- Khi quỹ NSNN thiếu hụt tạm thời thì tạm ứng từ NHNN chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thể tạm ứng được từ quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Bộ Tài chính vừa có đưa ra đề xuất vay 30.000 tỉ đồng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung cho ngân sách nhà nước (NSNN). Sẽ không có nhiều tranh luận nếu như mức đề xuất không phải là 30.000 tỷ đồng, một con số đáng kể xét về mặt cung tiền tệ hiện nay. Đặc biệt. trong thời điểm cảnh báo thâm hụt ngân sách chính phủ có thể cao hơn nhiều so với dự kiến và nợ công 110 tỷ USD như theo Ngân hàng Thế giới đang được cho là cao và nhiều rủi ro.

Cho vay hay không có thể là một thách thức thực sự cho chính sách quản lý tiền tệ của NHNN.

Biện pháp cuối cùng

Trên thế giới, việc chính phủ vay NHTW không hiếm. Tuy nhiên, việc vay này thường chỉ giới hạn ở vay tạm ứng (rất ngắn hạn) hoặc vay cho nhu cầu ổn định nguồn thu khi thu thuế không ổn định. Tức là vay khi thu thuế ít và sẽ trả lại khi khoản thu từ thuế tăng. Các khoản văn thường được dứt điểm trong một năm tài chính.

Ở Việt Nam, theo Điều 23 Luật Ngân sách 2002 cũng như Nghị định 60/2003/NĐ-CP có quy định NHNN có nghĩa vụ/quyền hạn “Tạm ứng cho ngân sách nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ NSNN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

{keywords}
Luật cho phép NSNN vay từ NHNN nhưng còn thiếu nhiều quy định.

Điều 60 của Nghị định hướng dẫn cũng ghi rõ: Các khoản tạm ứng từ NHNN phải được hoàn trả trong năm ngân sách.

Điều 59 của Luật Ngân sách khi quỹ NSNN thiếu hụt tạm thời thì tạm ứng từ NHNN chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thể tạm ứng được từ quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Điều đáng tiếc là trong Luật Ngân sách 2002, cũng như trong Luật ngân sách sửa đổi 2015 (có hiệu lực từ 2017), không có quy định về Chính phủ (hoặc cơ quan trực thuộc như Bộ Tài chính) có quyền hay không vay NHNN trên mức tạm ứng , với thời hạn dài hơn tạm ứng. Luật và các văn bản hướng dẫn cũng không quy định lãi suất của tạm ứng và cho vay từ NHNN.

Trong khi đó các nước khác trên thế giới, hầu hết luật pháp quy định rõ việc NHNN cho chính phủ vay và tạm ứng như thế nào. Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2012, trong tổng số 152 nước trên thế giới được nghiên cứu, hai phần ba hoặc cấm ngân hàng trung ương cho chính phủ vay hoặc hạn chế ở vay ngắn hạn. Số còn lại cho phép NHTW cho chính phủ vay, quy định rõ các khoản cho vay chỉ được kéo dài tối đa 6 tháng, một vài nước cho tối đa 1 năm.

Khi đã luật hóa việc NHTW cho chính phủ vay, các nước đều quy định các khía cạnh cụ thể gồm: khối lượng tạm ứng tối đa; khối lương cho vay tối đa; ai quyết định các điều kiện vay; đối tượng hưởng lợi; thời hạn vay; và lãi suất.

Như vậy nếu so với luật pháp của các nước trên thế giới, rõ ràng Luật Ngân sách Việt Nam có những thiếu hụt rõ rệt về quản lý NHTW cho vay Chính phủ.

Hãy coi chừng?

Như vậy, với quy định hiện hành, không có quy định nào cấm NHNN cho Bộ Tài chính vay, cũng chưa có quy định về mức tối đa được vay, thời hạn vay, lãi suất hay các điều kiện cho vay, điều kiện hoàn trả. Chỉ có quy định phải hoàn trả tạm ứng trong cùng năm tài khóa.

Nhưng hãy coi chừng, có những hệ quả để lại nếu cho vay không thích hợp. Vay không thích hợp ở đây là vay nhiều, thời gian dài, tiêu không hiệu quả và không thanh toán đúng hạn.

{keywords}
Nguồn thu ngân sách khó khăn dự báo còn kéo dài.

Theo quy luật, một chính phủ chỉ đi vay để bù đắp bội chi ngân sách. Việc đi vay nên thông qua phát hành tín phiếu, trái phiếu hoặc vay của các quỹ dự trữ, hay nói cách khác là “tiền phải chuyển từ túi này sang túi khác” để tránh ảnh hưởng tới cung tiền tệ.

Nếu NHNN quyết định cho ngân sách vay, đây là hình thức tăng cung tiền, vì NHNN không có nguồn nào khác mà phải in thêm tiền để cho vay. 30000 tỷ là khoản vay không nhỏ. Điều này ảnh hưởng tới dư địa kiểm soát lạm phát và điều hành tỷ giá của NHNN.

Nếu Chính phủ không chỉ vay một mà nhiều lần, không thanh toán đầy đủ các khoản vay, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức tín nhiệm của NHNN, tính độc lập của NHNN, một thành phần quan trọng để đạt được chính sách tiền tệ hiệu quả.

Ngân sách nhà nước năm 2015 được dự toán với mức thu là 911,1 nghìn tỷ đồng, trong khi mức chi là 1147,1 nghìn tỷ đồng.

Như vậy ước tính thâm hụt có thể vượt các mức mà Quốc hội yêu cầu trong khi kỷ luật tài khóa từ xưa vẫn là vấn đề nhức đầu kinh niên. Thêm vào đó, nếu căn cứ số liệu này, mức thâm hụt sẽ rất cao so với số thu, mà chi càng nhiều cho chi thường xuyên và trả nợ lãi vay. Dễ nhìn bài toán cân đối ngân sách khó đến mức nào.

Vấn đề ở đây là thâm hụt ngân sách đã trở nên dai dẳng, thực tế ngân sách hụt thu, khó khăn trong khi chi tiêu không hề giảm, nợ thuế cao. Giá dầu giảm và khó lên trong tương lai gần. Việt Nam tham gia vào các hiệp định tự do dẫn tới giảm sút nguồn thu thuế. Các doanh nghiệp SME đang gặp khó khăn nên đối tượng chịu thuế càng ngày càng thu hẹp. Cũng không thể tiếp tục tăng thuế vì như vậy khác nào bóp nghẹt sự phát triển của các DN kinh doanh. Hiện trạng hụt thu này có thể còn kéo dài nhiều năm.

Việc vay 30 nghìn tỷ VND chỉ mang tính tạm thời nhưng hành động này là chỉ báo cho thấy tình hình đã không còn dễ dàng cho Bộ Tài chính để cân đối ngân sách. Các nguồn vay khác như từ trái phiếu và các quỹ dự trữ đã không còn đủ đáp ứng, ít nhất là tạm thời, nhu cầu bù đủ ngân sách nữa.

Và không ai dám chắc vay được một lần dễ dàng thì sẽ không tiếp tục vay lần khác.

Như vậy, hai vấn đề xảy ra cùng lúc, thâm hụt ngân sách quy mô lớn kéo dài, và việc thiếu quy định hạn chế Chính phủ đi vay NHNN, đã và đang đặt ra nguy cơ và thách thức cho NHNN có đảm bảo được tính độc lập và năng lực quản lý tiền tệ hay không.

Trần Thăng Long