- Đại diện Bộ Tài chính cho biết, giờ là thời điểm thuận lợi để SCIC mang các doanh nghiệp tốt ra bán và lộ trình thoái vốn sẽ được công bố trong năm 2016, thậm chí có thể ngay trong năm 2015.

Thời điểm thuận lợi

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2016, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải xây dựng lộ trình thoái vốn 10 DN để trình Chính phủ phê duyệt và công bố công khai. Nếu thoái vốn ngay trong năm nay thì lộ trình này cũng phải được công bố trước khi thực hiện.

Theo ông Tiến, việc thoái vốn 10 DN lớn do SCIC quản lý, bao gồm Vinamilk (45,1%), Bảo Minh (50,7%), FPT Telecom (50,2%), Vinare (40,4%)… là đã có chủ trương, nằm trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn DNNN của Chính phủ, không có chuyện do ngân sách gặp khó khăn.

Giải thích cho chủ trương nắm giữ dài hạn đưa ra hồi cuối 2013, ông Tiến cho rằng, trước đó, TTCK không thuận, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường vốn chưa thông suốt, khuôn khổ pháp lý chưa xong, thông tin chưa đầy đủ… Do vậy, SCIC thận trọng, chưa dám đưa ra bán vốn ở các DN tốt.

Theo đại diện Bộ Tài chính, giờ đây đã hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, nhất là trong giai đoạn 2016-2020. Thị trường vốn trong giai đoạn này được đánh giá không còn khó khăn. Trong khi đó, hàng loạt các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thoái vốn đã được xây dựng bài bản, hoạt động công bố thông tin cũng được cải thiện đáng kế.

{keywords}

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, giờ là thời điểm thuận lợi để SCIC mang các doanh nghiệp tốt ra bán.

Việc thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT Telecom… hoàn toàn nằm trong tổng thể chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước. Theo đó, Nhà nước sẽ thu hẹp các lĩnh vực kinh tế mà thành phần kinh tế tư nhân có thể làm được.

Sữa, bảo hiểm… là những lĩnh vực mà tư nhân đã làm rất tốt. Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ hay tăng tỷ lệ sở hữu tại các DN này. Định hướng cho SCIC đã rõ ràng là thoái vốn khỏi các DN như vậy. Những lĩnh vực mà tư nhân không làm được, không sẵn sàng tham gia… như an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và đầu tư hạ tầng cơ sở… thì Nhà nước mới thực hiện vai trò của mình.

Cũng theo ông Tiến, khoản tiền thu hồi sau thoái vốn không phải để ngân sách dùng để chi thường xuyên mà sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho nền kinh tế. Quỹ đầu tư phát triển sẽ đóng vai trò nguồn vốn mồi để Nhà nước có điều kiện kêu gọi xã hội đầu tư vào bốn lĩnh vực quan trọng nói trên.

Không bán cho nước ngoài để độc quyền

Phản ứng về chủ trương thoái vốn tại nhiều DN đầu ngành trong đó có Vinamilk, FPT Telecom, Vinare…, hầu hết các chuyên gia cho rằng, đây là quyết định đúng đắn trong quá trình thoái vốn Nhà nước tại các DN.

{keywords}

Việc thoái vốn không phải ồ ạt, mà đối với một số DN trong đó có Vinamilk cũng sẽ được cân nhắc cẩn trọng.

Giới đầu tư cũng khá hào hứng. TTCK tiếp tục tăng điểm với VN-Index đã đạt mốc 600 điểm đã đánh mất trong vài tháng qua. Các DN trong cuộc dường như cũng hào hứng với quyết định thoái vốn. Trên Bloomberg, đại diện Vinamilk đã bày tỏ khả năng nâng sở hữu nước ngoài lên kịch mức chính phủ cho phép. Vinamilk muốn cả nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý của các NĐT ngoại. Tất cả là chờ đợi các hướng dẫn về bán vốn ngoại cũng như lộ trình thoái vốn của SCIC.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, việc thoái vốn không phải ồ ạt, mà đối với một số DN trong đó có Vinamilk cũng sẽ được cân nhắc cẩn trọng.

Theo đó, Vinamilk là một DN lớn, có ảnh hưởng khá lớn tới thị trường sữa trong nước và người tiêu dùng nội địa. Do vậy, việc thoái vốn vẫn sẽ tính tới lợi ích của người Việt, không thể để DN bắt tay với nước ngoài để hình thành sự độc quyền.

Trên thực tế, SCIC là một DN. Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo và thông điệp rõ ràng về việc cho phép thoái vốn khỏi các DN dạng như thế nào, thuộc lĩnh vực nào. SCIC sẽ có kế hoạch lộ trình rõ ràng và sẽ chủ động và mạnh dạn hơn trong việc thoái vốn.

Mặc dù vậy, theo Bộ Tài chính, SCIC cũng sẽ phải chọn thời điểm để thu lợi cao nhất, đồng thời phải cân bằng các vẫn đề xã hội có thể xảy ra như vấn đề đảm bảo một thị trường sữa, bảo hiểm hay viễn thông… hoạt động lành mạnh, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng…

Nhà nước phải tôn trọng DN, tôn trọng SCIC. Tuy nhiên, SCIC phải chịu trách nhiệm công bố lộ trình rõ ràng, nếu không sẽ bị xử lý theo chế tài hiện tại. Phương án cuối cùng sẽ được chính phủ xem xét và công bố công khai.

Gần đây, Vinamilk đã tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại Singapore và Mỹ và sắp gặp gỡ các NĐT tại châu Âu. Nhiều khả năng, sẽ có rất nhiều NĐT nước ngoài quan tâm tới cổ phần Vinamilk.

Tuy nhiên, nhiều khả năng, các NĐT trong hay ngoài nước có thể sẽ phải có những cam kết rất cụ thể khi tham gia vào Vinamilk.

M. Hà