Giá đất tăng vọt, nhiều nông dân không ngần ngại bán sạch số ruộng vốn là kế sinh nhai của gia đình để lấy tiền ăn chơi, hưởng thụ.

TIN BÀI KHÁC

Đặc sản côn trùng: Rình rập nguy cơ tử vong
Đào trâu bò chết lên... chế biến thành đặc sản
KFC liên tiếp dính bê bối an toàn thực phẩm

Theo công bố chính thức về kế hoạch sử dụng đất của Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM, tổng diện tích đất ở trên toàn thành phố là 7940 ha, trong đó những khu đô thị chiếm 5126 ha, còn lại 2778 ha là đất nông thôn. Trước tình hình gia tăng dân số tự nhiên nhiều khu dân cư đô thị mới liên tục hình thành và phát triển. Tốc độ đô thị hóa càng nhanh, tình hình đất đai càng biến động, nhất là ở những khu vực vùng ven ngoại thành và các quận mới thành lập theo chủ trương chỉnh trang đô thị.

Vướng mắc qui hoạch khu dân cư

Quận 2 đã và đang có kế hoạch sử dụng 182 ha để thành lập khu giãn dân Thủ Thiêm , khu dân cư ở Bình Trưng Đông – An Phú. Quận 7 có 5 khu dân cư chiếm diện tích khoảng 100 ha đất gồm Khu định cư số 1, Khu dân cư Tân Phong, Khu dân cư Tân Thuận, Khu nhà ở khu A và dành 20 ha để phục vụ việc mở rộng, chỉnh trang khu nhà ở hiện hữu.


Ảnh Đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp
Với quỹ đất khoảng 420 ha, quận 8 tiến hành xây dựng các khu dân cư tập trung kiểu mẩu như khu Trung Sơn, Phú Lợi – Ba Tơ, khu nhà ở Chợ Lớn... Quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh là những địa bàn có diện tích đô thị gia tăng nhanh như khu dân cư Phước Long, quận 9; khu dân cư công nghiệp Bình Hòa, quận Bình Thạnh; Khu dân cư đô thị mới Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức…

Đối với 4 huyện ngoại thành là Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ, cũng có nhiều khu vực được chọn để phục vụ tiến trình đô thị hóa. Đáng kể trong số này là các khu dân cư An Lạc – Bình Trị Đông (50 ha), Vĩnh Lộc (80 ha), Cầu Sáng (972 ha) ở huyện Bình Chánh; Khu dân cư phục vụ công nghiệp Hiệp Phước (100 ha) ở huyện Nhà Bè; Khu dân cư Bình Khánh 950 (ha), phát triển khu dân cư Nông thôn (200 ha) ở Cần Giờ …

Trong quá trình hình thành các khu dân cư mới, đời sống người dân ở những khu vực đô thị hóa không tránh khỏi sự biến động do giá đất tăng vọt, thậm chí có thể đẩy lên thành những “cơn sốt”. Bên cạnh đó, nhà nước cũng gặp vướng mắc nhiều khó khăn trong việc đền bù giải tỏa mà vấn đề chính yếu là do khung giá đất đền bù ở một số nơi còn chênh lệch hơn rất nhiều so với giá đất bên ngoài thị trường.

Một vấn đề then chốt khác là việc bố trí tái định cư cũng chưa thật sự thu hút những người dân có đất nằm trong khu qui hoạch. Bà Dung – người có 2.000 m2 đất thuộc diện giải tỏa để xây dựng khu dân cư Bình Trị Đông, Bình Tân – cho biết nguyên nhân vì sao còn chần chừ chưa chịu nhận tiền đền bù và bàn giao đất theo chủ trương chung: “Nhà nước giải tỏa lấy mặt bằng để xây khu đô thị văn minh, tui và các bà con ở đây ai cũng đồng tình, nhưng cũng cần nên tính làm sao đừng để người dân như tụi tui bị thiệt thòi nhiều quá, số tiền đền bù cho tất cả số đất đai, nhà cửa, vườn tược của tôi dành dụm bao nhiêu năm qua, chỉ đủ mua một nền nhà ở khu dân cư mới, thử hỏi làm sao chúng tôi dễ dàng chấp nhận?”.

Tái định cư còn nhiều bất cập

Mô hình thích hợp nhất cho việc bố trí tái định cư trong giai đoạn “đất chật người đông” như hiện nay là xây dựng các căn hộ chung cư, vừa đáp ứng cảnh quan đô thị, vừa tiết kiệm quỹ đất vốn ngày càng eo hẹp so với tốc độ tăng trưởng dân số. Nhiều dạng nhà chung cư dành cho người có thu nhập thấp được tiến hành xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư.

Tuy nhiên, để được sở hữu một căn hộ như vậy, đối với người nghèo vẫn chỉ là… mơ ước. Có nhiều trường hợp tranh thủ đăng ký mua nhà ngay từ khi căn nhà còn nằm trên… bản vẻ thiết kế, sau đó rao bán lại với giá đắt hơn từ 30 – 40 % trị giá căn nhà.

Ổn định nơi ở là một chuyện, tạo điệu kiện phù hợp với công việc làm ăn lại là chuyện khác. Người dân được bố trí tái định cư đa phần xuất thân từ nông dân, quanh năm gắn bó với ruộng vườn, cả đời quen làm bạn với đàn heo, ao cá… nếp sinh hoạt trong cảnh nhà thoáng đãng, sân vườn rộng rãi không dễ dàng thay đổi khi phải trú ngụ trong những căn hộ tuy tương đối đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng diện tích chỉ gói gọn trong phạm vi 30 – 40 m2, lại chót vót trên tầng 4, tầng 5. Thông thường, căn hộ chung cư được thiết kế tiêu chuẩn thích hợp cho gia đình gồm 3 – 4 thành viên, điều này sẽ gây cảnh chật chội, ngột ngạt đối với nhiều gia đình 7- 8 nhân khẩu trước kia vốn quen cảnh sống quây quần 3 thế hệ trong một căn nhà.

Khi nông dân không còn… đất

Với những người lấy nghề nông làm gốc cho cuộc sống, ruộng đất là người bạn thân thiết nhất của họ. Thông qua sức lao động, đất sản sinh những đồng lúa xanh mượt, những vườn cây trĩu quả, nói chung, đất đã cho con người nhiều điều tốt đẹp, nếu chưa muốn nói là tất cả. Bên cạnh đó, lại tồn tại một thực tế dường như nghịch lý: rải rác đây đó trong một số bộ phận nông dân, đã xuất hiện những bi kịch bắt nguồn từ đất.

Giá cả đất đai gia tăng đột biến theo tiến trình đô thị hóa, đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển. Một số bộ phận nông dân cả đời lam lũ, bổng trở thành… tỉ phú một cách nhanh chóng nhờ bán đất. Tiền, vàng đầy ắp trong tay, nhưng không phải ai cũng biết dùng khoản này để đầu tư kinh doanh, sản xuất có hiệu quả.

Đa số chỉ dùng cho mục đích tiêu xài, xây nhà, mua sắm các vật dụng tiện nghi đắt tiền, hoặc tha hồ vung tay vào những cuộc vui vô bổ… để rồi cuối cùng không ít những trường hợp phải lâm vào cảnh “trắng tay”. Tiền hết, đất cũng chẳng còn, tâm lý ngán ngại cảnh tay lấm chân bùn sau thời gian được tiếp cận cảnh sống xa hoa thụ hưởng đã đẩy nhiều hoàn cảnh lâm vào con đường bế tắc, thậm chí trở thành bi kịch.

Ông Tư Hợi, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, một lão nông thứ thiệt với dãy ruộng hơn 2 mẫu liền nhau được thừa kế từ cha mẹ. Thời quy hoạch, sức hấp dẫn của giá đất ngày càng tăng vọt, khiến ông Hợi không ngần ngại… bán hết số ruộng đất được thừa kế, thu về hàng ngàn lượng vàng, chỉ dành lại 300 m2 xây tòa… biệt thự “nguy nga lộng lẫy” trước sự “kính nể” của nhiều người. Tiền của dồi dào, những người con của ông Hợi không phân biệt trai, gái, lớn, nhỏ được ban phát mỗi người… vài chục cây vàng để… tùy nghi sử dụng.

Bản thân ông cũng giã từ mảnh vườn, đám ruộng để hòa mình vào lối sống phong lưu, những bữa nhậu dân dã với rượu đế, cá khô cùng vài người bạn hàng xóm dưới gốc rơm, chái bếp, với ông chỉ còn là quá khứ, thay vào đó là các bữa tiệc “linh đình” với bia lon, rượu ngoại, mồi nhấm là các món đặc sản cao cấp ở những nhà hàng sang trọng. “Cả một đời cơ cực lam lũ, bây giờ có điều kiện đổi đời thì tội gì mà không biết tận hưởng cho sung sướng”, đó là câu nói ông Hợi thường sử dụng để “thuyết minh” cho cách thay đổi lối sống của mình.

Miệng ăn núi lở, kết quả của sự “tận hưởng” là những tài sản mua sắm cách đó không lâu được ông Hợi lần lượt… đem bán sạch để có tiền xoay xở trong nhà. Gia sản duy nhất còn lại là căn “biệt thự” cũng phải đem cầm thế vì… nợ nần chồng chất. Thảm cảnh chưa dừng lại ở đó, hai trong số 3 người con trai của ông, một người hiện là học viên của Trung tâm cai nghiện ma túy, người đang thọ án tù vì đã trở thành tội phạm trong vụ án cướp giật chỉ vì cần có tiền để giải quyết cơn ghiền ma túy. Thời gian sau này, người ta thường thấy ông Hợi ngồi uống bia hơi một mình, có lẽ để… giải sầu, thỉnh thoảng lại chép miệng thở dài: “Bây giờ không biết phải làm gì để sống khi một cục đất để… chọi chim cũng chẳng còn ”.

(Theo Pháp luật Việt Nam)