- Nhiều nông dân đã có những phát minh đem lại lợi ích thiết thực trong lao động, sản xuất và cuộc sống hàng ngày khiến nhiều người phải “ngả mũ” thán phục. Dù đã thành công bước đầu, thu được tiền tỷ nhưng những hai lúa chính hiệu vẫn mong muốn được tư vấn, hợp tác với các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu để hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm của mình.

Lão nông chế robot khiến người Israel thán phục

Năm 2010, ông Phạm Văn Hát (xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) quyết định đi xuất khẩu lao động sang Israel. Ông được bố trí làm thuê ở một trang trại trồng rau và phải làm việc bằng... cuốc. Thấy công việc vất vả, ông Hát đề nghị ông chủ cho cải tiến máy. Chỉ sau ít ngày, ông Hát đã hoàn thiện thiết bị rải phân tự động gắn vào sau chiếc máy kéo.

Sau đó, hội đồng thẩm định của nhà nước Israel đến tận cánh đồng để thực nghiệm “Máy của Hát” và cấp bằng sáng chế cho ông chủ trang trại.

{keywords}

Ông Phạm Văn Hát bên chiếc máy gieo hạt tại một ruộng rau.

Đầu năm 2012, ông Hát trở về nước mở xưởng cơ khí. Đam mê kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm tại Israel, ông chế tạo ra bộ ép luống soi rạch trồng rau các loại và bộ ép luống chuyên dùng cho cà rốt, cải tiến một số bộ phận của máy làm đất như chế tạo cày hai lưỡi thay thế cho cày một lưỡi, cày bốn lưỡi thay thế cho cày ba lưỡi.

Nhiều người khá ngạc nhiên khi ông Hát cho biết mình mới học hết lớp 7.

Tái chế lốp cao su xuất khẩu ra nước ngoài

Ông Nguyễn Lương Thông (SN 1959, quê Ý Yên, Nam Định) được người dân trong vùng mệnh danh là "Vua tái chế cao su" bởi những sản phẩm tái chế của ông đã được xuất ra tận nước ngoài. Các sản phẩm cao su của ông được tái chế từ các lốp xe ôtô đã bỏ đi để làm giỏ đựng rác, gương treo tường, xô, chậu và những sản phẩm phục vụ sản xuất trong các nhà vườn, nông trại...

{keywords}

Ngoài tái chế cao su, ông Thông còn chế tác các sản phẩm kỹ nghệ.

Hiện gia đình ông Thông có hàng nghìn m2 nhà xưởng và đang mở rộng thêm, làm cả sang nhiều lĩnh vực khác để xuất đi nước ngoài. Hàng tháng, gia đình ông Thông chế tạo ra 20.000 sản phẩm. Hàng năm, gia đình ông thu nhập lên tới trên 12 tỷ đồng.

Lão nông Bắc Giang và những chiếc bể nước nóng “vặt lông gà”

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, ông Ngô Quốc Tuấn (60 tuổi, trú phường Đa Mai, TP.Bắc Giang) đã sáng chế ra bể nước dùng năng lượng mặt trời. Dù ban đầu không được như mong muốn, nhưng qua mỗi lần cải tiến, đến nay bể nước của ông đã gần đạt đến độ hoàn hảo. Chiếc bể có diện tích gần 2m2, cao 20cm, dung tích khoảng 300 lít.

{keywords}

 Ông Tuấn bên sáng chế bể nước nóng của mình.

Vào mùa hè, bể nước nóng có nhiệt độ lên đến gần 100oC của ông có thể dùng để vặt lông gà. Còn vào mùa đông, kể cả trong tiết trời âm u, gia đình vẫn có đủ nước nóng để dùng mà không tốn một xu tiền điện.

Lão nông chế máy đa năng '5 trong 1'

Thấu hiểu nỗi cơ cực của người nông dân mỗi khi đến mùa sản xuất và thu hoạch với quá nhiều công đoạn, lão nông Đinh Công Viên (ở thôn Khuyến Công, xã Khải Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã nghiên cứu, sáng chế ra nhiều máy công nghiệp phục vụ sản xuất.

{keywords}

Lão nông Đinh Công Viên đã sáng chế ra nhiều máy công nghiệp phục vụ sản xuất.

Sản phẩm đầu tiên ông cho ra đời vào năm 1999 là máy tẽ ngô giúp người nông dân có thể bóc tách ngô một cách nhanh chóng và chuẩn xác, tiết kiệm công sức và thời gian. Sau đó, ông tiếp tục sáng tạo ra những chiếc máy với những chức năng khác nhau như: máy nghiền ngô, máy cắt cỏ, máy chế biến thức ăn cho gia súc, máy gieo cấy trên đồng ruộng. Năm 2000, ông sáng tạo thành công chiếc máy đa năng có thể làm 5 việc khác nhau như: vò lúa, vò đậu tương, vò đậu xanh, tuốt lạc, đập rễ ngô và nhiều công dụng phụ khác.

"Đại tướng Hai lúa" chế từ máy trồng khoai mỳ tới xe bọc thép

Từng nổi tiếng là người nông dân “hai lúa” đầu tiên dám chế tạo máy bay trực thăng cách đây 10 năm; nay, ông Trần Quốc Hải (56 tuổi, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) lại khiến dư luận dậy sóng khi mới đây đã cùng con trai Trần Quốc Thanh (26 tuổi) nâng cấp và chế tạo thành công hàng chục chiếc xe thiết giáp cho quân đội Hoàng gia Camphuchia, được Thủ tướng Campuchia Hun Sen trao tặng “Huân chương Đại tướng quân”.

{keywords}

Hai cha con ông Trần Quốc Hải bên chiếc xe bọc thép mới chế tạo

Ông Hải còn chế tạo thành công máy trồng mỳ và máy chăm sóc mỳ. Khoảng 500 chiếc máy trồng mỳ do ông Hải chế tạo được nông dân khắp các vùng miền biết tiếng đặt mua trong suốt 3 năm trở lại đây. Mới đây, một đoàn khách Campuchia đã tìm sang đặt mua máy trồng mỳ của ông Hải.

Lão nông chế máy sấy xuất qua Campuchia

Xuất phát từ nông dân, hiểu nỗi khổ của nông dân, nhất là những thời điểm phải thu hoạch lúa trong mùa mưa, ông Năm Nhã (tên thật là Dương Xuân Quả, SN 1957, quê gốc ở xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, An Giang) quyết tâm chế tạo thiết bị sấy chuyên dụng để phục vụ bà con trong vùng. Hiện sản phẩm lò sấy cải tiến không trở mẻ (lúa nằm yên một chỗ) của ông đã được bà con nông dân và thương lái lúa gạo tin tưởng và đầu tư lắp đặt ngày càng nhiều.

{keywords}

Ông Năm Nhã bên chiếc máy sấy do mình chế tạo

Từ năm 2005 đến nay, ông đã lắp đặt trên 3.000 lò sấy ở 20 tỉnh, thành trong nước. Ông cũng xuất sang Campuchia hơn 200 bộ cánh quạt và lò sấy. Doanh thu của doanh nghiệp sản xuất lò sấy của ông đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Học lớp 3 được mời qua Campuchia chế tạo máy

Dù chỉ học hết lớp 3, nhưng với “máu” sáng chế, ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1966, ngụ xã Long Giang, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đã chế tạo được hàng loạt máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có chiếc máy phóng lúa tiện lợi và xe phun thuốc sâu. Mới đây, nhiều người Campuchia sang đặt ông Dũng làm 20 xe phun thuốc, với giá 25 triệu đồng/xe.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Dũng đã chế tạo được hàng loạt máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sau khi chế tạo thành công 2 loại máy trên, hiện ông Dũng đã chế xong máy tuốt đậu phộng và đang nghiên cứu chế máy cuốc lỗ trồng mỳ để giải bài toán nhân công, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thu hoạch cũng như lúc trồng.

Nông dân lớp 7 trở thành 'vua' sáng chế công nghệ

Dù chỉ học hết lớp 7/10, nhưng ông Nguyễn Văn Chế (SN 1962, ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, Hải Dương) rất mê sáng chế và đã có nhiều sáng chế hay, thiết thực đối với sản xuất nông nghiệp.

{keywords}

Ông Chế bên sản phẩm của mình.

Trong đó, công trình "nghiên cứu, sản xuất lưỡi cày lên luống trồng cây vụ đông" của ông đạt giải C tại Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần thứ III. Sau này, ông Chế còn "chế" thêm nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp khác như máy thái hành, tỏi; máy sấy hành, tỏi bằng năng suất lao động của hàng chục người cộng lại.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)