an toàn là phải có hệ thống liên lạc tốt. Đó có thể chỉ đơn giản là một chiếc điện thoại di động hay máy tính bảng iPad hoặc cao cấp hơn là điện thoại vệ tinh dùng để giữ liên lạc với cảnh sát hoặc lực lượng vệ sĩ riêng. Những căn phòng an toàn đắt tiền có hệ thống điện nước độc lập và có hệ thống lọc không khí để giúp ngăn khí độc.

Hầu hết các siêu biệt thự ở London đều có phòng an toàn. Giá trung bình của mỗi phòng an toàn ở các siêu biệt thự này khoảng 60.000 bảng (khoảng 2 tỷ đồng), thậm chí có loại phòng an toàn trị giá đến 2 triệu bảng (67 tỷ đồng) nếu như được trang bị tối tân bao gồm khả năng chống bom nguyên tử.

Một nhân viên môi giới bất động sản ở London nói: "Số tiền đó có thể là rất lớn đối với bạn hoặc tôi nhưng nếu người ta đã bỏ ra 15 triệu bảng để xây nhà thì số tiền đó không quá lớn".

Thoát chết nhờ phòng an toàn

Trong thực tế, phòng an toàn đã cứu sống chủ nhà trong nhiều trường hợp nguy cấp.

Họa sĩ người Đan Mạch Kurt Westergaard, người gây ra làn sóng phẫn nộ từ thế giới Hồi giáo vì vẽ tranh châm biếm đấng tiên tri Muhammad vào năm 2005, từng thoát chết nhờ phòng an toàn.

Ngày 1-1-2010, một người đàn ông Hồi giáo gốc Somalia cầm một cây rìu và một con dao xông vào tư gia của họa sĩ Kurt Westergaard ở thành phố Aarhus để "xử" ông vì dám xúc phạm đấng tiên tri Muhammad.

{keywords}

Họa sĩ người Đan Mạch Kurt Westergaard từng thoát chết nhờ phòng an toàn - Ảnh: Henning Bagger

Khi thấy kẻ đột nhập ở hành lang, ông Westergaard đã nhanh chân chạy vào trốn trong phòng tắm vốn đã được gia cố để làm phòng an toàn. Kẻ đột nhập đã dùng rìu phá cánh cửa phòng tắm nhưng không thành. Trong lúc y điên cuồng tìm cách phá cửa và la hét đòi trả thù, Westergaard đã liên lạc với cảnh sát địa phương. Sau đó, cảnh sát đã đến và tóm gọn kẻ đột nhập sau khi bắn hắn bị thương.

Trong một trường hợp khác, phòng an toàn đã khiến cảnh sát vất vả để tóm tội phạm.

Năm 2012, cảnh sát New Zealand đã đến lâu đài của Kim Schmitz, người sáng lập trang web chia sẻ dữ liệu Megaupload.com ở Coatesville (New Zealand) để bắt giữ y sau khi y và các đồng phạm bị cáo buộc vi phạm bản quyền trị giá đến 500 triệu USD.

Thay vì ra đầu hàng, y đã cố thủ trong phòng an toàn rất kiên cố. Vì căn phòng được khóa nhiều lớp khóa điện tử nên để bắt được y, cảnh sát phải mất 30 phút mới phá được cánh cửa phòng an toàn bằng các thiết bị chuyên dụng.

Phòng an toàn có lịch sử từ thời Ai Cập cổ đại. Trong các kim tự tháp cổ, các căn phòng bí mật đã được xây dựng nhằm bảo vệ châu báo của các pharaoh (vua Ai Cập). Tuy nhiên, xét về mục đích sử dụng để bảo vệ tính mạng thì phòng an toàn thực sự xuất hiện trong thời Trung cổ ở châu Âu.

Trong các lâu đài được xây vào thời kỳ này, tháp canh lâu đài (castle keep) là căn phòng nằm ở phần sâu nhất của lâu đài. Nó được thiết kế kiên cổ để làm nơi nương náu cuối cùng của các địa chủ phong kiến khi bị kẻ thù bao vây. Một số tháp canh có tầm quan trọng về mặt chính trị và quân sự phải mất 10 năm mới xây xong.

Ngoài ra, lỗ ẩn nấp của linh mục (priest hole) cũng là một tiền thân khác của phòng an toàn. Lỗ ẩn nấp của linh mục được thiết kế nhằm làm nơi che giấu các linh mục trong suốt thế kỷ 17 khi cuộc thanh trừng Công giáo lên đỉnh điểm.

(Theo Công an TP.HCM)