- Một ‘vũ khí’ đang được nhiều ngân hàng ráo riết chuẩn bị với tham vọng có thể thay đổi mạnh mẽ trật tự hệ thống ngân hàng trong một vài năm tới.

Âm thầm

Cả năm qua, một NH tầm trung ráo riết triển khai một dự án được kỳ vọng là một cú hích mang tính bước ngoặt có thể giúp đơn vị này bước vào tốp đầu trong hệ thống.

Dự án được triển khai khá âm thầm. Theo đó, tương lai của NH sẽ phụ thuộc nhiều vào dự án này. Cho dù đã phát triển dữ dội và là một trong những NH có lợi nhuận thuộc hàng đầu trong hệ thống, nhưng quy mô NH vẫn thuộc hạng trung. Dự án được kỳ vọng là một cú hích giúp NH tiếp tục vươn lên một tầm cao mới.

Dự án số hóa NH - digital banking không mới mẻ trên thế giới nhưng ở Việt Nam tất cả mới chỉ ở bước đầu. Digital banking nghe có vẻ xa lạ nhưng người dùng trong nước đã biết đến internet banking, mobile banking… Đây là những bước đơn giản, đầu tiên của quá trình số hóa NH.

Trên thực tế, không ai bảo ai nhưng hàng loạt các NH đã rậm rịch triển khai trong nhiều năm qua với mức độ, chi phí, sự hiểu biết và tham vọng khác nhau.

{keywords}

Internet banking, mobile banking... là những bước đơn giản, đầu tiên của quá trình số hóa ngân hàng.

Vietcombank (VCB) cũng thể hiện sức mạnh của mình với 7,2 triệu người sử dụng NH điện tử, 23 thương hiệu thẻ với 14 triệu thẻ các loại, 2.500 máy ATM trên toàn quốc… VCB cũng xác định hai dòng chảy quan trọng là di động và số hóa NH. Website của VCB hiện thuộc tốp 100 website lớn nhất VN về số lượng truy cập và dẫn đầu các NH trực tuyến. Trong 9 tháng đầu năm, dịch vụ VCB-iB@nking đã có 16 triệu giao dịch đạt trên 200.000 tỷ đồng.

Ngày 21/10, VietCapitalBank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiền đồng thêm 0,2%/năm, áp dụng đối với cả loại hình tiền gửi online, thực hiện trên mobile banking hoặc internet banking. Thậm chí, kỳ hạn từ từ 1-5 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, khách hàng còn được ưu tiên cộng thêm 0,2% so với sản phẩm tiền gửi thông thường tại quầy.

Trước đó, TPBank tích hợp internet banking và mobile banking thành một phiên bản đồng nhất trên nền tảng công nghệ tiên tiến HTML5. VietinBank cũng là một NH cung cấp đa dạng các dịch vụ số hóa, từ internet banking, đến hệ thống autobanking, máy ATM, nộp thuế hải quan online, nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin của Tổng Cục thuế…

Cơ hội và tham vọng

Ông Liew Nam Soon, phó TGĐ Lãnh đạo cấp cao Dịch vụ Tài chính Ngân hàng khu vực ASEAN, Ernst & Young Singapore, cho biết, digital banking hiện là một vấn đề nóng bỏng đối với các NH. Nếu NH không làm số hóa và bán lẻ thì tương lai sẽ có rất ít khách hàng. Số hóa sẽ thay đổi quy trình hoạt động, kết quả kinh doanh và lợi nhuận của từng NH.

{keywords}

Việt Nam hiện có khoảng 40 triệu người sử dụng internet và khoảng 21 triệu người sở hữu smartphone.

Số hóa được áp dụng cho NH bán lẻ, NH điện tử cá nhân, hoạt động quản lý vốn và ảnh hưởng tới nhiều ngành kinh tế, từ kinh doanh khách sạn, cho tới vận chuyển, đi lại…

Theo ông Liew Nam Soon, ở Việt Nam, khách hàng Việt Nam thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới. Hội nhập khu vực theo AEC và sắp tới là TPP giúp NH nhiều cơ hội hơn, thâm nhập vào nhiều thị trường mới, đưa ra nhiều dạng dịch vụ mới cho khách hàng. Số hóa giúp NH không nhất thiết phải mở chi nhánh mà thông qua nền tảng công nghệ để vươn tới một khu vực mới…

Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 40 triệu người sử dụng internet và khoảng 21 triệu người sở hữu smartphone. Đây là cơ sở cho một sự phát triển bùng nổ của các NH đẩy mạnh áp dụng digital banking.

Tuy nhiên, không phải NH nào cũng thấu hiểu về digital banking và dành sự ưu tiên, cũng như chấp nhận và có khả năng trang trải những khoản chi phí không hề nhỏ cho những dự án như vậy. Digital banking bao gồm automated branch và branchless banking. Trong đó, chi nhánh NH tự động không có giao dịch viên, gửi tiền, rút tiền, thanh toán… tự động.

Trước đây, đã từng có những NH triển khai những công nghệ khá mới, như ATM nhận tiền gửi… Tuy nhiên, sự không tiện lợi và không thực sự là automated branch cùng với sự trệch hướng trong kinh doanh và năng lực suy giảm đã khiến NH này hiện đang khó khăn chưa lối thoát.

Trong khi đó, cũng có những NH đang đầu tư rất mạnh cho số hóa với tham vọng cực kỳ lớn, coi đây là một cơ hội hiếm hoi để có thể nhảy vọt vào tốp NH hàng đầu Việt Nam. Cơ hội hội nhập mở rộng, cuộc canh tranh về công nghệ số không cần chi nhánh… đang khiến các ông chủ NH sốt sắng, dốc hầu bao, liên kết, hợp tác với kỳ vọng về một sự bứt phá mới.

Mặc dù vậy, cũng có những rủi ro khi áp dụng số hóa. Đó là một số vướng mắc về thủ tục pháp lý, rủi ro về tội phạm công nghệ. Sự thiếu hụt về dữ liệu lớn, chất lượng dữ liệu, hệ thống hỗ trợ và sự kết nối các NH lớn với nhau… cũng khiến phát triển digital banking không dễ dàng.

Ông Keith Pogson, Phó TGĐ Lãnh đạo cấp cao Dịch vụ Tài chính Ngân hàng khu vực Châu Á - TBD, EY Hong Kong cho rằng, digital banking tại Việt Nam thua khá xa so với thế giới. Một số nước tương đồng với Việt Nam như Indonesia, Thái Lan thì cũng đã có hệ thống số hóa rất tốt. Indonesia chỉ có 3 NH lớn và kết nối thanh toán dễ dàng.

Theo ông Keith, Việt Nam không có NH đủ lớn để hầu hết các giao dịch được thực hiện và cũng không có cơ chế trao đổi thông tin. Do vậy, các NH nội nên tập trung và làm việc cùng nhau để xây dựng một hệ thống NH số hóa. Nếu các NH Việt Nam không cùng nhau, các khách hàng Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng digital banking NH nước ngoài để thực hiện các thanh toán của họ.

M. Hà