Hàng loạt lãnh đạo cao cấp các ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam xin rút lui trong bối cảnh nhiều ngân hàng có biến động mạnh khi tái cơ cấu.

Tự nguyện rút lui

Chỉ trong một ngày, hai chủ tịch của hai NHCP khá nổi tiếng đã cùng xin rút lui tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên muộn vừa diễn ra cho dù nội dung bầu lại nhân sự cao cấp chưa có trong chương trình nghị sự.

Ngày 21/7, tại ĐHCĐ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á - DongABank (DAF), Chủ tịch DongABank Cao Sỹ Kiêm đã xin từ chức vì lý do cá nhân sau hơn một năm đảm nhận vai trò này. Ông Kiêm cũng đồng thời rút khỏi HĐQT của NH này.

Quyết định rút khỏi HĐQT DongABank của ông Cao Sỹ Kiêm bất ngờ nhưng thực tế cũng khá dễ hiểu bởi 2015 là năm HĐQT DongABank hết nhiệm kỳ và cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) này cũng đã 74 tuổi. DongABank sẽ phải bầu lại HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020.

Bên cạnh đó, các biến động tại NH này liên quan tới việc tăng vốn, mua bán sáp nhập, cổ đông chiến lược… cũng có thể là các yếu tố quyết định rất nhiều tới đường hướng, chiến lược phát triển mà qua đó liên quan tới việc lựa chọn người đứng đầu NH cho một giai đoạn mới. Ông Cao Sỹ Kiêm hiện không nắm giữ cổ phiếu DAF và tham gia vào HĐQT DongABank với tư cách thành viên độc lập từ đầu năm 2012.

Cũng trong 21/7, một nhân vật nổi tiếng, chủ tịch Lê Hùng Dũng đã không ứng cử nhiệm kỳ HĐQT mới tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu - Eximbank (EIB). Lý do được ông Hùng Dũng đưa ra là EIB năm 2014 hoạt động chưa khả quan và ông Dũng thay mặt HĐQT xin lỗi cổ đông.

{keywords}

Hàng loạt lãnh đạo cao cấp các ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam xin rút lui.

Trước đó, tại ĐHCĐ bất thường của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) sáng 15/7, ông Nguyễn Quốc Toàn cũng đã từ nhiệm vị trí chủ tịch tại NH của gia đình mình. Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Toàn. Quyết định rút lui của ông Toàn khá bất ngờ bởi NamABank đang hoạt động tốt: lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm tăng gần 100% so với cùng kỳ; nợ xấu ở mức 1,3%. Ông Toàn hiện sở hữu 15 triệu cổ phiếu NamABank, tương đương 5% vốn điều lệ NH. Các thành viên gia đình và những người liên quan của ông Toàn đang nắm giữ cả chục phần trăm cổ phần tại đây.

Trước đó, sau nhiều lần nộp đơn xin từ chức, TGĐ Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Phạm Duy Hiếu đầu tháng 5 vừa qua cũng đã chính thức rút lui khỏi NH của đại gia Vũ Văn Tiền

Tại Eximbank, trong vòng 2 năm qua, NH này đã có 3 lần thay TGĐ và người đương nhiệm hiện nay - ông Phạm Hữu Phú vừa cho biết tại ĐHCĐ 2015 cũng cho biết ông sẵn sàng xin từ chức nếu cổ đông yêu cầu.

Áp lực lớn

Trước đó, hồi đầu tháng 4, bà Đào Thị Thúy cũng đã thôi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT OceanBank sau khi NHNN tiếp quản NH này. Cũng khoảng thời gian này, ông Trần Ngô Phúc Vũ rời ghế TGĐ NamABank sau hơn 2 năm nắm giữ chức vụ này.

{keywords}

Áp lực giải quyết nợ xấu, xử lý sở hữu chéo trong hệ thống cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi nhân sự cấp cao ở nhiều ngân hàng.

Trong năm 2014, làn sóng thay đổi dàn lãnh đạo cao cấp đã diễn ra trong lĩnh vực NH, ở cả khối các NHTM nhà nước lẫn tư nhân. Nhiều NĐT cho rằng, làn sóng thay đổi lãnh đạo cao cấp trong lĩnh vực NH có thể liên quan tới vận hạn đen tối của hàng loạt các đại gia buôn tiền trong các năm vừa qua. Hàng loạt các chủ tịch và TGĐ bị đã có ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định rút lui của các nhà lãnh đạo, nhất là các chủ tịch và CEO làm thuê.

Cựu lãnh đạo một NH đã từng ở trong tình trạng như vậy cho biết, ông muốn rút lui khỏi lĩnh vực NH và ra làm riêng bởi áp lực lớn. Gánh nặng của các chữ ký đối các khoản cho vay, đối với các chính sách nhằm huy động vốn theo yêu cầu của các ông NH luôn là điều ám ảnh.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp trong ngành NH liên quan tới quá trình tái cơ cấu, trong đó có sáp nhập, hợp nhất, thay đổi chủ sở hữu… Áp lực giải quyết nợ xấu, xử lý sở hữu chéo trong hệ thống cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Sự thay đổi dành lãnh đạo sắp tới tại DongABank có thể liên quan nhiều tới biến động cổ đông lớn. CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 là một cái tên rất mới. DN này hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu 50 triệu cổ phiếu DAF (tương đương 10% VĐL). Quyết định đổ 1.000 tỷ vào DongABank của bánh kẹo Kinh Đô và mối duyên chưa sáng tỏ với ABBank cũng là yếu tố sẽ quyết định nhiều tới định hướng phát triển và dàn lãnh đạo của NH.

Tại Eximbank, trong danh sách 6 ứng viên được đề cử cho nhiệm kỳ mới, có khá 2 cái tên quen thuộc đến từ NamABank gồm: nguyên TGĐ, thành viên HĐQT NamABank Trần Ngô Phúc Vũ (được ủy quyền biểu quyết 10%) và nguyên Phó TGĐ Trần Ngọc Tâm (10,4%).

Thông tin về khả năng sáp nhập Eximbank và NamABank có thể phần nào giải thích được cho những biến động nhân sự cao cấp tại cả 2 NH này.

Trong vài năm gần đây, làn sóng thay lãnh đạo cấp cao trong hệ thống NH liên quan khá nhiều tới những yếu kém trong quản lý, liên quan tới những sai phạm như tại VNBC, OceanBank, PGBank… Quá trình tái cơ cấu trong hệ thống cũng dẫn tới sự ra đi, rút lui của nhiều nhà lãnh đạo, đồng thời xuất hiện nhiều ông chủ, lãnh đạo mới như: ông Võ Quốc Thắng, Đỗ Minh Phú, Phương Hữu Việt, Trầm Bê…

M.Hà