- Giá dầu lao dốc chưa có điểm dừng khiến nhiều tập đoàn và doanh nghiệp toàn cầu lao đao, trong đó có nhiều nhà tài phiệt khí đốt Nga. Nguy cơ nước Nga rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới lại cận kề.

Đại gia khí đốt gặp khó

Tập đoàn Gazprom của Nga vừa công bố số liệu về sản lượng khí gas sản xuất trong tháng 6/2015 tụt giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng gas giảm gần 13%. Doanh thu dự kiến của Gazprom năm nay sẽ đạt khoảng 106 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 146 tỷ USD của 2014.

Lý do dẫn tới sự sụt giảm về sản xuất, doanh thu của Gazprom không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc xung đột về giá khí đốt cung cấp cho Ukraine và sự tụt giảm mạnh giá dầu khí trên thị trường toàn cầu.

Trong một đánh giá gần đây trên Reuters, thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD của Nga thông qua gã khổng lồ Gazprom cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) không hẳn là món hời cho tập đoàn của Nga. Gazprom có thể chỉ hòa vốn, thậm chí còn thua lỗ.

{keywords}

Theo tin mới nhất trên Bloomberg, Rosneft - công ty dầu khí Nga có sản lượng lớn nhất thế giới - vừa thu về 1,1 tỷ USD sau khi bán cổ phần cho một tập đoàn do các nhà đầu tư Trung Quốc đứng đằng sau.

Theo đó, Skyland Petroleum Group - tập đoàn vừa được thành lập 9 tháng trước tại Cayman Islands, hiện có 30 nhân viên - đã đạt được thỏa thuận hợp tác với OAO Rosneft và BP Plc. Theo người sáng lập và là chủ tịch tập đoàn này, Briton David Robson, những người đứng sau Skyland là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác.

Trước đó, cũng theo hãng tin này, Tổng thống Nga Putin đang tìm cách trưng dụng OAO Surgutneftegas - công ty của một đại gia dầu khí tư nhân tại Siberia - nhằm hồi sinh Tập đoàn Rosneft và giải quyết những khó khăn tài chính của chính phủ. Nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn để nhằm giúp Rosneft trả khoản nợ trị giá 23,5 tỷ USD sắp đến hạn.

Hồi đầu năm nay, dưới áp lực của các lệnh trừng phạt phương Tây và “cơn sóng thần” giá dầu tụt giảm, hàng loạt DN liên quan tới dầu khí tại Nga bị thiệt hại. Ông chủ của các tập đoàn này chịu tổn thất lớn. Chủ tịch Leonid Mikhelson của Công ty sản xuất khí đốt Novatek chứng kiến tài sản sụt giảm gần 50%, xuống dưới 9 tỷ USD. Tài sản của chủ tịch tập đoàn dầu mỏ lớn của Nga Lukoil, ông Vagit Alekperov, cũng giảm tới 4,9 tỷ USD trong năm 2014.

{keywords}
Giá dầu tụt giảm liên tục trong mấy ngày qua

Áp lực dài hạn

Trong phiên giao dịch 3/8, giá dầu thô trên thị trường New York bất ngờ giảm 4,1%, xuống gần 45 USD/thùng. Tới sáng 5/8, trên thị trường châu Á, giá dầu hồi phục nhẹ lên trên ngưỡng 46 USD/thùng. Tuy nhiên, giao dịch khá trầm lắng do giới đầu tư lo ngại dầu có thể còn giảm giá.

Theo Sputnik, thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran (Iran) là nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh trong vài ngày qua.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran có thể khơi mào một cuộc chiến giá dầu mới. Nếu lệnh trừng phạt chống Iran được gỡ bỏ và thị phần dầu mỏ Iran tăng lên thì giá dầu có thể còn sụt giảm mạnh.

Hơn một năm qua, cuộc chiến dầu khí giữa Mỹ - Nga - OPEC khiến giá dầu cuối năm 2014 xuống mức thấp nhất 5 năm qua. Tình trạng ứ thừa nguồn cung khiến mặt hàng chiến lược, vốn được coi là tối quan trọng với hầu hết các nền kinh tế này, mất 70% giá trong vòng hơn một năm.

Sự đột phá về công nghệ khai thác dầu khí đá phiến đã khiến Mỹ trở thành nước khai thác dầu lớn nhất thế giới. OPEC trong khi đó không muốn đánh mất thị phần vào tay Mỹ. Còn Nga không thể giảm bán dầu và khí bởi đây là nguôn thu chính của ngân sách nhà nước. 

{keywords}

Thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD của Nga thông qua gã khổng lồ Gazprom cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) không hẳn là món hời cho tập đoàn của Nga.

Giá dầu đã tăng trở lại quý II/2015, có những lúc đã lên trên ngưỡng 60 USD/thùng. Tuy nhiên, mặt hàng này đã quay đầu giảm trở lại và có thể còn giảm sâu hơn nữa trong bối cảnh nguồn cung vẫn dồi dào và các nền kinh tế lớn trên thế giới, ngoại trừ Mỹ vẫn đang chìm ngập trong khó khăn.

Theo hãng tin RIA Novosti, trong nhiều năm qua, Iran đã tích lũy được một khối lượng lớn dầu thô, do vậy, nếu được mở cửa xuất khẩu trở lại thì nguồn cung dầu thế giới sẽ còn tăng mạnh và giá dầu có thể còn xuống thấp trong thời gian dài trước mắt.

Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Unicredit, cuộc chiến dầu khí với kết quả là giá giảm mạnh, được đánh giá sẽ đẩy Nga rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới, có thể vào năm 2017.

Tình cảnh bi đát của các tập đoàn lớn như Gazprom và Rosneft sẽ khiến Nga rơi vào tình trạng thiếu tiền vào cuối 2016. Sản lượng trong tháng 6 vừa qua của Gazprom đã xuống mức thấp nhất kể từ khi DN này thành lập sau Chiến tranh Lạnh.

Theo JP. Morgan, riêng Gazprom đóng góp tới 10% vào GDP của Nga và 20% nguồn thu ngân sách của chính quyền ông Putin. Tình trạng sụt giảm doanh thu của Gazprom có thể còn kéo dài vài năm trước khi tập đoàn này hưởng lợi từ dự án khí đốt ký kết với Trung Quốc.

Hiện một nửa số thuế thu nhập của Nga đến từ dầu và khí. Lạm phát cơ bản của Nga đã lên tới 16,7% và thu nhập thực tế giảm 8,4% trong một năm qua. Những con số này xấu hơn nhiều so với thời kỳ Nga bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thế giới 2008, sau vụ Lehman. Đây là áp lực rất lớn đối với Tổng thống Putin.

V. Minh