- Thời gian tiếp cận điện năng thuộc phần trách nhiệm của EVN sẽ giảm từ 18 ngày hiện nay xuống còn 10 ngày. Đây là một trong 10 chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam để đạt mức trung bình ASEAN-6 trong năm nay.
Công bố này được đưa ra trên cơ sở kết quả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện cấp điện cho khách hàng trong 7 tháng đầu năm nay. Theo đó, EVN đã có 4.072 khách hàng được cấp điện đấu nối lưới trung áp với tổng thời gian thực hiện các công việc của ngành điện chỉ còn 10,3 ngày.
Với công bố này, chỉ số tiếp cận điện năng có thể sẽ vượt mục tiêu mà Nghị quyết 19 ban hành ngày 12/3/2015 của Chính phủ đề ra.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu năm nay, thời gian tiếp cận điện năng phải giảm từ 70 ngày xuống 36 ngày, trong đó, EVN phải chịu trách nhiệm thực hiện 18 ngày và 18 ngày còn lại thuộc phần trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và khách hàng.
Năm 2014, EVN đã cấp điện mới cho 9.686 khách hàng có đầu tư trạm biến áp, đường dây với thời gian cấp điện trung bình là 45,51 ngày. Trong đó, 95,96% khách hàng được cấp điện trong vòng 43,2 ngày và có 4,05% khách hàng có thời gian cấp điện trung bình là 100,35 ngày.
Báo cáo Cải thiện môi trường kinh doanh toàn cầu được thực hiện 2 năm một lần, do Ngân hàng Thế giới công bố, cho thấy, năm 2014, Việt Nam có chỉ số tiếp cận điện năng bị xếp hạng rất thấp, đứng thứ 135/189 quốc gia và nền kinh tế. Các doanh nghiệp ở Việt Nam mất tới 115 ngày để có thể đấu nối điện trong khi mức trung bình của các nước ASEAN-6 chỉ là 50,3 ngày. Ba yếu tố mà Ngân hàng Thế giới dựa làm căn cứ là số lượng thủ tục hành chính, thời gian và các chi phí cần thiết để hoàn thành thủ tục đấu nối điện từ lúc nộp đơn đến khi được sử dụng điện.
Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng yêu cầu, năm 2016, chỉ số tiếp cận điện năng phải rút gọn tiếp chỉ còn 35 ngày, phấn đấu đưa Việt Nam có môi trường kinh doanh bằng với mức trung bình của ASEAN- 4.
Phạm Huyền