“Quần áo Trung Quốc bây giờ nhập về toàn là loại giá mắc, chỉ có
hàng Việt Nam do cơ sở nhỏ may mới có giá rẻ”.
TIN BÀI KHÁC
Khi hàng giá rẻ bị đội giá, khó bán, hàng hiệu Trung Quốc
được nhập về chợ sỉ khá nhiều và gần như không vấp phải sự cạnh tranh đáng kể
nào từ hàng trong nước.
Lật từng mẫu hàng mới phân thành ba cụm, bà Xuân - Chủ sạp
bán sỉ quần áo thời trang cùng tên tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) nói: “Áo C&T
350.000 đồng/cái, áo O-D giá 400.000 đồng/cái, còn quần tem con sò loại lửng
450.000 đồng, dài 650.000 đồng, sạp nào cũng bán giá này”.
Bà Xuân cho biết, hàng Trung Quốc bây giờ hầu hết có thương hiệu, giá khá
cao. Bà nói: “Loại hàng giá rẻ ít sạp lấy bán”. Ở chợ sỉ hàng may mặc lớn
nhất Sài Gòn này, giới buôn bán cho biết, hơn 90% là hàng nhập với tem nhãn
in chữ Hoa.
|
Nhiều mẫu mã chủng loại quần jeans có
thương hiệu của Trung Quốc được nhập và bán nhiều tại các chợ sỉ trong TP
HCM và các tỉnh với giá thường cao hơn giá bán hàng jeans nội địa, nhưng thị
trường vẫn chuộng mua.
|
Qua thời giá rẻ
Tại siêu thị Maximark, gần 100% hàng bán treo ở gian hàng thời trang Xanh
nhập từ Trung Quốc. Là khách quen trong ba năm qua, bà Lan bất ngờ khi biết
giá áo mới nhập về lên tới gần triệu đồng/cái. Quần kaki, quần thun mẫu mới
có nhiều kiểu lạ mắt, nhưng giá đều trong khoảng 600.000 - 900.000 đồng/cái.
Bà Lan kể: “Lúc đầu tôi ngỡ do giá thuê quầy mắc hơn nên vào
An Đông Plaza nhưng giá ở đó cũng vậy”. Sau hơn hai giờ rảo khắp các quầy trong
An Đông Plaza, bà Lan không mua được sản phẩm nào dành cho tuổi trung niên có
giá dưới 300.000 đồng.
Tại chợ Bến Thành, áo thun, đầm, váy, quần kaki… hàng Trung Quốc bán ở các
quầy thuộc hành lang bao quanh chợ đều được người bán giới thiệu là “thời
trang cao cấp”, đảm bảo chất liệu vải không thôi màu, đường may kỹ, các hạt
đính dính chắc…
Cô Thu - một nhân viên bán hàng cho biết: “Quần áo Trung Quốc bây giờ nhập
về toàn là loại giá mắc, chỉ có hàng Việt Nam do cơ sở nhỏ may mới có giá
rẻ”.
Hàng Trung Quốc giá rẻ ít do giá nhập tăng. Bà Hương - Chủ sạp bán quần áo
nhập loại cao cấp ở lầu 1 chợ An Đông - cho biết: “Khi nhân dân tệ tăng từ
2.800 đồng lên 3.300 đồng thì hàng giá rẻ của Trung Quốc bây giờ cũng phải
trên 250.000 đồng/cái”.
So với ba tháng trước, theo tính toán của bà Hương, giá quần
áo nhập từ Trung Quốc đã tăng thêm khoảng 40 - 50% tuỳ mẫu. Với mức tăng như
vậy, các loại áo thun, sơmi kiểu thông dụng đều mắc hơn hàng Việt Nam. Do vậy,
người buôn đều chọn nhập hàng chất lượng tốt, có thương hiệu rõ ràng, dễ bán
hơn.
Hàng nội giá rẻ cũng khó cạnh
tranh
Sự thay đổi của hàng may mặc Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam
phải quan tâm.
Bà Ngô Thị Báu - Chủ nhãn hiệu thời trang Foci vừa đi Trung Quốc về ngày
10/7 nói: “Nguyên phụ liệu, giá công, chi phí sản xuất… tại Trung Quốc tăng,
cộng thêm nhân dân tệ lên giá, nên quần áo Trung Quốc về Việt Nam bây giờ
không còn hàng giá rẻ nữa”.
Và theo bà Báu thì tuy không còn lợi thế giá rẻ, nhưng để cạnh tranh được
với hàng may mặc Trung Quốc ngay trên sân nhà cũng không đơn giản với các
doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Đặng Quỳnh Đoan - Chủ công ty thời trang Việt Thy - đã mất gần cả tháng
khảo sát thị trường hàng may mặc Trung Quốc từ chợ sỉ, cửa hàng bán lẻ ở TP
HCM đến Hà Nội và sang tận các đầu mối cung cấp hàng may mặc ở Quảng Châu,
đã đưa ra so sánh cụ thể: loại quần jeans giá sỉ khi mua nguyên dây (gồm năm
cái với năm khác nhau) hiện nay là 215.000 đồng, tăng 53% so với năm trước.
Cộng đủ các chi phí kinh doanh, giá đến tay người tiêu dùng phải trên
450.000 đồng/cái.
Công ty Việt Thy nếu thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi
phí kinh doanh, tăng năng suất, ký được hợp đồng bán số lượng nhiều, có thể làm
được sản phẩm với giá sỉ thấp hơn hàng Trung Quốc khoảng 10%.
Nhưng bà Đoan nhấn mạnh: “Không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc ở tốc
độ ra mẫu mới, các hoạ tiết trang trí và phụ liệu kiểu lạ”.
Bà Hương - Người liên tục đặt mua hàng Trung Quốc - cho biết, hàng hiệu
Trung Quốc đa dạng mẫu mã, mỗi món hàng đều có hoạ tiết trang trí làm bằng
tay tỉ mỉ, chất liệu và hoa văn vải lạ, không đụng hàng thị trường…
Bà Hương nói: “Các công ty thời trang cho hàng chợ là hàng bèo, giá rẻ, hàng
đại trà… nhưng các nhãn hiệu của Trung Quốc lại đưa hàng cao cấp, hàng mẫu
mã đẹp vào chợ để tụi tui bỏ mối lại cho cửa hàng”.
(Theo SGTT)