- Vừa trở về từ hội nghị bộ trưởng đàm phán TPP tại Atlanta Mỹ, sáng 7/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương xem xét trong quá trình đàm phán TPP, cùng với dự thảo nội dung xem có vấn đề gì cần lưu ý trong tổ chức thực hiện. Sau khi Trung ương có ý kiến thì dự thảo Hiệp định sẽ được trình Quốc hội để phê chuẩn và thông qua.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích cụ thể thêm, các yêu cầu của TPP rất cao. Trong đó, có thực thi khuôn khổ pháp lý. Những việc này chúng ta đang làm với mục đích là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó cần sửa đổi tiếp các văn bản pháp luật không còn phù hợp, xây dựng mới các luật khác. Cho nên, có TPP hay không có TPP thì ta cũng phải tiếp tục làm. Vì vậy, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là việc cần làm ngay để bắt kịp tiến độ khi TPP đi vào thực thi.

Thưa ông, ông có ý kiến thế nào khi nhiều người mong đợi TPP là cơ hội để đổi mới công nghệ khi máy móc thiết bị từ các nước phát triển có thể được chúng ta nhập khẩu với giá rẻ hơn?

Một nội dung quan trọng trong TPP là mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư. TPP là cơ hội lớn thu hút các doanh nghiệp lớn từ các nước TPP, nhất là các lĩnh vực có hàm lương công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Chúng ta đang có nhiều dự án rất cần yếu tố này. TPP là cơ hội lớn để ta tận dụng điều đó, là cơ hội bổ khuyết cho các lĩnh vực đầu tư chưa có vốn, trình độ công nghệ chưa đáp ứng được.

{keywords}

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Ngành chăn nuôi sẽ bị khó khăn nhất trong TPP. Ông có đánh giá thế nào về điều này?

Nông dân quan tâm những khó khăn trong TPP là có cơ sở vì khi mở cửa, chúng ta không hạn chế cho hàng nông sản thực phẩm từ các nước TPP vào Việt Nam. Một mặt, người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn hàng hóa có giá phù hợp, chất lượng cao nhưng trong chăn nuôi, đây là ngành nhỏ lẻ, năng suất thấp nên trong đàm phán, chúng ta bao giờ cũng cố gắng kéo dài lộ trình bảo hộ cho các sản phẩm còn yếu. Sau đó, năng lực trong nước cần vươn lên. Ta đã thuyết phục được các đối tác lộ trình đủ dài cho điều này.

Nhưng lộ trình này cũng phải gắn với tái cơ cấu sản xuất, có mô hình mới, quy mô hơn để áp dụng khoa học hiện đại, nâng cao năng suất lao động.

Tôi nghĩ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các bộ sẽ thực hiện đề án tái cơ cấu và có biện pháp cụ thể hơn để thu hẹp khoảng cách giữa nông nghiệp Việt Nam với các nước.

Trong đàm phán, Chính phủ cũng chỉ đạo người nông dân cần được quan tâm đặc biệt trong hội nhập.

Một ngành khác cũng bất lợi là dệt may với quy tắc xuất xứ từ sợi, khi giá trị gia tăng trong dệt may của ta còn thấp. Ông có ý kiến thế nào về điều này?

Đó là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, trong top đầu xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Qua TPP, nhiều lĩnh vực có lợi thế, nhiều thị trường sẽ có thuế nhập khẩu về 0% nên dệt may sẽ cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất cao, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhưng khó khăn của ta là tỷ lệ phụ kiện phụ phẩm tự sản xuất còn thấp, chưa tới 50%, còn lại phải nhập ngoại nên điều này đặt ra cho chúng ta là phải cố gắng nâng cao hàm lượng sản xuất trong nước, thu hút kêu gọi đầu tư để xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Khi đã nâng được tỷ lệ nội địa thì giá trị gia tăng càng lớn. Đây là kỳ vọng và quyết tâm của ngành dệt may.

Khi nào thì có thể công bố cụ thể nội dung dự thảo của Hiệp định thưa ông?

Theo thỏa thuận, các nước thành viên TPP sẽ có thời gian rà soát, sau đó công bố rộng rãi để người dân, doanh nghiệp hiểu về nội dung chính, những quyền lợi mà TPP mang lại và cả các thách thức cần đương đầu để có ứng phó phù hợp.

Thời gian đó phụ thuộc ta dịch nội dung dự thảo Hiệp định nhưng chúng ta sẽ cố gắng đáp ứng trong thời gian ngắn nhất.

Ông có tự tin khi Việt Nam gia nhập TPP?

Chúng ta có đề nghị họ tính đến điều kiện cụ thể của Việt Nam vì TPP có nói cân bằng lợi ích nhưng có tính đến chênh lệch phát triển các nước thành viên. Chúng ta ta đề nghị các bạn thực hiện nguyên tắc này và thực tế, ta đã kết thúc đàm phán với 11 đối tác, họ đã chấp thuận giành cho Việt Nam lộ trình bảo hộ thích hợp, như chăn nuôi.

Có nhiều lo ngại khi Việt Nam gia nhập TPP là tự nhiên nhưng trong quá trình thực hiện ta thể hiện bản lĩnh của người Việt Nam. Trong 8 năm vào WTO, cái được là cơ bản. Với tinh thần đó, với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế ,tôi tin mục tiêu đặt ra với TPP sẽ thành công, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Huyền (ghi)