Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, các điểm trông giữ xe mọc lên như nấm sau mưa, điều đặc biệt là, gần 100% những điểm trông giữ xe này đều thu mức phí cao hơn quy định, thậm chí có đến 90% đều đang thu giá đội lên gấp 5 lần, thậm chí hàng chục lần so với quy định vào những ngày lễ tết.

TIN BÀI KHÁC


Gần 1.000 đồng/phút trông xe (!?)

Theo quy định, phí trông giữ xe máy ban ngày tại khu vực nội thành Hà Nội là 2.000 đồng/lượt/xe, phí trông giữ ban đêm là 3.000 đồng/lượt/xe, tuy nhiên, dạo qua bất kỳ một điểm trông giữ xe nào trên địa bàn TP, tình trạng thu vượt mức quy định không phải là chuyện mới.

Tại điểm trông giữ xe ở bến xe Gia Lâm, giá 10.000 đồng/lượt được ấn định từ lâu. Theo nhân viên trông giữ xe tại đây, đã vài lần có đoàn kiểm tra đến và xử phạt, nhưng mức phạt này không thấm vào đâu so với lợi nhuận từ việc thu phí trông giữ xe. Bởi vậy, khi đoàn thanh tra đi khỏi, việc trông giữ xe vẫn diễn ra như cũ. Bãi giữ xe này, trông xe qua đêm giá lên tới 20.000 đồng/xe/đêm.

Anh Nguyễn Đình Thi, nhà ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội cho biết, anh vô cùng bức xúc, chỉ vào đón người nhà khoảng 10 phút, quay ra phải móc túi trả 10.000 đồng cho nhà xe. Khi thắc mắc, anh bị người trông giữ xe mắng luôn: “Giá trông xe bao lâu nay vẫn như thế, cả đời mới đi gửi xe một lần hay sao mà thắc mắc?”. Việc thu phí trông giữ xe này tồn tại hàng bao nhiêu năm nay và luôn gây bức xúc cho người dân, dù đã bị phạt, nhưng sau đó đâu lại vào đấy, việc phạt cứ phạt, việc thu phí cao vẫn cứ thu.

Tương tự điểm trông xe quanh chợ Đồng Xuân, giá vé cũng đang thu ở mức 10.000 đồng/lượt. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên với mức thu phí này, nhưng vì đã trót gửi xe rồi nên đành ngậm ngùi rút tiền ra trả.

Những điểm trông giữ xe ở quanh khu vực Vincom cũng mọc lên như nấm sau mưa với mức thu chung là 10.000 đồng/lượt. Mức thu này tồn tại khá lâu gây bất bình đối với khách gửi xe, Điều đáng nói là, điểm trông xe này chỉ cách UBND phường Lê Đại Hành có vài trăm mét.

Mức thu phí trông giữ xe ở bãi trông xe trên phố Gia Ngư, điểm trông giữ xe ở 73 phố Cầu Gỗ… cũng đã tự định mức giá 10.000 đồng từ rất lâu. Ngoài những bãi trông xe giá cao hơn đến 5 lần so với giá quy định, mức giá 5.000 đồng hiện đang được áp dụng rất phổ biến.

Vào những ngày lễ tết, tại những điểm vui chơi lễ hội, giá phí trông xe máy đồng loạt tăng lên tới 50.000 đồng/xe máy, xe ô tô lên tới 50.000 đồng/giờ.

Vé gửi xe vượt trần ở chung cư cao cấp Keangnam

Những chủ bãi xe trên đã “nhờn” thuốc phạt hành chính của các cơ quan chức năng, bởi đa số họ đều cho rằng, mức phạt như hiện nay, quá nhỏ so với lợi nhuận mà hằng ngày họ kiếm được.

“Nhờn” thuốc phạt hành chính

Theo thống kê của công an TP.Hà Nội, chỉ tính riêng 10 quận nội thành hiện có tới gần 1.100 điểm trông giữ xe thường xuyên hoạt động. Trong đó có 740 điểm có phép và hơn 300 điểm tự phát, không có phép. Hầu hết các điểm trông giữ xe đều vi phạm các lỗi: thu tiền cao hơn mức quy định, thu tiền không có vé, hóa đơn, biên lai, tổ chức trông giữ xe không đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, phòng cháy chữa cháy, không kê khai nộp thuế… những hành vi này đã gây thất thu hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Vì đây là loại hình kinh doanh đòi hỏi ít vốn đầu tư nhưng đem lại siêu lợi nhuận, nên mức phạt hành chính từ 750.000 đồng đến 10 triệu đồng là quá nhỏ so với lợi nhuận mà việc trông giữ xe đem lại. Bởi vậy chủ các bãi trông giữ xe thà bị phạt hành chính để tiếp tục thu giá cao chứ nhất định không thay đổi giá vé trông xe.

Điều quan trọng là, dù đã có chế tài về việc xử phạt cho những lần vi phạm tiếp theo, tuy nhiên theo đại diện phòng thanh tra hành chính Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đoàn vẫn chưa đi kiểm tra lại lần nào những điểm sau khi bị phạt hành chính, bởi vậy nên chưa thể trả lời có bao nhiêu điểm bị rút giấy phép trông giữ xe.

Việc buông lỏng quản lý, không thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý của các cơ quan chức năng đang tiếp sức để các điểm trông giữ xe “nhờn” luật.

(Theo GDVN)