"Hiện người dân Việt Nam đang sở hữu trên 1.000 tấn vàng (khoảng 45 tỷ USD), tương đương bằng 45% GDP Việt Nam năm 2010".

TIN BÀI KHÁC:

Đó là số liệu "giật mình" được công bố tại hội thảo: "Tác động của thị trường vàng đến thị trường tài chính Việt Nam" vừa qua do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu số liệu này là chính xác, rõ ràng đây là một nguồn lực tài chính khổng lồ hiện đang nằm "đóng băng" trong dân, chưa được sử dụng hữu hiệu góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


1/3 hộ dân có tích lũy vàng

Trao đổi với PV, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, số liệu về 1072 tấn vàng dự trữ trong dân ở Việt Nam do Hội đồng Vàng thế giới cung cấp, còn thống kê 460 tấn là số liệu nghiên cứu của Hiệp hội Khai thác vàng ở Anh (GFMS). Theo số liệu này, hiện Việt Nam xếp vị trí khoảng thứ 5 thế giới về lượng vàng dự trữ.


Người Việt Nam "siêu giàu"?

Theo kết quả cuộc điều tra thử nghiệm quy mô nhỏ do ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thực hiện trên địa bàn Hà Nội, gần 1/3 số hộ gia đình tham gia khảo sát có đầu tư và tích lũy bằng vàng, trong đó 92% giải thích tích trữ vàng do thói quen và tâm lý phòng chống lạm phát. Cũng theo kết quả điều tra này, vàng và ngoại tệ chiếm tới 17% trong cơ cấu đầu tư.

Ông Nghĩa giải thích, căn cứ để Hội đồng Vàng thế giới đưa ra số liệu này là qua thống kê hàng năm. Cụ thể là từ năm 2000 đến nay, trên cơ sở các hóa đơn mua bán vàng của Việt Nam ở nước ngoài được cộng dồn lại. "Các hóa đơn giao dịch được công khai và đánh thuế nên không thể xảy ra chuyện gian lận", ông Nghĩa nhận định.

Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, lượng dự trữ vàng ở Việt Nam có giá trị dao động từ 21 đến 45 tỷ USD, tương đương 20 - 45% GDP năm 2010. TS Nghĩa bình luận: "Tỷ lệ này là quá lớn khi mà các nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới cũng chưa tới 3% GDP. Ngay cả thị trường lương thực và dịch vụ ăn uống, nơi cung cấp cái ăn cho cả người dân Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đầy 40% GDP. Dân chúng dự trữ nhiều vàng như vậy chứng tỏ một lượng lớn vốn nhàn rỗi chưa được huy động vào khu vực ngân hàng".

TS Lê Xuân Nghĩa gợi ý, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Nghị định về quản lý, kinh doanh vàng, muốn huy động vàng dự trữ trong dân nên tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Ví dụ, có nước cho phép Ngân hàng Trung ương huy động tiền gửi bằng vàng theo những cách như sau: Thứ 1, người dân gửi vàng vào có thể giữ nguyên dưới dạng vật chất và ngân hàng sẽ tính lãi cho họ.

Cách thứ 2, ngân hàng có thể phát hành chứng chỉ vàng, người dân có thể dùng chứng chỉ đó để giao dịch, mua bán trên thị trường. Việc giữ chứng chỉ cũng đồng nghĩa với giữ vật chất và có thể bán chứng chỉ đó đi, vậy là tiền có thanh toán.

"Lượng vàng dự trữ trong dân ở nước ta tuy lớn nhưng cũng khó có thể là cơ sở chứng tỏ người dân Việt Nam giàu. Lượng vàng dự trữ không để tiêu dùng mà chỉ có tác dụng tích trữ như một lượng tiền, vật chất bảo đảm. Việc người dân quá chú trọng tích trữ vàng, cũng tồn tại những mặt trái. Nếu người dân kiếm được 100 nghìn, lại dùng 70 nghìn để mua vàng tích trữ thì lượng vốn đầu tư trong xã hội sẽ giảm bớt đi, giảm bớt động lực phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, về lâu dài nó cũng là cái cần thiết để tích trữ cho tương lai, muốn hay không trong tương lai họ cũng sẽ có dịp sử dụng nguồn vốn dự trữ đó, ví dụ như mua đất hay xây nhà...".

TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển KTXH Hà Nội)

Điều cấp bách là phải tìm cách "đánh thức" tiềm lực này và đưa ra sử dụng hiệu quả ngoài thị trường. ông Phong cảnh báo, trong xu hướng giá vàng đang biến động như giai đoạn hiện nay, việc kinh doanh vàng gặp rất nhiều rủi ro. Nếu người dân đồng loạt tung vàng ra thị trường và chỉ găm giữ tiền thì sẽ gây tác động xấu đến nền kinh tế, tài chính. ông cho rằng: "Vì vậy, chúng ta không nên huy động toàn bộ mà theo từng thời kỳ thích hợp để sử dụng hiệu quả".
Thứ 3, ngân hàng trữ vàng có thể bán hoặc cho các doanh nghiệp chế tác đồ trang sức vay, họ sẽ tận dụng được nguồn vàng trong nước để chế tác thay vì phải nhập khẩu vàng. Như vậy vàng được thu vào cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền nhất định xuất ra. Bằng cách nào đó ngân hàng sẽ thu hồi lượng tiền đó về, cũng giống như việc bỏ tiền Việt ra mua ngoại tệ sẽ có những biện pháp hút tiền về để cân bằng thị trường.

"Trường hợp Ngân hàng Nhà nước lo ngại về rủi ro đối với thị trường ngân hàng thì có thể cho phép một số ít ngân hàng lớn có năng lực quản lý tốt thực hiện việc huy động vốn bằng vàng", TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Đánh giá về con số do Hội đồng Vàng quốc gia công bố, TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển KTXH Hà Nội) cho rằng ông không bất ngờ vì "lượng dự trữ vàng tại nước ta có thể còn lớn hơn". Ông Phong phân tích: Việt Nam có thể sản xuất được vàng, nhiều người cũng tích trữ vàng từ nhiều đời nay mà chúng ta chưa biết được. Hơn nữa người dân Việt Nam có thói quen tiết kiệm, trữ vàng trong nhà coi đó là tài sản an toàn nhất, tránh sự biến động.

Làm gì để hút vàng dự trữ trong dân?

Theo TS Nguyễn Minh Phong, dự trữ vàng trong dân là một yếu tố tích cực, dự trữ càng lớn càng chứng tỏ nguồn lực nước đó mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà nước Mỹ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới, lượng dự trữ vàng của họ chiếm khoảng 60% lượng vàng toàn thế giới.

TS Nguyễn Minh Phong kiến nghị: "Theo tôi việc lập sàn vàng để quản lý thị trường vàng là rất cần thiết. Chính phủ cấm các hoạt động buôn bán vàng trái phép, đồng thời cũng phải mở ra các trung tâm buôn bán, giao dịch vàng chính thức có sự giám sát để người dân giao dịch. Để thu hút vàng dự trữ trong dân, bên cạnh hình thức phát hành trái phiếu bằng vàng, còn có một giải pháp nữa đó là huy động vàng sau đó mang đi bảo lãnh ở nước ngoài để vay đô la. Đấy là hướng hay, theo tôi sẽ khả thi".

Đồng quan điểm trên, ông Phí Đăng Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, giải pháp để huy động vàng và sử dụng vàng dự trữ trong dân thì Chính phủ phải cho phép và công nhận thị trường vàng là một bộ phận quan trọng của thị trường tiền tệ.

Theo ông Minh, cơ quan quản lý nhà nước cần trình Chính phủ cho phát hành trái phiếu bằng vàng với các điều kiện hợp lý, khuyến khích người dân và các tổ chức mua trái phiếu bằng vàng. Về lâu dài, khi có đủ điều kiện thì kiến nghị Chính phủ cho thành lập các sàn giao dịch vàng có sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được giao dịch trên thị trường chính thức, hạn chế việc đầu cơ trục lợi. 

Những tổ chức dự trữ nhiều vàng nhất thế giới

Theo công bố của Hội đồng Vàng thế giới (CNBC), đứng đầu danh sách các nước có lượng dự trữ vàng lớn nhất thế giới là Mỹ với tổng dự trữ vàng vào khoảng gần 9 nghìn tấn, tương đương 387 tỷ USD tính theo giá thị trường tính đến cuối 2010. Kho chứa vàng của Mỹ tại Kentucky, hay còn được biết đến với cái tên Fort Knox, là kho dự trữ vàng nổi tiếng nhất thế giới. Đa số vàng dự trữ của Mỹ được cất giữ tại đây. Số còn lại nằm trong kho dự trữ Philadelphia, Denver, West Point và San Francisco Assay Office.

Xếp thứ 2 là Đức. Ngân hàng Trung ương của Đức là Deutsche Bundesbank cất giữ tới 3.750 tấn vàng, có giá trị vào khoảng 163 tỷ USD. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng ở Đức chiếm 70,3% tổng dự trữ ngoại hối của nước này.

Đứng thứ 3 là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự trữ 3.140 tấn vàng, có trị giá gần 136 tỷ USD. IMF giám sát hoạt động kinh tế quốc tế của 185 nền kinh tế thành viên. Chính sách về vàng của quỹ này đã thay đổi trong 25 năm qua, nhưng lượng vàng dự trữ của họ vẫn đóng vai trò làm ổn định thị trường thế giới và trợ giúp các nền kinh tế. Chẳng hạn, vào tháng 12/1999, IMF đã bán ra một phần số vàng dự trữ của mình để viện trợ cho chương trình các nước nghèo đang mắc nợ nặng nề HIPC.

Đứng thứ 4 là Italia. Ngân hàng Banca D'Italia là nơi quản lý dự trữ ngoại hối của Italy. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, ngân hàng này nắm giữ 2.700 tấn vàng, trở thành nơi dự trữ vàng lớn thứ tư trên thế giới. Con số đó tương đương 117 tỷ USD, chiếm 68,6% lượng dự trữ ngoại hối của Italy.

Pháp là quốc gia đứng thứ 5 về lượng vàng dự trữ. Ngân hàng Quốc gia Pháp Banque De France là nơi cất giữ vàng của quốc gia này, chiếm 67,2% lượng dự trữ ngoại hối. Nắm trong tay 2.690 tấn vàng, Pháp đang sở hữu khoảng 116 tỷ USD.

Theo đánh giá của CNBC, Trung Quốc có tổng dự trữ 1.162 tấn vàng có trị giá 50 tỷ USD.

Việt Nam hiện nằm trong Top 20 thế giới về lượng tiêu dùng vàng trang sức với mức 20 tấn /năm duy trì trong nhiều năm gần đây, theo báo cáo của GFMS (Công ty chuyên phân tích, tư vấn và nghiên cứu về thị trường kim loại quý).


(Theo Người đưa tin)