- Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng tiền lương tối thiểu vùng là 16% thì phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp lại cho rằng, mức tăng chỉ 6-7% mới là hợp lý. VCCI đang kiến nghị chọn khoảng giữa, tức tăng 9-10%.

Kết quả sẽ ngã ngũ tại cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia vào hôm nay, 25/8.

Mức tăng 9-10% là hợp lý?

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, khối doanh nghiệp đề xuất mức lương tăng 6-7% là dựa trên quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Nghĩa là, tốc độ tăng lương cần bám sát tốc độ tăng năng suất lao động cộng với tốc độ mất giá của đồng tiền. Nếu tốc độ tăng lương vượt quá xa so với tổng của hai biến số này, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản, tăng trưởng kinh tế chậm lại và thất nghiệp sẽ gia tăng.

Nói cách khác, doanh nghiệp - người sử dụng lao động - đứng trên góc độ chi trả và sức cạnh tranh của mình.

Cụ thể, với mức tăng năng suất lao động của Việt Nam trong thập kỷ qua chỉ 3%/năm, lạm phát hiện dưới 1% và dự báo 2015-2016 ở mức dưới 3%, hiệp hội các doanh nghiệp đều tính toán mức tăng lương tối thiểu vùng 6-7% cho năm 2016 là phù hợp.

{keywords}

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng tới 16% để công nhân có một cuộc sống tốt hơn.

"Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, mức sống của công nhân còn thấp, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm nhất định trong việc đưa mức tiền lương tối thiểu tiếp cận mức sống tối thiểu", ông Lộc nhìn nhận.

Đó cũng là lý do mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - tức bên đại diện cho người lao động - đề xuất điều chỉnh tăng tới 16% để công nhân có một cuộc sống tốt hơn.

Trước những đề xuất quá chênh lệch, người đứng đầu VCCI cho rằng, một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9-10% là hài hoà. Nếu lương tối thiểu năm 2016 tăng quá mức này sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới, thất nghiệp sẽ gia tăng.

"Rõ ràng là giữa mong muốn và khả năng vẫn còn một khoảng cách khá xa, mỗi bên cần phải có những nhượng bộ nhất định để tiến tới những lợi ích chung mang tính tổng thể", ông Lộc nói.

Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra quan điểm “Việt Nam tăng lương tối thiểu thì giảm tăng việc làm”.

Cú sốc lớn với doanh nghiệp?

Theo báo cáo của VCCI, tiền lương tối thiểu vùng của Việt Nam đã tăng 6,14 lần trong 10 năm qua, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm. Trong đó, riêng vùng IV, tiền lương đã từ mức 350.000 đồng/tháng vào năm 2005 lên mức 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015.

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực, chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan. Nếu cộng thêm mức độ trượt giá của tiền đồng trong giai đoạn 2005-2015 ở mức gần 10%/năm, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn.

{keywords}

Có đến gần 70% doanh nghiệp không có lãi, việc tăng lương tối thiểu không hợp lý sẽ làm gia tăng tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Ông Lộc lo ngại: "Chắc chắn với tình hình này, các doanh nghiệp Việt Nam không thể chịu đựng được một mức tăng lương cao và kéo dài như vậy".

"Các số liệu về việc làm tại Việt Nam gần đây cho thấy, các tác động tiêu cực của việc tăng lương cao và kéo dài ngày càng lớn", ông Lộc nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng, gần đây, ngày 20/7, Viện Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Quý I cho thấy tỷ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm trong nền kinh tế đang gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn đã gia tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước và gấp đôi tỷ lệ gia tăng thất nghiệp chung.

"Việc tạo thêm nhiều việc làm mới cho nền kinh tế, đặc biệt cho người lao động ở nông thôn đã trở thành vấn đề rất cấp bách và thậm chí cần quan tâm bậc nhất ở Việt Nam. Nhưng việc tăng lương tối thiểu ở mức quá cao sẽ không có lợi cho việc đạt được mục tiêu này", ông Lộc đánh giá.

Theo ông, có đến gần 70% doanh nghiệp đang không có lãi, việc tăng lương tối thiểu không hợp lý sẽ làm gia tăng tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp, buộc họ phải thu hẹp sản xuất, đẩy người lao động đang có việc làm ở thành thị trở lại nông thôn, làm tiếp tục gia tăng tình trạng thất nghiệp và gây bất ổn xã hội.

Ông Lộc cho hay, có thể nhìn sang bài học kinh nghiệm ở Trung Quốc, do chi phí tiền lương tại Trung Quốc đã tăng khoảng 10%/năm trong vòng một thập kỷ qua, nên sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc ngày càng bị suy giảm. Hệ quả là các nhà đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của nước này gần đây đã giảm xuống còn 7% so với mức 10% trước kia, còn xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua đã giảm tới 8,9% so với một năm trước đó. Đó là một lý do khiến Trung Quốc buộc phải thực hiện phá giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm cho công nhân.

"Đối với các doanh nghiệp mà chi phí lao động chiếm trên 30% tổng chi phí, việc tăng lương thêm 16% sẽ khiến cho giá thành tăng thêm ít nhất 5%. Đây chẳng khác gì một cú sốc phá giá đồng nhân dân tệ lần thứ hai", ông Lộc nói.

Phạm Huyền