- Các nhà đầu tư trên thế giới đang thờ ơ với vàng, không còn ham hố tích trữ, thậm chí còn ồ ạt bán ra khiến giá mặt hàng này giảm chóng mặt và được dự báo còn giảm thêm nữa trong thời gian tới. Trong khi đó, người Việt vẫn tiếp tục cầm giữ dù giá vàng trong nước vẫn đắt hơn thế giới hơn triệu đồng.

Bán tháo trăm tấn vàng

Sau 6 năm giữ kín thông tin mua bán vàng, giữa tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã bất ngờ công bố tổng số lượng vàng dự trữ đạt 1.658 tấn. Mức dự trữ này thấp hơn nhiều so với hàng loạt các dự báo của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới.

Một dự báo gần nhất trên Bloomberg cho rằng, sau 6 năm, khối lượng vàng của Trung Quốc từ mức 1.054 tấn hồi năm 2009 đã có thể lên tới 3.500 tấn, tức tăng gần 2.500 tấn, tương đương với mức mua ròng khoảng 400 tấn/năm. Societe Generale SA còn cho rằng, dự trữ vàng của Trung Quốc có thể đã lên 5.000 tấn.

Thực tế cho thấy, cho dù dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này không ngừng tăng và đã đạt mức cao kỷ lục 3.950 tỷ USD tính tới cuối quý I/2015 nhưng lượng vàng mua vào nước này hàng năm chỉ đạt 100 tấn, tức khoảng 600 tấn trong vòng 6 năm qua.

Sáng 20/7, tại Thượng Hải, gần 5 tấn vàng, tương đương 20% khối lượng giao dịch bình quân một ngày, đã được bán ra trong vòng hai phút. Áp lực từ những thông tin như vậy và sức cầu thấp đã khiến giá vàng có lúc trong khoảnh khắc đã giảm tới 4%.

{keywords}

Các nhà đầu tư trên thế giới đang ồ ạt bán ra khiến giá vàng giảm chóng mặt và được dự báo còn giảm thêm nữa trong thời gian tới.

Theo CNBC, tính từ đầu năm tới nay, nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc đã giảm 9%. Trên toàn thế giới, nhu cầu vàng xu, vàng thỏi cũng giảm khoảng 17%.

Còn tại của SPDR Gold Trust, dự trữ vàng của quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới này cũng đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008 khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tính tới ngày 22/7, SPDR đang nắm giữ hơn 700 tần vàng, thấp hơn nhiều so với mức 2.620 tấn hồi cuối 2012.

Trong khi vàng xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua, dưới ngưỡng 1.100 USD/ounce, nhu cầu tiêu thụ tại châu Á, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc cũng không hề cải thiện, thậm chí còn được Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council) dự báo có thể sẽ còn giảm mạnh.

Chưa thoát áp lực giảm giá

Cho dù đã xuống dưới ngưỡng 1.100 USD/ounce, vàng được dự báo sẽ còn giảm giá. Morgan Stanley thậm chí còn cho rằng, với kịch bản xấu nhất, vàng có thể rơi xuống mức 800 USD/ounce do giới đầu tư không còn mặn mà với mặt hàng này trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu nâng lãi suất.

{keywords}

Trong nước, vàng nhìn chung vẫn giảm theo đà đi xuống của vàng thế giới.

Standard Chartered, trong khi đó, chỉ đưa ra dự báo vàng sẽ còn giảm. Một số chuyên gia trên CNBC cho biết, theo phân tích kỹ thuật, giá vàng đã phá vỡ xu hướng tăng dài hạn kéo dài từ năm 2000 cho tới 2011. Vàng đã rơi vào xu hướng giảm dài hạn, bắt đầu được 4 năm qua và hướng dần về ngưỡng trung bình 200 tuần là 805 USD/ounce.

Đóng cửa phiên giao dịch 22/7, vàng giá thế giới đã giảm 10 phiên liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất trong vòng 20 năm qua.

Xu hướng không tránh khỏi của vàng vẫn là giảm theo đà tăng giá của đồng USD. Chỉ số đồng dollar index đã tăng 8% từ đầu năm tới nay nhưng vẫn trên đà tăng tiếp. Đồng bạc xanh này sẽ còn tăng khi mà kinh tế Mỹ phục hồi và Fed nâng lãi suất. Hiện tượng lạm phát thấp toàn cầu đã làm cho vàng bỗng dưng không còn là ưu tiên của giới đầu tư.

Bên cạnh đó, việc thế giới đang đối mặt với ít thông tin xấu hơn như các cuộc khủng hoảng tài chính và địa chính trị… cũng có tác động không nhỏ tới sức cầu vàng với tư cách là một loại tài sản mang tính phòng thủ.

Tình hình khủng hoảng ở Hy Lạp đã lắng dịu. Quốc hội nước này đã thông qua các biện pháp cải cách khắc khổ của nhóm chủ nợ quốc tế. Trong khi đó Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bắt đầu nới rộng các khoản vay. Các ngân hàng Hy Lạp mở cửa trở lại.

Sự phục hồi của kinh tế Nga và thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và 6 cường quốc hồi giữa tháng 7 cũng là yếu tố tác động tiêu cực lên giá vàng.

Trên thực tế, cung cầu là yếu tố cuối cùng quyết định tới giá của một mặt hàng. Vàng vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong dự trữ của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới. Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc vẫn đang mua vàng vào. Tuy nhiên, điều quan trọng là khối lượng mua không nhiều, trong khi đó các tổ chức, trong đó có những quỹ tín thác vàng như SPDR vẫn đang bán ra rất mạnh. Hàng loạt các doanh nghiệp khai thác vàng gần đây chứng kiến giá cổ phiếu tụt giảm nghiêm trọng cho dù sản lượng khai thác không hề giảm.

Trong nước, vàng nhìn chung vẫn giảm theo đà đi xuống của vàng thế giới. Cũng như ở nhiều nước khác, lạm phát thấp đã khiến nhu cầu mua vàng yếu kém. Các chính sách không khuyến khích nắm giữ vàng cùng với mức chênh lệch trên 3 triệu đồng/lượng (so với giá vàng thế giới quy đổi) cũng là yếu tố khiến giao dịch trầm lắng.

M.Hà