- Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang xoay như chong chóng để đáp ứng quy trình lấy mẫu và kiểm định, kiểm tra, kiểm dịch sản phẩm của các quy định luật chuyên ngành với chi phí tốn hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Chóng mặt với kiểm tra
Có không ít bức xúc và căng thẳng được chia sẻ ngay tại hội thảo về đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu (do Tổng cục Hải quan và USAID tổ chức) sáng 17/8 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết: "Theo phụ lục ở Thông tư 48 của Bộ NN-PTNT, cứ 4-6 lô sản xuất thuỷ sản là phải lấy mẫu 1 lô để kiểm nghiệm. Mỗi lô sản phẩm phải được sản xuất trong 24 giờ. Làm sao mà thuỷ sản sản xuất trong một ngày được?".
"Cá tra, tôm... chúng tôi phải đi thu mua từ nhiều nhà cung cấp, nhanh nhất mất 2 ngày mới xong, tức là đã thành 2 lô sản xuất rồi. Một container thuỷ sản có thể gồm rất nhiều lô sản xuất. Nhìn sang ngành y tế đi kiểm tra nhà hàng, nếu duy trì như vậy, chẳng lẽ, cứ nấu 4-10 nồi cơm thì cơ quan y tế lại xuống lấy mấy kiểm nghiệm thì mới tiếp tục thông quan được. Như thế thật vô lý", ông Nam than thở.
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang xoay như chong chóng để đáp ứng quy trình lấy mẫu và kiểm định, kiểm tra, kiểm dịch sản phẩm... |
"Chúng tôi có 43 trang ý kiến các doanh nghiệp gửi về, đề nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành lắng nghe tích cực hơn. Thời gian qua, sự tiếp thu ý kiến doanh nghiệp không chỉ chậm trễ mà còn không hợp tác. Chúng tôi rất thất vọng", ông Nam bày tỏ.
Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty Thương mại Indo, bức xúc: "Chúng tôi rất mệt mỏi với quy định kiểm tra của Cục Bảo vệ Thực vật. Nhiều quy định kiểm tra rất hình thức, không có ý nghĩa. Ví dụ, tôi nhập chiếu tre từ Trung Quốc, yêu cầu phải có giấy kiểm dịch từ nhà xuất khẩu Trung Quốc nhưng ở bên kia, hàng chiếu tre do các tư nhân làm thủ công, làm gì có giấy đó. Cuối cùng, họ đều đi mua giấy này để cấp cho mình. Vậy thì việc kiểm dịch dựa trên tờ giấy đó có ý nghĩa gì?".
Với lĩnh vực dệt may, bà Tú Anh kể: "Mỗi ngày chúng tôi có tới 5-7 mẫu kiểm tra chất lượng, có ngày tới 10 mẫu kiểm tra. Các mẫu đó cứ lặp đi lặp lại y chang. Vậy thì nhất thiết phải kiểm tra thường xuyên như thế không, nếu như doanh nghiệp chưa xảy ra tình trạng vi phạm bao giờ".
"Chi phí tốn kém mà không thiết thực. Một năm, chúng tôi mất từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng cho việc kiểm tra chất lượng", bà Tú Anh cho biết.
Đặc biệt, bà nhấn mạnh: "Chính những thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhiêu khê như vậy nên nhiều doanh nghiệp tư nhân, buôn hàng nhỏ lẻ buộc đi buôn lậu còn hơn. Họ chỉ nhập 2-3 bao tải chăn nhưng nếu kiểm tra, đã mất 3-5 triệu chi phí. Nhập 5 tấn vải thì mất 10 mẫu vải kiểm tra, mất 10 triệu đồng ".
Một cán bộ từ Tập đoàn Điện lạnh Việt Úc nói: "Chúng tôi nhập 15-20 modem nồi cơm điện, máy xay sinh tố,... Chi phí kiểm định đánh giá hiệu suất năng lượng là 7-11 triệu đồng/moden, tức đã mất gần 100 triệu đồng. Một tháng, chúng tôi nhập 4 lô hàng, vậy là mất mấy trăm triệu đồng rồi".
"Liệu, doanh nghiệp có thể dùng kết quả kiểm tra một lần đầu cho 6-12 tháng sau không", vị này hỏi.
Gánh nặng lớn cho doanh nghiệp
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn của dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG-do USAID tài trợ), cũng nhìn nhận: "Việc cải cách các quy định quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu ở tất cả các bộ trong 1 năm qua đều còn rất hạn chế, đặc biệt, lĩnh vực kiểm dịch còn gia tăng đột biến".
Chi phí kiểm tra, kiểm định hay kiểm dịch rất lớn. |
Theo khảo sát của dự án GIG, thời gian cấp phép, kiểm tra sản phẩm rất dài.
Cụ thể, 70,6% doanh nghiệp được khảo sát cho biết thời gian cấp giấy phép, chứng nhận hợp quy là 7-15 ngày. 44,4 % doanh nghiệp được khảo sát cho biết thời gian kiểm tra chuyên ngành từ 7-15 ngày.
Thời gian kiểm tra chất lượng mặt hàng thép, dây thép theo hiện quy định tại thông tư 44/TTLT-BCT-BKHCN kéo dài 2-4 tuần. Thời gian hoàn thành thủ tục quản lý chuyên ngành đối với mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông nhập khẩu khoảng 15 ngày...
"Chi phí kiểm tra, kiểm định hay kiểm dịch rất lớn. Có những lô hàng, phí kiểm dịch lên tới vài chục triệu đồng", ông Bình nói.
Nguyên nhân, theo ông Bình, là hệ thống chính sách văn bản của các Bộ rất hay thay đổi, doanh nghiệp chưa kịp nắm vững, chưa thấm được thì đã được thay thế bằng văn bản khác. Quy định cũng tản mạn, không rõ ràng.
Ông Bình cho biết: "Cùng một luật nhưng mỗi bộ hiểu mỗi khác như ở Luật An toàn thực phẩm. Cùng một quy định, mỗi đơn vị hải quan áp dụng mỗi khác, thậm chí mỗi công chức áp dụng mỗi khác như nơi cho đưa hàng về doanh nghiệp kiểm tra, nơi không cho, nơi yêu cầu phải xuất trình giấy nộp tiền thuế, nơi không yêu cầu,... ".
Ông Bình cũng liệt kê: "Chè, cà phê, dầu cá, nguyên liệu sữa, phomat, bột ngô, đậu nành, cỏ nuôi bò, tơ tằm, dấm,... phải chịu quản lý, cấp phép kiểm tra, cấp chứng thư về kiểm dịch, chất lượng, an toàn thực phẩm của 2-3 cơ quan thuộc cùng một Bộ hoặc thuộc 2-3 Bộ khác nhau. Đây là gánh nặng thủ tục hành chính rất lớn cho doanh nghiệp".
Với tình trạng này, thủ tục hải quan cần giảm xuống 50% trong năm 2015 để đảm bảo môi trường kinh doanh Việt Nam đạt trung bình trong ASEAN+6 dường như bất khả thi.
Ông Bình kiến nghị, cần phải áp dụng cách thức, mức độ kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở phân loại mức độ rủi ro đối với từng doanh nghiệp, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên như ở thủ tục hải quan. Ngoài ra, phải sớm điện tử hoá thủ tục và rà soát lại toàn bộ danh mục hàng hoá chuyên ngành cần phải kiểm tra để loại trừ các hàng hoá không nhất thiết phải kiểm tra.
Phạm Huyền