Trong khi nhiều vùng cam đang vật vã phục hồi, thì cam Cao Phong đã trở thành “ngôi sao” đất Bắc. Cú nhảy vọt ngoạn mục này được “lên dây cót” từ trước đó cả chục năm.

Ai đến vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) sẽ ngỡ mình đang ở miền trời Tây nào đó. Xanh tươi, trù phú. Những hàng rào lưới thép mắt cáo thò lò, lúc lỉu những quả cam vàng, chanh đào, quýt Ôn Châu. Nông dân trồng cam đi ô tô Lexus, Camry, Fortuner...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nói vui với lãnh đạo huyện Cao Phong rằng: “Các ông phải nghĩ cách phát triển du lịch ở đây mới được. Khung cảnh đẹp như tranh vẽ ấy”.

Mỗi lần lên nơi này, các vị lãnh đạo ngành Nông nghiệp lại vui hơn vì vùng đất ấy chuyển mình nhanh quá. Cảnh những vườn cam bị sâu bệnh phá nát, héo quắt queo thiếu nước, thân gầy nhẳng nheo thiếu phân cách đây hơn mười năm không còn nữa.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Tiến ở khu 3, thị trấn Cao Phong trồng cam đã sắm được ô tô đắt tiền.

“Tôi đã thấy dân Cao Phong ủ phân trâu, bò; ngâm đậu nành; ngâm xương cá mục nát rồi tưới cho cây cam để bổ sung đạm. Người ta đã nhận thức được muốn cây cam sạch bệnh, ra quả sai và chất lượng ngon thì phải chăm sóc nó cẩn thận như một cơ thể con người”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Nhờ cú hích của cơ chế khoán trong nông trường, đầu những năm 2000, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng cam, khí thế lao động sục sôi. Nhưng người Cao Phong vẫn chưa thể nào quên nỗi ám ảnh về những “mùa cam đắng” trong lịch sử, bởi giống chất lượng kém, thiếu nước và thiếu kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch bệnh. Rất may, bàn tay Nhà nước kịp thời xuất hiện.

Để có nguồn giống tốt và sạch bệnh, tỉnh Hòa Bình đã liên kết chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện NC Rau quả) và một số cơ sở uy tín để cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật trồng cam. Đồng thời, đầu tư chất xám, hạ tầng, khoa học công nghệ để nâng cao năng lực của Trung tâm Giống cây trồng tỉnh.

Rồi “mẻ” cây giống ghép đầu tiên với số lượng 700 cây đạt tiêu chuẩn (gồm 7 giống) lấy từ các cây đầu dòng đã được công nhận. Trên cơ sở đó tổ chức xây dựng vườn cây đầu dòng cung cấp vật liệu nhân giống tại chỗ, đảm bảo SX. Hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo các hồ chứa, đặc biệt là hồ Đắc Tra (cung cấp nguồn nước tưới cho 1.200 ha cam của Cao Phong) đã được tỉnh và Trung ương đầu tư sửa chữa, tu bổ để nâng cao năng lực trữ nước, tưới cho cam mùa khô hạn. Dân đã nhận thức được vai trò của nước đối với sự tồn vong của vùng cam nên mạnh dạn đầu tư máy bơm động lực cao, ống dẫn nước và bể xi măng dung tích chứa lớn ngay tại vườn, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây do Viện Khoa học Thủy lợi hướng dẫn.

Trước kia, giống cam Xã Đoài được trồng chủ yếu (trên 90%), vụ thu hoạch kéo dài giỏi lắm 2 tháng. Giờ thì người ta trồng rải vụ, nào cam chín sớm CS1 (thu hoạch tháng 9 – 10, chiếm 25% sản lượng), cam Canh (thu hoạch tháng 11 – 12, chiếm 10% sản lượng) và cam không hạt V2 chín muộn (thu hoạch từ cuối tháng 12 đến tháng 4 năm sau, chiếm 20% sản lượng).

Như vậy, mùa vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Rải vụ nên cánh thương lái muốn ép giá cũng chịu. Và khi những quả cam Cao Phong cuối cùng rời cành, thì cũng là lúc mùa mưa tới. Thuốc BVTV được phun thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ an toàn tuyệt đối. Khi quả cam to như cái chén, chỉ cần phun dầu khoáng để nhện đỏ, nhện trắng tắc ống thở chết; đánh bẫy ruồi vàng đục quả (mật độ 7 bẫy/ha).

Khi đã tạo ra được vùng nông sản hàng hóa chất lượng tốt, các sở, ban, ngành của tỉnh xúm lại bàn chuyện phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý và mời gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Đó là những nước cờ bài bản, trí tuệ và rất khoa học.

75 tỷ đồng tưới mát vùng cam

Đến nay, tổng diện tích cây có múi của huyện Cao Phong đạt khoảng 1.700 ha, trong đó riêng cam là 1.200 ha (năm 2014 đã cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn ViệtGAP cho 46,97 ha, dự kiến năm 2015 cấp thêm khoảng gần 100 ha).

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhẩm tính, trung bình mỗi ha cam cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. 1.000 ha cam là 1.000 tỷ đồng, tương đương 15.000 ha lúa trồng 2 vụ (giả định NS 11/tấn/ha, giá bán 6 triệu đồng/tấn), hiệu quả kinh tế đúng là... một trời một vực. 

{keywords}

Năm nay cam Cao Phong được mùa lớn

Định hướng của tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 là mở rộng diện tích trồng cam lên trên 5.000 ha, sản lượng đạt 90 – 100 nghìn tấn. Trong đó diện tích cam của huyện Cao Phong sẽ tăng từ 100 – 200 ha/năm. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phê duyệt một dự án khuyến nông trọng điểm, thực hiện tại 4 tỉnh trồng cam lớn ở phía Bắc là Nghệ An, Hòa Bình, Tuyên Quang và Hà Giang. Đây sẽ là bước đà quan trọng để những thương hiệu cam nổi tiếng của nước ta lớn dậy, bay cao.

Theo Thứ trưởng, so với phía Nam, sản lượng cây có múi ở miền Bắc là rất ít nên còn nhiều dư địa để phát triển. Định hướng của Bộ NN-PTNT ưu tiên phát triển 3 loại quả thế mạnh của miền Bắc đó là vải thiều, cam và chuối. Bởi những nông sản này có thị trường và có giá trị cao. Riêng tỉnh Hòa Bình, Bộ đã phân bổ 75 tỷ đồng từ nguồn vốn vay dự án WB7 để hỗ trợ các mô hình tưới tiết kiệm công nghệ cao cho các vùng cam và rau sạch của tỉnh.

Phóng nhanh, phanh kịp

Cùng với sự lan tỏa mạnh mẽ của thương hiệu cam Cao Phong, một số địa phương ở Hòa Bình cũng đang phát triển cây có múi.

Theo ông Trần Văn Tiệp, PGĐ Sở NN-PTNT Hòa Bình, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh đã lên tới 11.000 ha, chủ yếu là nhãn (1.900 ha), bưởi (2.000 ha), cam (3.000 ha), quýt (450 ha), chuối (1.700 ha) và na (430 ha). Đó là tín hiệu mừng nhưng vị lãnh đạo Sở cũng âu lo: “Hiện tại đã có hiện tượng nông dân tận dụng đất rừng độ dốc lớn cải tạo thành ruộng bậc thang để trồng cam. Biết tin, Sở NN-PTNT đã tham mưu với tỉnh lập một đoàn chuyên ngành để kiểm tra. Nếu nằm ngoài quy hoạch và không đủ điều kiện canh tác cam thì sẽ có biện pháp “phanh” lại kịp thời”.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã và đang triển khai quyết liệt công tác quản lý giống, vật tư, phân bón, thuốc BVTV và kiểm soát chặt VSATTP trên địa bàn. “Chúng tôi đã có đủ nhân lực nhưng vẫn thiếu phương tiện chuyên dụng hỗ trợ, vì thế kết quả đạt được chưa toàn diện. Sở đang đề xuất với UBND tỉnh tăng cường trang bị thiết bị, phương tiện để cán bộ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”, ông Tiệp nói. Một vùng nông sản hàng hóa được xây dựng bởi những trụ cột lý tưởng: Hạ tầng đồng bộ, kỹ thuật chuyên nghiệp, khoa học bài bản, sản phẩm chất lượng, thương hiệu vững mạnh, thị trường rộng mở... là một chiến lược đúng đắn, sáng tạo mà huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình tạo dựng.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)