Làng quê Chánh Trạch yên bình nằm sát mép biển Mỹ Thọ, tựa lưng vào núi Thuận An của Phù Mỹ (Bình Định). Cho đến bây giờ chưa có ai lý giải được vì sao chỉ có nơi này trồng được những giàn bí đao rất "khủng".

TIN BÀI KHÁC


Tuy nằm sát biển nhưng phần lớn dân Chánh Trạch làm nghề nông. Từ bao năm qua họ đã tạo ra một sản vật bí đao đặc trưng. Ngoài trồng lúa, ớt, đậu..., hầu hết vườn nhà nào cũng có trồng vài giàn bí với những quả to lủng lẳng. Mỗi quả bí đao bình thường ở nhiều vùng quê khác chỉ nặng chừng 7 - 10 kg, vậy mà bí đao Chánh Trạch đều nặng từ 40 - 50 kg, thậm chí có nhiều quả dài cả mét, đường kính 0,6 mét, nặng gần 1 tạ.

Sản vật chỉ để... ngắm chơi 

Chúng tôi rẽ vào nhà bà Nguyễn Thị Liêu (71 tuổi) ở sát bên trục đường chính dẫn vào làng. Bốn phía của ngôi nhà đều là những khoảnh vườn đủ loại cây trồng. Hỏi về giàn bí đao đã khô úa lá, bà Liêu đang ngồi bóc vỏ đậu ở góc sân ngừng tay nhìn chúng tôi, giải thích: "Một năm chỉ trồng được một mùa. Tháng 11 âm lịch bắt đầu gieo hạt, đến tháng 4 âm lịch năm sau thì thu hoạch. Giàn bí đó nhà tui vừa hái xong, được gần 100 quả, quả nào cũng phải hai người khiêng mới nổi". Đúng như lời bà Liêu, từ nhà bếp lên phòng khách của nhà bà vẫn còn chất đầy bí đao khổng lồ trông rất đã mắt. Thân hình bà Liêu gần như bị che khuất hết khi bà đến ngồi cạnh một quả bí. 

Bí đao khổng lồ lủng lẳng trên giàn
Khu vườn rộng lớn của ông Nguyễn Ngà (69 tuổi) cũng dành phần lớn diện tích để trồng bí đao. Năm nào ông Ngà cũng mua gần 300 cây tre bự để làm khung giàn rất kiên cố bởi bí ra quả quá to nên làm sơ sài thì đều bị sập ngả nghiêng hết. Mùa này ông trồng 200 cây mà cây nào cũng sai quả. "Lúc đầu cả giàn bí chi chít quả, tính ra gần cả ngàn. Sợ nặng quá dẫn đến sập giàn, tôi đã cắt bỏ bớt, chỉ còn để lại mỗi cây một quả. Tôi vừa thu hoạch xong được khoảng 200 quả, sản lượng đạt gần 10 tấn", ông Ngà xởi lởi.
Nhìn ngôi nhà mới khá hoành tráng của ông Ngà đang giai đoạn hoàn thiện, tôi mở lời: "Chắc bác làm nhà này nhờ thu nhập từ việc trồng loại bí đao khổng lồ...". Ông Ngà nói như than vãn: "Không có đâu con ơi! Vợ chồng tui làm lụng cả đời mới để dành được ít tiền sửa lại nhà vậy đó, chứ trồng bí đao quả thì to nhưng giá bán lại rẻ như bèo, chỉ có 1.500 đồng/kg thôi mà cũng không ai mua. Tôi ráng trồng như vầy vì đây là cây truyền thống, sản vật đặc trưng nhất của làng từ đời ông bà để lại cho đến giờ". Trong ngôi nhà này, bí đao tràn ngập ra tận ngoài bụi tre, không làm gì cho xuể. Vợ ông Ngà - bà Đỗ Thị Hòa (67 tuổi) lúc này lật đật cố khiêng giỏ nhựa còn chất đầy những lát bí đao dày cộp nặng nhọc đi vào nhà. Hỏi ra mới biết bà Hòa đi chợ về. Để kiếm tiền mua mắm muối, bà đã xẻ một quả mang ra chợ bán, lay lắt đã qua ba phiên chợ quê vẫn không tiêu thụ hết, phải mang về làm thức ăn cho lợn "chứ nhà tôi ăn hoài đã phát ớn".

Bí đao nằm lăn lóc trong góc vườn nhà dân

Làng quê Chánh Trạch yên bình nằm sát mép biển Mỹ Thọ, tựa lưng vào núi Thuận An của Phù Mỹ. Cho đến bây giờ chưa có ai lý giải được vì sao chỉ có nơi này trồng được những giàn bí đao rất "khủng". Đất đai ở Chánh Trạch không được đánh giá là màu mỡ cho lắm. Khắp làng chủ yếu là đất cát pha. Nông dân ở đây cho biết cùng loại giống bí đao Chánh Trạch nhưng mang đi trồng ở nơi khác thì quả lại rất nhỏ. Ông Ngà nói: "Nhiều người dân vùng khác đến xin giống, tụi tôi mang đúng loại giống của làng đang trồng ra cho ngay. Về trồng thấy quả èo uột lại nghi oan là làng cho giống xấu. Mấy đời ở Chánh Trạch tôi để ý biết được rằng nguồn nước ngầm nơi này rất dồi dào, chỉ cần đào sâu xuống đất một mét là nước đã phun lên. Có lẽ nhờ đó mà bí đao hấp thụ được nhiều nước để phát triển, tạo nhiều quả to, chứ lúc trồng ít khi bà con tưới tắm gì cả, cũng không dùng bất kỳ loại thuốc kích thích tăng trưởng nào".
Sản vật bí đao Chánh Trạch khá nổi tiếng vì thời gian qua nhiều nơi đã chọn trưng bày ở các dịp lễ hội phục vụ khách tham quan. Người dân Chánh Trạch luôn mong có ngày sẽ chính thức được xác lập kỷ lục bí đao khổng lồ để sản vật đặc trưng mà họ cố công làm ra không chỉ để… ngắm chơi!
(Theo Thanh Niên)