- Hàng trăm mặt hàng của Việt Nam trị giá 25 tỷ USD sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ TPP nhờ xoá bỏ thuế. Ngược lại, để bù đắp số tiền thiếu hụt do bỏ thuế nhập khẩu, Việt Nam có thể sẽ tăng thuế nội địa.
Cơ hội cho DN nhạy bén
Tại cuộc họp báo chiều 9/11, Bộ Tài chính cho hay, ước tính, hàng rào thuế đánh vào hàng hoá Việt Nam xuất khẩu đi các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với quy mô kim ngạch khoảng 25 tỷ USD, sẽ được dỡ bỏ ngay khi TPP có hiệu lực.
Trong đó, lợi nhất là thị trường Mỹ, Nhật Bản và cũng là hai thị trường khó tính nhất, với tổng giá trị kim ngạch mỗi thị trường là 10,5 tỷ USD.
Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế nông nghiệp, tương đương 97,7% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 0,95 tỷ USD ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả sang nước này đều được xóa bỏ thuế ngay.
Sẽ bỏ ngay thuế với gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nhật, Mỹ khi TPP có hiệu lực |
Với hàng công nghiệp, 85,6% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương ứng 74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, khoảng 6 tỷ USD. Trong đó, giày dép hưởng lợi ở 85% số dòng thuế với kim ngạch 1,15 tỷ USD.
Riêng dệt may sẽ có tới 73,1 số dòng thuế (1.182 dòng) được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 46,1% kim ngạch, tương đương 3,5 tỷ USD.
Đối với thị trường Nhật Bản, Bộ Tài chính cũng cho biết, nước này cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế, chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, tương đương 10,5 tỷ USD.
4 tỷ USD quy mô xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang 9 nước TPP còn lại cũng sẽ được giảm ngay thuế về 0%, như: Australia (2,9 tỷ USD), Canada (0,88 tỷ USD), Mexico (282 triệu USD), New Zealand (101 triệu USD), Chile (76 triệu USD)... Đó là chưa kể đến các thị trường trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, Brunei.
Ông Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết: "Riêng thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn khi toàn bộ dòng thuế với hàng thủy sản cam kết không xóa bỏ khi ký FTA song phương Việt - Nhật sẽ về 0% trong TPP vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Ví dụ như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ,...
Tuy nhiên, ông Thăng cũng nhìn nhận: "Các doanh nghiệp Việt hưởng lợi ưu đãi thuế trong các FTA đã ký kết chưa nhiều, đặc biệt là ưu đãi về C/O form D trong ATIGA, ASEAN và ASEAN +. Vì vậy, cơ hội trong TPP đều mở ra cho tất cả, nhưng làm sao để hiện thức hoá mới là quan trọng.
Theo ông, có những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu nhưng có thể không phù hợp với các nước TPP thì cần thời gian để điều chỉnh. Mỗi thị trường đều có quy định riêng về kiểm soát chất lượng sản phẩm, có đặc trưng riêng về văn hoá tiêu dùng. Cơ hội có nắm được bắt được không phụ thuộc chính vào khả năng nhạy bén của từng doanh nghiệp. Phía Nhà nước làm sao cung cấp được thông tin thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
"Qua khảo sát, những doanh nghiệp Việt hiện đã có bạn hàng với Nhật Bản đều khá vững tin trong hội nhập. Nếu doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu thì sẽ tiếp cận rất tốt các thị trường TPP", ông Thăng nói.
Thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, VAT,... rất có thể sẽ tăng từ năm 2018 |
Sẽ tăng thu nội địa lên 80%
Một câu chuyện khác quan trọng trong TPP là vấn đề hụt thu ngân sách, khi Việt Nam đã cam kết rất mạnh, xóa bỏ gần 100% số dòng thuế nhập khẩu cho 11 nước thành viên còn lại.
Cụ thể, khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ xoá bỏ ngay lập tức 65,8% số dòng thuế; 86,5% số dòng thuế về 0% vào năm thứ 4; 97,8% số dòng thuế về 0% vào năm thứ 11. Các mặt hàng còn lại được Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Trong đó, có rất nhiều mặt hàng thuộc về nguyên liệu sản xuất hoặc hàng tiêu dùng phổ biến được xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay như dệt may, giày dép, đồ gỗ, giấy, hoá chất, gạo, sữa, phân bón,...
Ông Vũ Như Thăng khẳng định: "TPP được kỳ vọng sẽ ký kết vào năm 2016, thời gian hiệu lực có thể từ 2018 trở đi. Vì vậy, trong ngắn hạn, quy mô thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ vẫn được duy trì, nhưng từ 2018, áp lực giảm thu sẽ hiện rõ. Đặc biệt, đây lại là thời điểm thực hiện các cam kết sâu hơn trong ASEAN, ASEAN +".
Theo ông Thăng, thu ngân sách sẽ bị tác động đa chiều, có sự đan xen giữa các FTA với nhau và sẽ có sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Kinh nghiệm từ các FTA đầu tiên như ASEAN, đến WTO,... số thu ngân sách giai đoạn 2008-2010 từ thuế xuất khẩu, nhập khẩu giảm, đến giai đoạn 2011-2015 chỉ chiếm 8% tổng thu ngân sách.
Song, để bù đắp nguồn thu, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ sẽ điều chỉnh cơ cấu nguồn thu ngân sách theo hướng tăng thu nội địa. Các khoản thuế nội địa như thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT, tiêu thụ đặc biệt,... sẽ được tính toán huy động làm sao để cơ cấu thu hợp lý, bền vững hơn.
"Giai đoạn 2011-2015, số thu nội địa không kể dầu thô phải đạt 70% tổng thu ngân sách, đến năm 2020 là 80%. Dù vậy, năm nay, ước thực hiện thu nội địa đã đạt khoảng 74% số thu ngân sách", ông Thăng nói.
Phạm Huyền