- Một phi công của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) bị phía Nhật tạm giữ vì mang hàng hóa ra khỏi cửa hàng nhưng... chưa trả tiền.
Đại diện cục hàng không Việt Nam cho biết, ngày 7/10, một số cơ quan thông tin, báo chí đã đăng tải thông tin về một phi công của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị phía Nhật Bản tạm giữ vì hành vi mang hàng hóa chưa trả tiền ra khỏi cửa hàng.
Theo báo cáo của cơ quan quản lý, hiện các cơ quan chức năng của Hãng đang phối hợp với nhà chức trách Nhật Bản để giải quyết vụ việc. Phía Nhật Bản chưa có thông tin chính thức về vụ việc nêu trên.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định sự việc nêu trên hoàn toàn không có liên quan đến lĩnh vực khai thác tàu bay.
Vietnam Airlines cũng đã có quyết định đình chỉ bay đối với nam phi công này.
Trước đó, ngày 6/10, một nam phi công Việt Nam sinh năm 1959 đã bị phía Nhật Bản phát hiện trong túi quần vẫn còn hàng hóa chưa trả tiền. Ngay sau đó, phi công này đã bị phía Nhật Bản tạm giữ.
Theo biên bản tường trình, nam phi công sau khi chọn mua hàng hóa ở một cửa hàng gần khách sạn phát hiện mình không mang theo hộ chiếu. Sau đó, nam phi công đề nghị với cửa hàng gửi hàng hóa và cả túi xách của mình lại cửa hàng để về khách sạn lấy hộ chiếu.
Tuy nhiên khi ông rời khỏi cửa hàng thì bị máy báo động. Các nhân viên cửa hàng giữ lại kiểm tra thấy trong người ông có hàng hóa chưa thanh toán tiền. Nam phi công bị lập biên bản và cửa hàng bàn giao cho cảnh sát Nhật để điều tra hành vi này.
Đây không phải lần đầu tiên phi công hay nhân viên của Vietnam Airlines gặp các sự cố liên quan đến pháp luật tại Nhật.
Năm 2009, một cơ phó của Vietnam Airlines cũng từng bị trục xuất về nước cũng vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam.
Hồi đầu năm 2014, một nữ tiếp viên hàng không của Việt Nam cũng bị phía Nhật bắt giữ vì bị tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm, quần áo từ một đường dây ăn cắp tại các siêu thị Nhật và có thể đang tìm cách buôn lậu ra khỏi nước Nhật.
Thống kê từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho thấy, số các vụ ăn cắp đồ bị bắt liên quan tới người Việt tăng mạnh tại nước này, từ 247 vụ năm 1998 lên 999 vụ năm 2012.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)