- Người lao động trong khối doanh nghiệp sắp được tăng lương tối thiểu, nhưng mức tăng bao nhiêu thì các cơ quan vẫn chưa thống nhất được. Sáng 26/8, chương trình Góc nhìn thẳng đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền: Ngày 25/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 để bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Tuy nhiên, cuộc họp này vẫn chưa kết quả cuối cùng. Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 16,8%, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại đề xuất chỉ tăng 9-10%.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính khiến cả hai lần họp đàm phán về tăng lương tối thiểu vùng vừa qua đều thất bại?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết, tôi rất hoan nghênh tinh thần của các bên tham gia thương lượng. Họ đều làm bằng tất cả trái tim và trí tuệ của họ trước nền kinh, trước hoạt động của các doanh nghiệp và trước người lao động. Tôi thấy tín hiệu ở hai bên đã cố gắng trao đổi một cách thẳng thắn để bảo vệ quan điểm của mình.

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy rằng, trong cách đặt vấn đề cũng như trong chỉ số tăng lương tối thiểu mà Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra vẫn chưa đủ các căn cứ thực tiễn, chưa xuất phát từ tình hình thực tế của cộng đồng doanh nghiệp cũng như từ sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tôi nghĩ rằng, trong quá trình này, một mặt chúng ta phải căn cứ vào yêu cầu cải thiện đời sống của người lao động. Điều đó là tuyệt đối đúng.

Nhưng một mặt phải căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế. Chúng ta đều biết, sức chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến tất cả vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước này.

Tôi nghĩ, cần phải có một cách nhìn tổng quan hơn, từ nhiều góc độ để xử lý vấn đề tiền lương. Sự bế tắc trong việc thương lượng giữa hai bên là do chưa đứng từ góc nhìn như vậy.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, với mức tăng lương khoảng 9-10% như VCCI đề xuất, người lao động vẫn cảm thấy khó khăn. Trên cương vị là người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, ông có suy nghĩ gì về điều này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết phải nói rằng, đối với người sử dụng lao động, việc quan tâm đến đời sống việc làm, mức lương cho người lao động là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay của doanh nghiệp, chứ không phải là vấn đề lợi nhuận.

Bởi vì phần lớn, các doanh nghiệp đang kinh doanh không có lợi nhuận. Rất nhiều doanh nghiệp nói với tôi, sáng dậy, điều đầu tiên họ nghĩ là làm sao hôm nay kiến được tiền lương đủ trả cho người lao động. Đó là một sự thật của rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.

Họ đang đứng trước ngưỡng cửa của sự tồn tại hay không tồn tại. Nếu họ không tồn tại thì người lao động cũng phải ra đường. Trong giai đoạn hiện nay, tôi nghĩ lợi ích của người lao động và lợi ích doanh nghiệp là tương đối thống nhất. Vấn đề là làm sao duy trì được sự tồn tại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải trụ vững.

Mức tăng lương mà chúng tôi đưa ra là tỷ lệ tăng từ 9-10% là dựa trên một số dữ liệu chắc chắn về mặt vĩ mô.

Thứ nhất, lạm phát của chúng ta cho đến thời điểm này, theo công bố của Tổng Cục Thống kê ngày hôm qua (24/8-PV) là chưa đến 1%, mà giờ đã đến tháng 8 rồi. Dự báo, năm nay lạm phát chỉ xoay quanh mức 2%.

Thứ hai, năng suất lao động của ta trong 10 năm qua là tăng khoảng 3% đến trên 3%.

Chúng ta đều biết, mức độ tăng lương tối thiểu trong nền kinh tế bao giờ cũng phải gắn với hai chỉ số này, bù đắp được tỷ lệ lạm phát và phù hợp với mức độ tăng năng suất lao động. Một nền kinh tế mà lương tăng quá cao so với tốc độ tăng năng suất lao động là một nền kinh tế tự sát.

Chính Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra khuyến cáo rằng, nếu Việt Nam tăng lương thì có nghĩa, Việt Nam sẽ phải giảm việc làm.

Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, vẫn với các lý do như vậy, các năm qua, vấn đề tăng lương luôn phải trải qua các cuộc đàm phán căng thẳng. Theo ông, trong thời điểm hiện nay, cơ chế đàm phán tiền lương cần được thiết lập như thế nào để hài hoà lợi ích giữa các bên?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trong Hội đồng tiền lương quốc gia hiện nay gồm có 3 đối tượng tham gia. Thứ nhất là đại diện cho Nhà nước, đại diện các quan chức của Bộ Lao động và Thương binh xã hội. Thứ hai là đại diện cho giới sử dụng lao động và thứ ba là đại diện cho người lao động.

Tôi nghĩ rằng, có lẽ Hội đồng Tiền lương quốc gia cần phải bổ sung thêm mộ lực lượng nữa, đó chính là các nhà khoa học, để có một góc nhìn đánh giá từ góc độ khoa học, chứ không phải chỉ từ góc nhìn của cơ quan quản lý, giới chủ sử dụng lao động hay từ người lao động.

Để đảm bảo cho các cuộc đàm phán về tiền lương tới đây thực sự hiệu quả, cần phải có những nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, khoa học, trách nhiệm về mức sống của người lao động đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Những tác động của chính sách tiến lương có thể tác động ảnh hưởng tới công ăn việc làm, đến lạm phát, thất nghiệp và đến tăng trưởng của nền kinh tế cũng như thu chi ngân sách Nhà nước.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông đã tham gia chương trình!

VietNamNet