Hiện tại có khá nhiều khách hàng quan tâm tới du thuyền nhưng số lượng người mua lại khiêm tốn vì họ còn băn khoăn nhiều vấn đề, trong đó cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới quyết định mua.

TIN BÀI K HÁC

Nhiều tiềm năng

Mới xuất hiện tại Việt Nam, lượng tiêu thụ còn thấp do thị trường chưa tạo được cú hích đáng kể nào song theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, thị trường du thuyền Việt Nam sẽ sôi động và cũng không kém cạnh tranh trong thời gian tới khi mà nhu cầu của giới VIP về mặt hàng này đang lên.

Bà Dương Hồng Thúy, Giám đốc văn phòng đại diện Công ty sản xuất thiết bị tàu thuyền HENO-Triết Giang-Trung Quốc cho biết thị trường du thuyền tại Việt Nam hiện nay khá kén khách, tập trung nhiều ở dòng trung cấp (giá vài trăm ngàn USD), dòng cao cấp hầu như không có.



Khách hàng của các công ty du thuyền hầu hết là các công ty tư nhân, công ty lữ hành có dịch vụ cho thuê du thuyền. Ít tư nhân mua du thuyền một phần vì giá du thuyền khá đắt, một phần vì chính sách thuế dành cho hai khu vực là khác nhau.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công Ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Hàng Hải Việt Nam, với tư nhân, du thuyền nhập khẩu bị áp thuế 10% thuế nhập khẩu, 10% VAT và 30% thuế tiêu thụ đặc biệt. Những doanh nghiệp lữ hành có chức năng vận chuyển hành khách sẽ được miễn khoản thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện tại có khá nhiều khách hàng quan tâm tới du thuyền nhưng số lượng người mua lại khiêm tốn vì họ còn băn khoăn nhiều vấn đề, trong đó cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới quyết định mua.

Cùng chung nhận định với bà Thúy, ông Tuấn cũng khẳng định, ở Việt Nam, du thuyền dòng trung cấp là chủ yếu. Giá trung bình cho một du thuyền trung cấp khoảng 2 tỷ đồng. Ông Tuấn chia sẻ, du thuyền được định giá theo chiều dài, nội thất và vật liệu. Thông thường, người mới bắt đầu “chơi” thường chọn du thuyền có chiều dài 8m tới 10m để đi câu.

Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty BDC cho biết, hiện BDC đang sở hữu 10 chiếc du thuyền hạng trung cho du lịch và không có chiếc hạng sang nào. Ở thị trường Việt Nam, nhu cầu sử dụng du thuyền cho cá nhân thường với mục đích phục vụ gia đình vì vậy, cỡ trung bình, chở được khoảng 10 người đi du lịch.

Không chỉ khiêm tốn về lượng khách hàng, sản phẩm tiêu thụ mà thị trường du thuyền còn khiêm tốn cả về công ty cung cấp. Theo bà Dương Hồng Thúy, hiện chưa có thống kê xác định bao nhiêu công ty hoạt động trong lĩnh vực này nhưng bà ước chừng con số đó không hề lớn. Chính vì vậy, sự cạnh tranh trên thị trường là không cao.

“Hơn nữa, các công ty hầu hết đều là công ty thương mại không phải sản xuất. Văn phòng đại diện tại Việt Nam của Công ty sản xuất thiết bị tàu thuyền HENO-Triết Giang-Trung Quốc chỉ là đơn vị thực hiện công việc nhận đơn hàng của khách và tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Công Ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Hàng Hải Việt Nam có chức năng thiết kế và tư vấn”, bà Thúy cho biết.

Thiếu cơ sở hạ tầng

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường du thuyền tại Việt Nam chưa thể khởi sắc mà trong đó yếu tố then chốt nhất là thiếu cơ sở hạ tầng.
Ông Lê Anh Tuấn khẳng định, có không ít khách hàng rất muốn mua và sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho du thuyền nhưng lại băn khoăn vì bến du thuyền quá hiếm hoi. Chính việc thiếu hụt này đã kìm hãm nghiêm trọng thị trường du thuyền phát triển.

Giải thích kỹ hơn, ông này còn cho rằng, thị trường du thuyền tại Việt Nam ảm đạm không phải do khủng hoảng kinh tế. Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng mạnh tới đại bộ phận người dân có mức thu nhập trung bình và không ảnh hưởng quá lớn tới tầng lớp nhà giàu. Theo ông Tuấn, hiện nay các mặt hàng xa xỉ như siêu xe, túi hàng hiệu,… vẫn rất đắt khách.

“Bằng chứng cho thấy, dù các Bộ ngành đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ để kiềm chế nhập siêu nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp trong nước đã chi trên 1,5 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng trong danh mục hạn chế nhập khẩu.

Trong đó ôtô nguyên chiếc ước đạt 21.000 chiếc, tương đương 400 triệu USD; trên 400.000 điện thoại di động các loại, trị giá trên 10 triệu USD... Điều đó cho thấy nhu cầu có thể chi trả được của tầng lớp nhà giàu là rất cao”, ông Tuấn nói.



Chính vì vậy, ông Tuấn khẳng định, thiếu cơ sở hạ tầng mới là nguyên nhân chính kìm hãm thị trường du thuyền. Theo ông Tuấn, chẳng đại gia nào mua du thuyền về rồi để du thuyền phơi sương, phơi nắng, chịu nhiều rủi ro như bị ăn cắp, phá hoại…

Cũng theo ông Tuấn, hiện có khá nhiều bến du thuyền được cấp phép nhưng hoạt động thực sự thì chỉ có bến ở Tuần Châu. Điều đáng nói ở đây, bến du thuyền thiếu không phải vì cần vốn lớn mà vì các thủ tục hành chính.
“Chỉ cần 200 triệu đồng là đã có thể xây dựng được một bến du thuyền đủ tiêu chuẩn. Tiền vốn có thể thu xếp dễ dàng, cái khó nhất chính là xin giấy phép vì lĩnh vực này liên quan tới nhiều sở ban ngành như sở du lịch và sở giao thông vận tải”, ông Tuấn cho biết.

Nhưng vẫn sẽ bùng nổ

Dù đang phải đương đầu với khá nhiều khó khăn như không được ưu đãi thuế, thiếu cơ sở hạ tầng… nhưng thị trường du thuyền Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong thời gian sắp tới.

Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty BDC nhận định, ở các nước phát triển, du thuyền là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận và là sản phẩm tất yếu không thể thiếu trong ngành công nghiệp giải trí. Việt Nam cũng không ngoại lệ và đây là một thị trường vô cùng tiềm năng, có điều kiện khí hậu và điều kiện địa lý thuận lợi để phát triển.

“Khi kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng nhanh, cũng là lúc xã hội xuất hiện nhiều doanh nhân thành đạt trong giới thượng lưu. Hiện nay, giới trung lưu đang dần hình thành và lớn mạnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc áp lực công việc, áp lực kinh doanh càng lớn thì nhu cầu giải trí cao cấp càng cao.

Người Việt ngày nay đã dám nghĩ đến biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự biển, đã có những doanh nhân tậu máy bay, siêu xe, thì sự xuất hiện của nghành kinh doanh du thuyền cũng là yếu tố tất yếu”, ông Tuấn lý giải.

Đưa ra một số ví dụ về tiện ích của du thuyền, ông Tuấn nói, nếu đi từ Quận 1 (TP HCM) tới Cần Giờ theo đường bộ, du khách sẽ mất cả tiếng đồng hồ. Nhưng thời gian này chỉ còn là 15 phút nếu đi theo đường sông. Với quãng đường dài 120km từ TP HCM tới Vũng Tàu, du khách phải mất 3,4 tiếng thì đi tàu cánh ngầm sẽ giúp du khách tiết kiệm thời gian với chỉ 1 tiếng 20 phút.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, việc TP HCM có chính sách giải tỏa giao thông đường bộ và thay thế bằng đường sông cũng ảnh hưởng tích cực tới du thuyền.

Ông Tuấn cũng cho biết, lượng khách sẵn sàng chi triệu đô cho du thuyền không hề nhỏ. Vấn đề là chưa có ai tiên phong sắm du thuyền để giải trí nên thị trường chưa sôi động. Ông Tuấn khẳng định nếu chỉ cần có 2,3 đại gia tuyên bố mua du thuyền cao cấp, chắc chắn thị trường sẽ sôi động và bùng nổ trong chỉ 1 năm sắp tới.

(Theo VTC News)