- Nếu không lót tay, doanh nghiệp có thể sẽ bị đòi hỏi rất nhiều giấy tờ ngoài quy định, bị kéo dài thời gian làm thủ tục và gánh chịu một thái độ không văn minh, không lịch sự của công chức hải quan.

Đó là những hệ quả mà 28% doanh nghiệp đang phải trả chi phí lót tay cho cán bộ hải quan phản hồi cho biết.

Phức tạp hơn, chi phí cao hơn

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành hải quan đều cảm thấy, nỗ lực cải cách vừa qua vẫn chưa đủ.

Thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu có tốt hơn trước không? 60-80% trả lời là thủ tục không đơn giản hoặc phức tạp hơn năm trước (2014).

Thời gian giải quyết cho doanh nghiệp có nhanh hơn không? 70-80% nói rằng, không nhanh hơn hoặc chậm hơn. 

Vậy, chi phí thực hiện có thấp hơn không? Không thấp hơn hoặc cao hơn năm 2014, 80-90% đã trả lời như vậy.

Có không ít tiếng cười nho nhỏ phía dưới, khi ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, chia sẻ những thông tin trên.

Ông cho biết: "Con số nói lên tất cả. Quản lý chuyên ngành chiếm tới 72% thời gian trong thủ tục thông quan hàng hoá qua biên giới, nhưng những nhiêu khê trong lĩnh vực này lại chỉ đổ dồn lỗi vào khâu thông quan của hải quan, nơi chiếm 28% thời gian".

{keywords}

Năm 2000, đã có một hội thảo về cơ chế hải quan một cửa mà giờ là năm 2015, hải quan vẫn chưa kết nối được hết các bộ ngành (ảnh minh họa).

Theo ông, chính các thủ tục chuyên ngành, thuộc quản lý ở gần 10 bộ ngành khác là nút thắt cần tháo gỡ cấp thiết nhất.

"Thời gian thông quan cho 1 lô hàng chuyên bình thường là 2 ngày nhưng nhiều có thể kéo dài tới 7-10 ngày. Nếu đổi lại thủ tục, không cần kiểm tra chuyên ngành ngay mà cho thông quan trước, kiểm tra sau thì chúng ta đã loại được 7-10 ngày này khỏi chi phí thời gian của doanh nghiệp. Việt Nam có thể giảm tới 60-70% thời gian thông quan ", ông Bình đánh giá.

Như minh chứng cho các số liệu trên, ông Nguyễn Giang Tiến, chuyên gia trong lĩnh vực Logitics kể: "Mới đây làm thủ tục nhập khẩu tự động cho thép, tôi mang trực tiếp công văn đến Bộ Công Thương thì văn thư không nhận và bắt phải quay về chuyển phát nhanh. Không hiểu sao lại có quy định như vậy?".

Chưa hết, ông Tiến kể tiếp: "Lô hàng thép 1.000 tấn, phải cắt một mẩu mang đi kiểm tra chuyên ngành nhưng 10-15 ngày sau mới có kết quả. 1.000 tấn thép nằm lưu tại kho cảng như vậy, tốn không biết bao nhiêu là chi phí".

"Cò" hải quan hoành hành Nam Bắc

Tuy nhiên, không chỉ thủ tục chuyên ngành, kể cả thủ tục hải quan vẫn nhận bị doanh nghiệp kêu ca.

Đặc biệt là câu chuyện thay đổi văn bản chính sách xoành xoạch khiến DN không kịp thuộc và việc phải lót tay phí bôi trơn vẫn tồn tại.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, trưởng nhóm nghiên cứu khảo sát ý kiến DN về lĩnh vực hải quan, cho hay: "Khi thông quan, 83% ý kiến doanh nghiệp kêu gặp khó khăn là do quá nhiều biểu mẫu khai báo và hay thay đổi".

Có những thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan được ban hành ra, doanh nghiệp chưa được cập nhật, chưa kịp nắm vững thì đã lại có thông tư mới thay đổi. Nhiều văn bản quá dài, từ ngữ không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn và cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và hải quan. Trong khi đó, không ít công chức hải quan lại áp dụng máy móc.

Bức bối hơn cả là tình trạng doanh nghiệp vẫn bị đòi hỏi nhiều giấy tờ nằm ngoài quy định. Khảo sát cho thấy có tới 48% doanh nghiệp gặp phải phiền hà này, thậm chí có địa phương, tỷ lệ này lên tới 73% doanh nghiệp.

Cũng bởi vậy, doanh nghiệp phải bỏ chi phí bôi trơn là điều tất yếu. So với năm 2012, con số này là 57% số DN được hỏi, năm 2013 là 49% thì năm nay, VCCI ghi nhận chỉ còn có 28%. Tuy nhiên, thay vì xác nhận chính thức việc lót tay cho hải quan, 35% doanh nghiệp đã chọn cách "im lặng là vàng", nghĩa là "miễn phản hồi” khi trả lời.

Và nếu không trả phí bôi trơn, hậu quả mà doanh nghiệp nhận được sẽ là kéo dài thời gian làm thủ tục (83%), bị yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo đúng quy định pháp luật (37%), nhận một thái độ không văn minh, lịch sự của công chức hải quan (31%),...

Ông Nguyễn Giang Tiến khẳng định: "Đã có hiện tượng cò hải quan. Một số công chức hải quan nói, muốn đi nhanh, thì phải gặp ông A, ông B, ông C. Ở Hải quan TP.HCM đã có và giờ, "cò" cũng xuất hiện ở miền Bắc. Chúng tôi đề nghị cần có biện pháp xử lý thời gian tới hiện tượng này".

Phạm Huyền