Thiếu liên kết trong nội bộ khối truyền hình trả tiền là nguyên nhân chính dẫn đến giá mua bản quyền giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam tăng chóng mặt trong 10 năm qua.

Đầu tháng 10/2015, Công ty The Premier League sẽ chính thức đấu giá bản quyền truyền hình bóng đá Anh tại Việt Nam cho 3 mùa giải 2016 - 2019.

Chưa có số tiền chính thức được công bố nhưng thông tin từ các nguồn tư vấn cũng như tham gia đấu thầu cho biết, gói bản quyền cho 3 mùa tới tại Việt Nam giá có thể gấp 2 lần so với 3 mùa 2013-2016 vừa qua, lên tới khoảng 80 triệu USD.

Đây là mức giá tăng chóng mặt, nếu so với khoảng 10 năm về trước, không ai có thể hình dung ra.

Tăng theo cấp số nhân

Lịch sử truyền hình các trận bóng đá Anh bắt đầu tại Việt Nam bắt đầu vào 1995, khi Dulhill đưa vào phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), thông qua cơ chế đổi quảng cáo.

Các năm tiếp sau, các Đài truyền hình Việt Nam bắt đầu mua bản quyền và cho dù số tiền chưa mấy khi được công bố chính thức nhưng những thông tin có được cho thấy nó luôn tăng theo cấp số nhân.

{keywords}
Mua bản quyền giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam tăng chóng mặt trong 10 năm qua.

Đến mùa giải 2002 - 2004, VTV đàm phán với công ty ESPN STAR SPORTS (Singapore). Mức giá được cho là vào khoảng 900.000 USD. Sau đó, VTV tiếp tục mua bản quyền 3 mùa giải 2004-2007 với giá khoảng 2 triệu USD.

Đến năm 2007, tận dụng thời điểm hợp đồng 3 mùa giải nêu trên hết hạn, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã chen vào đàm phán với ESPN STAR SPORTS và mua được bản quyền 3 mùa giải tiếp theo 2007- 2010 với giá khoảng 4 triệu USD, tăng gấp đôi so với 3 mùa trước.

Khi Ban tổ chức giải ngoại hạng Anh tổ chức đấu giá 3 mùa 2010- 2013, như thường lệ các đài truyền hình, đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền Việt Nam không tham gia và lần này công ty MP & Silva (Italia) đã chi khoảng 11 -13 triệu USD để mua bản quyền phát sóng tại Việt Nam.

Sau đó MP & Silva bán cho rất nhiều đài truyền hình và đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền tại Việt Nam, thu về gần 19 triệu USD. Khi đó, kênh K+ bỏ ra 9 triệu USD để độc quyền phát sóng các trận ngày chủ nhật. Các đơn vị khác như SCTV, VCTV, Đài PTTH Hà Nội, Đài TH Tp.HCM, VTC…cũng bỏ ra gần 9 triệu USD để mua bản quyền các trận ngày thứ bảy.

Sau đó, đến cuộc đấu giá cho 3 mùa giải 2013-2016, thì công ty IMG Media (Mỹ) vượt qua MP&Silva để dành chiến thắng tại lãnh thổ Việt Nam. Số tiền IMG chi ra khoảng gần 35 triệu USD cho 3 mùa, nhưng IMG Media cũng thu về tới hơn 40 triệu USD, sau khi bán cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình Việt Nam.

Điều đáng nói là, Công ty IMG Media sau khi giành quyền phân phối bản quyền Giải ngoại hạng Anh, trên lãnh thổ Việt Nam, đã đưa ra các gói độc quyền, với số tiền lên đến gần 50 triệu USD, rồi ra "tối hậu thư" cho các nhà đài tại Việt Nam chọn, nhất định không cho thương thảo, để có giá phù hợp.

Sở dĩ IMG Media "hét" giá cao đến vậy, vì họ tin rằng, chỉ cần tung "miếng mồi" mang tên bản quyền Giải ngoại hạng Anh, là các đơn vị truyền hình tại Việt Nam sẽ tranh nhau giành phần.

Và đúng như tính toán của IMG Media, các nhà đài dù biết bị ép, nhưng vẫn chấp nhận, bỏ ra trên 40 triệu USD cho bản quyền 3 mùa giải.

Ngoại hạng Anh là giải bóng đá được nhiều người hâm mộ. Đây chính là nguyên nhân mà các nhà đài tại Việt Nam, luôn muốn giành bản quyền truyền hình của giải đấu này, để làm đòn bẩy, gây thanh thế, tạo thương hiệu, thu hút khán giả. Nhất là các đài, các kênh truyền hình mới thành lập, lại càng muốn có để nâng giá trị của mình.

Tuy nhiên, khi các đài truyền hình cạnh tranh nhau để giành bản quyền theo cách làm “mạnh ai, người nấy được” đã khiến cho giá liên tục bị đẩy lên.

Thiếu liên kết, người mua bị ép giá

Việc thiếu liên kết của các nhà đài là nguyên nhân chính dẫn đến giá bản quyền truyền hình bóng đá Anh tăng chóng mặt trong 10 năm qua.

Bắt đầu vào năm 2007, khi VTC lặng lẽ nhảy vào mua bản quyền từ ESPN STAR SPORTS đã khiến giá tăng lên gấp 2 lần so với trước. Sau đó đến 2009, K+ đàm phán gói độc quyền phát sóng các trận đấu ngày chủ nhật, với mức giá lên tới 9 triệu USD. Rồi tiếp đến 2012 lại là K+ mua bản quyền các ngày chủ nhật với mức giá tăng lên 33,5 triệu USD.

Vào tháng 10/2012, thời điểm chính thức đấu giá mua bản quyền bóng đá Anh 3 mùa 2013- 2016 diễn ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, chủ động bàn bạc với các đơn vị thống nhất để có phương án mua bản quyền với giá hợp lý, cân nhắc hài hòa nhu cầu về bản quyền với trách nhiệm phục vụ xã hội, tránh để công ty nước ngoài lợi dụng, gây lãng phí nguồn lực và thiệt hại cho khán giả truyền hình.

{keywords}

Sau đó, Hiệp hội truyền hình trả tiền và các thành viên đã thống nhất lập Ban điều hành đàm phán mua bản quyền bóng đá Anh, do đại diện của VTV làm trưởng ban. Các thành viên cũng thống nhất quan điểm, chỉ mua bản quyền với mức giá hợp lý, không cao hơn giá 3 mùa giải trước đó quá 20%, tránh để các đơn vị nước ngoài lợi dụng.

Nhưng đến giữa tháng 4/2013, thì K+ chính thức công bố độc quyền các trận đá ngày chủ nhật của giải ngoại hạng Anh, giai đoạn 2013 đến 2016 tại lãnh thổ Việt Nam với mức giá lên đến 33,5 triệu USD và từ đó đến nay, K+ vẫn độc quyền phát sóng tới 1/3 số trận, thường là những trận đấu hấp dẫn nhất, của giải ngoại hạng Anh.

Thiếu liên kết trong nội bộ ngành truyền hình, đã tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài lợi dụng để áp đặt phân phối độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam với giá chuyển nhượng cao trong thời gian qua.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm về đấu giá bản quyền, thì các đơn vị lại chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, thiếu đoàn kết, "đi đêm", phá giá, để bằng mọi cách giành độc quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh, đã dẫn đến thiệt hại lớn cho đất nước và người hâm mộ.

Nếu các đài cùng bắt tay hợp tác, đưa ra quy ước, chỉ mua với mức giá do mình đặt ra, không quan tâm đến giá đối tác nước ngoài chào, cách thức đàm phán do mình quyết định, hoàn toàn có thể được. Và như vậy chắc chắn sẽ không có chuyện tăng giá chóng mặt sau mỗi lần mua. Việc tranh mua đã tạo ra tiền lệ xấu, đẩy giá liên tục tăng cao, ông Long phân tích.

Trần Thủy