- Việc SCIC bán vốn ở 10 DNNN lớn với giá ước tính 3 tỷ USD đang gây xôn xao toàn thị trường cho tới các diễn đàn. Trong khi nhiều người đang tính khoản tiền tỷ đô thu về để làm gì, tiêu thế nào thì đã có cảnh báo đừng ‘tính cua trong lỗ’ theo kiểu nhà nghèo.
Hấp dẫn bất ngờ
Nhiều ngày sau khi Chính phủ công bố thông tin SCIC sẽ thoái vốn Nhà nước hoàn toàn ở 10 công ty lớn, nhiều đại gia chơi chứng khoán vẫn còn chưa hết ngạc nhiên trước một kế hoạch bán vốn hấp dẫn hơn thường lệ như vậy, bởi ở đó có sức hút từ nhiều cái tên "hot" như Vinamilk cho đến Nhựa Bình Minh, FPT, Vinaree...
Điều gì khiến cho SCIC, cổ đông Nhà nước, lại bỗng dưng từ bỏ những con gà đang đẻ trứng vàng như vậy?
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, khẳng định: "Việc thoái vốn của SCIC ở 10 công ty này khẳng định quyết tâm của Chính phủ là thu hẹp lĩnh vực kinh doanh của Nhà nước, là những lĩnh vực mà tư nhân làm được. Đấy là điều bắt buộc SCIC phải làm.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, đây không phải là là điều bất thường về chính sách. Song, có lẽ lần này Chính phủ muốn tạo ra một động thái mới trong quá trình tái cơ cấu, thoái vốn, CPH DNNN vì vừa qua, quá trình diễn ra chậm, bán vốn nhỏ giọt".
Nhiều đại gia chơi chứng khoán vẫn còn chưa hết ngạc nhiên trước một kế hoạch bán vốn hấp dẫn hơn thường lệ như vậy. |
"Việc này có gắn một chút với lý do khó khăn về ngân sách nhưng cơ bản, tôi tin là không phải thế. Đây là việc phân bổ lại nguồn lực, giúp thay đổi cốt lõi hệ thống quản trị, cơ cấu sở hữu công ty qua đó, nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn, chứ không hình thức như vừa qua", TS Thiên đánh giá.
Ông cũng cho biết: "Trước đây, nhiều cuộc họp đã diễn ra, có Thủ tướng, Phó Thủ tướng tham dự. Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề, tại sao chúng ta lại giữ sữa, giữ bia? Ngân sách có thể trực tiếp thu được tiền khi giữ bia, giữ sữa nhưng khi chúng ta cổ phần hoá, thoái được hết vốn ở đây thì Nhà nước sẽ vẫn thu về một lượng tiền lớn để dùng vào các việc khác cần thiết hơn là để ở doanh nghiệp".
Tuy nhiên, trên thực tế, SCIC đã từng có đề xuất giữ lại Vinamilk, FPT Telecom, Dược Hậu Giang nhưng sau đó, Chính phủ đã không đồng ý với trường hợp Vinamilk, FPT Telecom.
Ông Tiến xác nhận điều này và nói: "Không phải là SCIC không muốn thoái mà chỉ là giữ lại ở thời điểm này. Bởi vì, có rất nhiều quan điểm nói rằng, tại sao thời điểm này bán đi mà lúc ở thời kỳ đỉnh cao của chứng khoán lại không bán đi? Quyết định về thời điểm bán lúc nào là gắn liền với kế hoạch phát triển của SCIC nên SCIC đưa ra vấn đề đó thì chỉ là quan điểm ở một lúc nhất thời".
Mua bán lúc nào được giá?
Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ: "Hơn lúc nào hết là phải huy động được nguồn lực của nhân dân tham gia vào phát triển kinh tế xã hội và phải tôn trọng quyền của nhà đầu tư. Họ đầu tư là vì lợi nhuận nên phải có những mặt hàng tốt nhất mới mua, nếu không họ không mua".
"Vấn đề quan trọng là sau khi bán đi, tiền đó đầu tư làm gì. Phương thức bán như thế nào, ai giám sát SCIC quá trình bán đó?". |
Ông Kiên bình luận: "Nguồn cổ tức Nhà nước thu được ở 10 công ty này có thể lớn so với SCIC nhưng không phải lớn so với lợi ích mang lại. Suốt 6 năm qua, thị trường chứng khoán của ta gặp khó khăn chỉ loanh quanh 550-600 điểm. Một nền kinh tế phát triển thì thị trường chứng khoán phải ở mức từ 800-850 điểm, lúc đó, các nhà đầu tư mới hồ hởi đầu tư vào, các doanh nghiệp mới có thể huy động được nguồn vốn cho phát triển sản xuất thông qua huy động vốn từ thị trường tài chính chứ không phải qua kênh vay tín dụng".
"Chẳng ai có tiền mà lại đầu tư vào cổ phần cổ phiếu èo uột như bây giờ. Vấn đề quan trọng là sau khi bán đi, tiền đó đầu tư làm gì. Phương thức bán như thế nào, ai giám sát SCIC quá trình bán đó?", ông Kiên nhận xét.
Theo ông, một điểm quan trọng là quá trình thoái vốn vừa qua chưa có một tổng kết nào rõ ràng, chúng ta mới chỉ nghe SCIC báo cáo thế nào thì biết thế đó.
"Toàn bộ vốn Nhà nước của SCIC ở 10 công ty chắc chắn không phải bán một lúc. SCIC phải lập phương án từng doanh nghiệp một, rồi chỉ định ai chịu trách nhiệm bán, không để thất thoát vốn. Nếu SCIC đứng ra bán thì ai giám sát quá trình đó? Quá trình này sẽ phải mất 6-8 tháng nữa", ông Kiên nhấn mạnh.
Ông phân tích: "Kể cả 3 tỷ USD vốn SCIC ở 10 công ty, không phải là con số mà Nhà nước sẽ thu về. Đó chỉ là giá trị vốn hoá trên thị trường tại thời điểm này. Ngày hôm nay giá Vinamilk 80.000 đồng/cổ nhưng mai lại lên 120 ngàn đồng/cổ. Nếu bán ồ ạt cổ phiếu Vinamilk ra thì chắc đâu giá đã là 80.000 đồng/cổ? Chúng ta chỉ nên hiểu, đó là giá trị vốn hoá tại thời điểm này, khi nền kinh tế đang khởi sắc như vậy là khoảng đó".
Bởi vậy, để thoái vốn NN ạt hiệu quả cả về tiến độ lẫn chất lượng, TS Kiến nói: "Cần bán bán cái mà thị trường cần chứ không phải bán cái mà Nhà nước muốn bán".
"Một năm Bộ Giao thông đã có số DN cổ phần hoá chiếm 80% tổng số DN cổ phần hoá cả nước. Trong khi SCIC trong 2 năm 2013-2014 mà chỉ cổ phần hoá được hơn 159 DN trong 376 DN. Như vậy, cũng những văn bản pháp luật đó, cũng điều kiện kinh tế như vậy, thì Bộ này làm được. Vấn đề là con người và Thủ tướng có dám kỷ luật ông không đạt nhiệm vụ đó không?", ông Kiên nói.
Phạm Huyền