Nhiều người đàn ông đã “trốn tránh” vợ sau khi chứng kiến cảnh bà xã mình sinh nở. Họ ám ảnh sau những giây phút đó hay mặc cảm khi cho rằng “vợ không còn là của riêng mình”.

TIN BÀI KHÁC


Chồng ám ảnh sau khi cùng vợ “vượt cạn”

Nhiều người phụ nữ vào thời khắc quan trọng vượt cạn đã rất cảm động khi có chồng bên cạnh để động viên, an ủi. Trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ, một người vợ cũng đã chia sẻ: “Chồng mình cũng vào phòng sinh cùng mình, ở cùng vợ từ khi em chuyển dạ cho tới khi phải chuyển vào phòng cấp cứu. Lúc đấy đau lắm, nhưng được chồng nắm tay, nhìn thấy chồng là thấy yên dạ hơn nhiều”.


Người phụ nữ “Vượt cạn” rất cần sự động viên, chia sẻ từ người chồng (Nguồn: Dân trí)

Một thành viên khác cũng thổ lộ: “Chồng mình đã cùng vào phòng sinh cùng vợ, ở bên vợ đón con ra đời và tự cắt rốn cho con. Mình rất muốn có chồng bên cạnh vào giây phút hạnh phúc nhất này”.

Có chồng bên cạnh, người phụ nữ sẽ vững vàng hơn để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình nhưng cũng không ít tình huống bi hài từ việc chồng đồng hành cùng vợ “vượt cạn” mà ra.

Anh H. ở Hà Nội cũng tất tả đưa vợ đi sinh. Sau khi vợ sinh mẹ tròn con vuông lại có thằng cu nối dõi nên anh H. mừng lắm. Tuy nhiên, sau khi vợ sinh, dù đã hết thời gian kiêng cữ nhưng anh cũng rất ít khi gần vợ. Người đàn ông này cho rằng, sau khi vào phòng sinh thì “vợ không còn là vợ mình nữa”. Anh cảm thấy hụt hẫng vì “chỗ đó” không còn của riêng anh. Từ đó, anh H. cũng rất khó để ép mình thân mật với vợ như xưa.

Trên Bee.net.vn, một bạn đọc là nam giới ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng đã chia sẻ câu chuyện khó nói của mình sau khi đi xem vợ đẻ. Anh tâm sự: “…Sau khi vợ sinh, rồi khoảng thời gian “cấm vận” cũng kết thúc và đã đến lúc tôi có thể "yêu" vợ. Nhưng lạ là khi chuẩn bị vào cuộc thì tôi lại không còn chút hưng phấn nào nữa. Tôi bỗng nhớ đến hình ảnh “cô bé” ngoác miệng to tướng để em bé chui ra, hình ảnh đó ám ảnh tôi . Lúc ấy “cô bé” không còn nhỏ nhắn, xinh xắn nữa. Nhưng khốn khổ cho tôi, tôi không sao thoát khỏi hình ảnh đáng ghét kia. Người tôi cứ nhũn ra, chú nhỏ thì thõng thượt.

Tôi không muốn làm tổn thương vợ nhưng không biết làm gì để tìm lại cảm giác gối chăn lãng mạn mà chúng tôi vẫn thường có trước đây..”

Câu chuyện này nhận được khá nhiều comment đồng cảm của những người đàn ông đồng cảnh ngộ. Bạn đọc Phùng Khanh (Lê Chân, Hải Phòng) tâm sự: “Tôi rất chia sẻ với bạn vấn đề này. Mặc dù tôi chỉ được nhìn thấy “cô bé” của vợ một lần khi y tá đến chăm sóc sau sinh cho cô ấy mà cũng cảm thấy mất hứng…”.

Nỗi lòng người vợ

Chuyện chồng được tham dự vào cuộc sinh đẻ của vợ là một tiến bộ của sản khoa, nó giúp cho người vợ không cô đơn, không có cảm giác "vượt cạn" một mình: "Đàn ông đi biển có đôi/Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình". Nhưng nhiều bà vợ cũng đã phải thắc mắc, hoang mang khi chia sẻ rằng: “Chồng tôi nhất định đòi xem tôi đẻ rồi sau ông tỏ vẻ... sợ tôi tới bây giờ?"


“Người phụ nữ cũng phải cân nhắc là mình có nhu cầu cần người thân ở bên cạnh lúc sinh hay không” (Nguồn: Eva)

Về vấn đề này, bạn đọc có nickname là Bali chia sẻ trên một diễn đàn: “Trước khi sinh mình cũng băn khoăn lắm, cứ suy nghĩ đắn đo mãi không biết có nên cho chồng vào không. Sau đó, mình hỏi thẳng chồng có muốn vào không? chồng bảo muốn tự cắt rốn cho con nên hai vợ chồng thống nhất để chồng vào”.

Thành viên Me - soc cũng tâm sự: “Mình nghĩ chuyện ai vào phòng mổ cùng khi vợ “vượt cạn” thì vợ chồng nên thống nhất với nhau trước. Đúng là nhiều anh vẫn quan niệm sinh đẻ là chuyện đàn bà, rồi nhìn máu me, bẩn thỉu rồi lại sợ bị chấn thương tâm lý”.

Trên báo Người lao động, BS Ngô Thị Yên (Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Trưởng phòng Khám thai BV Từ Dũ) cũng đã khuyên các sản phụ: “Người phụ nữ cũng phải cân nhắc là mình có nhu cầu cần người thân ở bên cạnh lúc sinh hay không. Tùy từng trường hợp cụ thể, gia đình nên bàn bạc trước để “tuyển chọn” ai sẽ vào hỗ trợ. Về phương diện tâm lý, nếu người chồng cảm thấy mất mát sau khi tận mắt chứng kiến cảnh vợ sinh với sự giúp sức của nhiều người khác thì nên nhớ rằng sinh nở là quy luật của tự nhiên. Người phụ nữ chẳng có lỗi gì khi phải “lộ hàng” lúc sinh”.

Minh Châu (Tổng hợp)